Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ hơn cha. (1)
Năm 1977 tôi tốt nghiệp và dạy ở trường MG gần nhà. Mang tiếng đi làm nhưng thật là xấu hổ vì tiền lương chỉ đủ tôi tiêu vặt chẳng phụ giúp được gì, bố mẹ tôi vẫn phải nuôi ăn ngày 2 bữa.
Trước viễn ảnh tương lai u tối, không đủ sức để cạnh tranh với đời của các con trong thời buổi “gạo châu củi quế” và cuộc sống ngày một bất an hơn; bốn năm sau mẹ tôi gom góp số tiền còn lại lo cho chúng tôi đi lập nghiệp ở xứ người.
Nước Úc hiền hòa, nhân ái đã mở rộng vòng tay tiếp nhận và cưu mang chúng tôi (cùng đi với 4 chi em tôi có hôn phu sau này là người bạn đời của tôi).
Hành trang duy nhất còn lại của chúng tôi sau cuộc hành trình viễn xứ đầy cam go hiểm trở, là những kiến thức bố mẹ đầu tư cho chị em tôi cùng với sự hy sinh và tình thương bao la của bố mẹ. Những động lực ấy đã giúp tôi cố gắng hoàn thành trách nhiệm cao cả nhưng cũng nặng nề mà 2 đấng sinh thành giao phó trước khi đi, là ”thay bố mợ lo cho các em” và giúp chị em tôi vượt qua mọi gian truân vất vả của những năm đầu xa xứ.
Định cư ở Úc được hơn 1 năm thì tôi lập gia đình (theo yêu cầu của bố mẹ) nhưng vẫn sống chung với các em. Ba năm sau bà ngoại, bố mẹ và 3 em nữa của tôi cũng sang đoàn tụ với chúng tôi vào đúng ngày cháu bé thứ 3 của vợ chồng tôi vừa tròn 3 tháng tuổi.
Gặp lại con sau gần 5 năm xa cách, mẹ đã xót xa khi thấy tôi vẫn “mình hạc xương mai” và già dặn đi nhiều. Rồi thương tôi lúc nào cũng tất bật với công việc và đàn con nheo nhóc, bố mẹ bảo vợ chồng tôi về sống chung để trông nom các cháu giúp tôi.
Một tháng sau ngày về ở với bố mẹ, tôi và mẹ nhận hàng về may gia công kiếm thêm thu nhập cho gia đình (ngành may mặc trong những thập niên đó còn rất thịnh). Không đầy 2 năm sau vợ chồng tôi dành dụm mua được 1 căn townhouse nhỏ.
Cũng trong cùng năm ấy, bố mẹ tôi (với sự giúp đỡ của các em khi ấy 1 số đã ra trưòng và đi làm) mua được 1 căn nhà nhỏ khá khang trang. Nơi đây đã trở thành tổ ấm an bình, hạnh phúc thứ 2 của đại gia đình chúng tôi trên quê hương mới (Căn nhà kỷ niệm này được giao lại cho em trai út làm nơi cúng giỗ và thờ phượng tổ tiên sau ngày bố mẹ tôi khuất núi).
Giữa năm 1989 vợ chồng tôi dọn về nhà riêng. Mẹ không phải làm việc phụ tôi nữa, nhưng công việc nhà cũng làm mẹ bận rộn chẳng ngơi tay. Mãi đến khi các em đều yên bề gia thất, mẹ tôi mới thật sự an tâm vui hưởng tuổi già.
Dù không còn phải lo toan cho cuộc sống, mẹ tôi vẫn bình dị như xưa. Tiền quà chị em tôi biếu bố mẹ và tiền trợ cấp cho người già được bố mẹ dùng cho những sinh hoạt cộng đồng, những đóng góp từ thiện và những bữa ăn ngon cho chị em tôi vào mỗi cuối tuần.
