
Họ hàng nhà tôi không nhiều, nên những đợt lễ Tết tôi thường tự nhủ “Dạo phố xem hoa rồi về nhà ăn uống no say, chơi đùa với người thân trong gia đình. Thế là chấm hết những ngày Tết nhạt nhẽo”. Năm nay 09/02/2014 một ngày làm tôi ngạc nhiên và cảm động, bạn biết gì không. Đó là ngày các cựu học sinh Cao Thắng mừng Xuân Giáp Ngọ, làm lễ tri ân thầy cô năm 2014, lần thứ 9. Với riêng tôi đây là năm đầu tiên, tôi kể bạn nghe nhá:
Vào sáng chủ nhật 09/02/2014 vào khoàng 8 giờ 40 phút, tôi đến nhà hàng 241 đường Phạm Viết Chánh, trước cửa nhà hàng có máy quay phim, máy chụp hình, hân hoan đón chào các cựu học sinh nô nức kéo về. Trước là kính thầy, sau mừng rỡ đồng môn các anh em gần xa của mình trong suốt thời niên thiếu ngồi học dưới mái trường Cao Thắng.
Sau nghi thức mừng lễ các thầy cô, mọi người túa nhau đến các bàn thăm hỏi thầy. Các thầy cô đã già nhiều, học trò mừng rỡ kể lại những mẩu chuyện đã từng được thầy dạy bảo. Có thầy Kim dạy kỹ nghệ sắt, nhắc lại tay trái cầm kềm kẹp thanh sắt nóng đỏ, còn tay phải cầm búa gõ vào vật muốn rèn.Thầy Kim Chi dạy điện xí nghiệp cười hiền hòa và chẳng thể nhớ vì quá nhiều học trò. Thầy Nguyễn Sỹ Long dạy toán giải tích nhận ra được đôi ba người, may mắn thay trong đó có mình (sung sướng chưa), hai thầy trò tay bắt mặt mừng, thầy tươi vui hỏi có bao nhiêu em về dự lễ. Đảo mắt quanh vẫn còn vắng bóng một số thầy, cuộc đời biết bao thay đổi, trò cũng bận rộn kiếm kế mưu sinh, đến độ mà : “Ra ngoài đường, gặp mặt cũng chẳng nhớ tên và phớt tỉnh, làm lơ rất gọn…”
Kế tiếp nữa là bữa cơm thân mật của đại gia đình Cao Thắng, khi rượu vào thì lời ra, biết bao mẩu chuyện vui có, bị đánh đòn thưở đi học vì quậy phá …. Khi thầy Thống bước lên bục có đôi lời phát biểu thì có anh ngồi chung bàn với mình, “Ồ! Hồi trước thầy làm giám thị, tui bị đánh mấy roi vì tội không may phù hiệu vào áo. Hồi đó kỷ luật nghiêm khắc lắm đó. Đúng rồi thầy Thống đó, thoắt một cái mà mấy chục năm nay rồi” và còn biết bao chuyện vui vui nữa…
Đến gần cuối giờ, chị Thoại Vân, Kim Chi … phát cho chị em nữ mỗi người 1 áo thun xanh kỹ thuật của trường mình, phù hiệu Cao Thắng bên vai trái, trước áo có in dòng chữ : Hội ngộ Cao Thắng 2013 – Nam California”, đây là số áo mà cô Út, tên gọi thân thương mà các anh trai có tuổi dành riêng cho bạn Phương Anh. Cô Út, cựu học sinh lớp CK77C3, nay sinh sống tại San Diego, Mỹ quốc. Năm nay Phương Anh về dự lễ và mang theo một lô lốc áo thun nói trên, vì số áo có hạn, nên ưu tiên cho các chị em nữ, phần còn lại chia cho các anh. Cô bé Út này, dáng người thon thả mặc dù đã 55, ở cái tuổi mà Việt Nam xếp vào dạng nghỉ hưu, thế mà bé Út nhanh nhẹn, hòa nhã với các anh chị em, rất nhiệt tình thăm hỏi bạn bè gần xa và nhất là những chuyến công tác thiện nguyện. Khi nhận được áo, phải mặc vào người, nhóm nữ hân hoan lên sân khấu trình bày bản “Nối vòng tay lớn – Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn” ước mong tình cảm được bay xa, thấm đậm và kết nối với nhau tạo thành tình thân như anh em một nhà. Cuộc vui nào cũng tàn, rồi từng người chào nhau ra về, lòng bồi hồi xúc động, chờ mong năm sau lại một ngày như thế này sẽ đến, chúng ta cùng nhau tái ngộ.
Bao hình ảnh quay lại trong đầu óc của tôi, nhớ những hôm mới bước chân vào trường, bỡ ngỡ với những người bạn lạ và môi trường học nhiều thiết bị máy móc khác hẳn trường cũ toàn nữ sinh và chỉ có bàn ghế, lớp học cùng tập giấy. Ở trường mới này, sau thời gian học văn hóa, còn phải thực tập dưới xưởng. “Eo ơi! Ghê quá”.
Ngày tháng thoi đưa, 4 năm trời miệt mài với bao lý thuyết phổ thông, các thầy phải cố gắng dạy rút cho kịp chương trình đào tạo, mà phải dạy kỹ như môn toán, vật lý, hóa học để có nền tảng cho các môn cơ sở ngành: Cơ lý thuyết, dung sai, sức bền vật liệu, vẽ kỹ thuật …. Lại còn xuống xưởng thực hành, tay chân dầu nhớt lấm lem. Học trò trường mình tự hào học giỏi các môn khoa học tự nhiên không những thế còn phải có đức tính cần mẫn, chịu khó thì mới có kết quả học tập tốt đẹp.
Nhớ nhất là hình ảnh của bạn Phạm Đức, học lớp 10T, dáng người nhỏ nhắn, đen nhẻm, nhặt được chìa khóa xe đạp, trao lại cho mình, kèm theo câu nói nhẹ nhàng và nụ cười thân thiện “ Lần sau chị nhớ cầm theo chìa khóa nha”
Tạo sự kết nối với các bạn trong trường thì chẳng phong trào nào hay nhất là văn nghệ và thể thao. Mình nhớ nhất lớp mình có 12 nữ, kéo co với lớp nữ CT5, ai cũng cắt đặt người này đứng trước, người đứng sau, người ở thế phòng, người kia thế tấn. Đến sáng ngày thi đấu ai cũng vui vẻ chờ mong phần thắng cuộc, nhoẻn miệng cười, chân bước nhanh ra sân. Chao ơi, sừng sững là chị Trường, cao to, đẹp mặt đẹp người, bọn nữ lớp mình ngỡ ngàng và việc gì đến thì phải đến. Lần ấy nữ lớp CK75D1 thua trắng.
Bọn con trai được kéo co với lớp động cơ, bọn con gái đứng quanh cổ vũ sôi động, những từ “Cố lên, cố lên” luôn được nhắc lại trên môi mọi người. Mình rất nhiệt tình, la hét ỏm tỏi, khản cả tiếng, thế mà sợi dây thừng cứ lỏng tay tuột dần về phía lớp động cơ. Buồn ghê, mình òa khóc hòa lẫn tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt bên thắng cuộc. Lẽo đẽo theo sau mình là anh bạn Cao Văn Vũ, lấm lét nhìn mình và luôn miệng:”Vũ xin lỗi vì đã thua cuộc làm cho Tuyết buồn mà khóc”… Trời ơi, cảm động quá chừng, rồi hai