Vì thế ngày cuối tuần thường là những ngày vui nhất của mẹ tôi, mà dẫu bận cách mấy chị em tôi cũng phải chở các cháu về thăm cùng dùng cơm tối với ngoại và bố mẹ. Nhũng ngày ấy cũng thật quý báu với tôi, mẹ phải kiên nhẫn ngồi hàng giờ bên tôi, nghe tôi kể lể chuyện gia đình, chồng con (bàn tính tôi nóng nảy và bướng bỉnh vì quen được nuông chiều), rồi ôn tồn khuyên bảo và động viên tôi. Có lẽ trong 3 chị em gái, tôi gần mẹ nhất và cũng làm phiền mẹ tôi nhiều nhất.
Thỉnh thoảng mẹ cũng cùng bố tôi tham gia sinh hoạt cộng đồng hoặc những buổi du ngoạn do hội cao niên tổ chức (bố tôi và 1 số bác đã thành lập hội Thân Hữu Cao Niên VN 3 năm sau ngày đặt chân đến Úc và làm tổng thư ký cho hội).
Hôm nào ở nhà mẹ lại đọc sách và nghe kinh. Tuy không được học nhiều nhưng mẹ có kiến thức rất rộng vì thích và đọc nhiều sách báo. Tủ sách của bố mẹ tôi cũng đầy ắp những băng, kinh, sách Phật Giáo vì cả 2 đều là Phật tử thuần thành. Đặc biệt là những bài thuyết giảng của hòa thượng Thanh Từ, một vị cao tăng mà mẹ tôi hết lòng tôn kính.
Thế rồi ngày tháng cứ dần trôi mãi, cuộc sống của chúng tôi cũng quyện theo giòng chảy của thời gian. Các con tôi ngày một lớn khôn thêm thì sức khoẻ những bậc niên trưởng trong gia đình cũng từ từ giảm sút.
Ngoại tôi ngày một già yếu hơn theo tuổi đời chồng chất và không còn minh mẫn như xưa. Mẹ tôi phải ở nhà để trông nom vì không thể bỏ ngoại một mình. Những lần bố mẹ đi chơi xa ngoại lại đến ở với vợ chồng tôi. Sau này mẹ tôi yếu sức quá không thể chăm sóc tốt cho ngoại được nữa (thời điểm ấy mẹ tôi hay đau lưng và thường xuyên mất ngủ), buộc lòng mẹ phải gửi ngoại vào nursing home.
Ngoại rời nhà rồi súc khoẻ mẹ ngày càng sa sút. Sau chuyến đi chơi xa (Trung Quốc) cùng bố tôi về thì bịnh mẹ trở nặng thêm. Số phận nghiệt ngã đã không buông tha những người thân tôi yêu quý nhất.
Lưng mẹ tôi đau nhức nhiều hơn trưóc, đường tiểu cũng bị nhiễm trùng và ra máu thường xuyên hơn, cộng với chứng mất ngủ làm tinh thần mẹ thêm suy nhược (có khi cả tuần lễ mẹ không hề chợp mắt).… Thấy bịnh trạng ngày càng trở nên nghiêm trọng, mẹ tôi mới cho hay. Thế là lập tức chúng tôi đưa mẹ vào bệnh viện để chữa trị.
Khi được biết mẹ có 1 quả thận bị hư cần phải mổ chúng tôi đã lo lắng vô cùng, nhưng mẹ tôi vẫn bình tâm lắm. Hôm vào phòng mổ còn an ủi ngược lại bố con tôi
– Sống chết có số mạng cả, tôi không sao đâu, anh và các con cứ yên tâm.
Buồn thay căn bịnh hiểm nghèo ấy đã không chừa lại mẹ tôi. Quả thận được mổ đi rồi nhưng bs lại phát hiện còn 1 cái bướu ở cạnh đó (giữa thận và bàng quang) và nó chính là mầm mống của ung thư.
Mọi người đều bàng hoàng trước tin đau buồn ấy. Bố tôi đau lòng quá đã bật khóc ngay trong phòng đợi của nhà thương. Chị em tôi cũng chỉ biết khóc theo bố thôi chứ chẳng giúp được gì. Rồi sợ mẹ suy sụp nhanh vì tuổi già sức yếu chúng tôi bảo nhau dấu không cho mẹ biết gì về bịnh trạng của người.
Từ hôm ấy tôi cũng nghỉ học ở trường Tafé để mỗi ngày đến trông nom chăm sóc mẹ tôi (lúc ấy tôi đang theo học ngành kế toán).
Sau 1 tuần ở lại nhà thương để bs theo dõi, mẹ được cho về nhà tịnh dưỡng. Vết thương vừa tạm lành mẹ lại tiếp tục ra vào nhà thương như đi chợ để điều trị ung thư. Cứ cách 3 tuần lạị 1 lần hóa trị làm mẹ tôi sợ lắm, tôi đọc được nét lo âu trên khuôn mặt xanh xao mệt mỏi của người.
Lần nào vào bịnh viện cũng có tôi bên cạnh mẹ. Nhưng đi để mà đi thế thôi, chỉ an ủi được chút ít về tinh thần cho mẹ chứ làm sao chia sẻ được nỗi đau thể xác mà mẹ phải cưu mang. Phản ứng thuốc hành hạ cơ thể mẹ thật đau đớn rã rời.
Nhiều lần mẹ tôi nghi ngờ gặn hỏi về căn bệnh của mẹ nhưng chúng tôi lại gạt đi
– Mợ không sao đâu, chỉ vì bs sợ ảnh hưởng đến quả thận còn laị nên điều trị mà thôi.
Chẳng hiểu mẹ tôi có tin hay không (hay mẹ đã đoán ra bệnh trạng của mình), chỉ thấy sau này mẹ âm thầm chịu đựng không hỏi han gì thêm nữa.
Mẹ ngã bịnh chưa bao lâu thì đến lượt bố tôi. Bố phát hiện bịnh sau mẹ nhưng lại ra đi trước.
Những ngày còn ở VN làm phó chủ nhiệm Hợp Tác Xã phải thức khuya dậy sớm đi xuống các tỉnh thu mua hàng, bố tôi đã mắc phải bịnh phổi. Tuy được chữa khỏi nhưng sau này vết sẹo ở phổi ngày càng lớn dần (trường hợp này chỉ 5% người bi nám phổi gặp phải) làm bố tôi ngày một khó thở hơn. Chức năng hoạt động của phổi yếu dần bố phải thở bằng bình dưỡng khí.
Sau khi thử nghiệm 1 loại thuốc mới, do tuổi tác cao không chịu đựng được phản ứng của thuốc nên bố tôi đã ra đi.
Hôm trước lúc bố mất, mẹ tôi yếu lắm rồi, nhưng vẫn cố gắng đến nhà thương gặp mặt bố tôi lần cuối. Mẹ đến bên giường bịnh nắm lấy tay bố tôi
– Mình ơi hãy tha thứ cho tôi nếu thời gian làm vợ tôi có lỗi lầm gì với mình nhé.
Bố tôi lúc ấy không còn nói được nữa, chỉ nắm tay mẹ mà nước mắt tuôn trào. Chị em tôi đã không cầm được nước mắt trước tình cảm vợ chồng trân quý của bố mẹ tôi.
Tối hôm đó, vài tiếng sau khi mẹ về, bố tôi đã thanh thản ra đi bên cạnh các con.
Bố mất rồi mẹ ngày một héo úa thêm. Hết hóa trị rồi đến xạ trị, làm mẹ như không còn sức lực nữa. Biết được thời gian ở với mẹ chẳng còn được bao lâu, chị em tôi đã chia phiên nhau túc trực ngày đêm bên mẹ. Tôi có thời gian hơn nên ở với mẹ ban ngày, còn các em thì chiều và đêm.
Hàng ngày có y tá đến xem bịnh, bơm thuốc giảm đau cho mẹ. Có những lúc cơn bịnh hành hạ mẹ tôi thật đau đớn nhưng mẹ vẫn cắn răng chịu đựng chẳng than thở nửa lời. Lúc nào đau quá chỉ mệt mỏi bảo tôi
– Con bơm thêm thuốc giảm đau cho mợ.
Tôi thật đau lòng nhưng không biết phải làm sao, chỉ biết ôm lấy mẹ rồi khóc.
Khoảng một tháng trước khi mất, Mẹ chỉ ăn chay. Tinh thần mẹ lúc ấy đã hơi hoảng loạn không còn tập trung được nữa, nên chị em tôi chỉ để băng niệm Phật cho mẹ nghe thôi.
Một hôm 2 mẹ con đứng bên cửa sổ phòng nhìn ra vườn sau, mẹ chợt nói bâng quơ:
– Xuân không qua cửa sổ.
Mắt Mẹ nhìn xa xăm vào khoảng không gian trước mặt. Vì mẹ lúc tỉnh lúc không nên tôi chẳng hiểu gì
– Mợ nói gì thế! Sao lại nói xuân không qua cửa sổ.
Mẹ chỉ lặng thinh không trả lời tôi. Khi mẹ mất rồi tôi mới nhận ra đó là lời tiên tri cho biết trưóc ngày ra đi của mẹ.
Thế rồi người mẹ thân yêu đã vĩnh viễn bỏ lạỉ chúng tôi vào mùng hai tết năm đó (2005), sau bố 11 tháng và tháng 8 âm lịch cùng năm bà ngoại cũng theo bố mẹ tôi về với Phật. Chị em tôi đã phải chịu đựng một mất mát lớn lao nhất trong cuộc đời chỉ trong vòng vỏn vẹn có 2 năm. Hai thế hệ cúa đại gia đình chúng tôi nay đã không còn nữa. Cuộc sống của tôi từ ngày đó cũng trải qua nhiều thay đổi thăng trầm.
Năm nay cũng giống như mọi năm sau ngày mẹ mất, chúng tôi về nhà em trai hôm mùng hai để cùng đón tết, mừng tuổi cho các cháu, cũng để cúng giỗ mẹ tôi và đọc kinh cầu nguyện cho người.
Hôm nay ngồi viết những giòng tâm sự này tôi lại nhớ mẹ không cùng, lòng tôi như thắt lại, nuớc mắt cứ chực tuôn rơi. Mới đó mà đã 9 năm rồi. Thời gian qua nhanh như gió thoảng. Tuy mẹ không còn hiện hữu ở thế gian này nữa nhưng mẹ kính yêu vẫn mãi bất diệt trong trái tim tôi. Những lời thương yêu, dạy bảo của người vẫn luôn đồng hành với tôi trong cuộc sống, và là kim chỉ nam giúp tôi vun bồi chăm bón cho mái gia đình nhỏ bé của mình. Tôi thầm cám ơn mẹ đã cho tôi diễm phúc được làm con của mẹ và công ơn sanh thành dưỡng dục bao la như trời biển ấy muôn đời tôi cũng chẳng thể đáp đền.
Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy từng trời cao
Đố ai đếm được những vì sao
Đố ai đếm được công lao Mẫu từ (2)
Xin được chia sớt nỗi buồn với những người cùng cảnh ngộ đã mất đi người mẹ yêu quý trong cuộc đời giống như tôi.
Và xin chúc mừng những người may mắn còn mẹ để vẫn được chăm sóc thương yêu.
Tôi cũng xin cám ơn các anh, chị đã cùng tôi chia sẻ những dòng tâm sự này.
Trinh
*1, 2 (tục ngữ ca dao VN)
* Trang này được xem 2812 lần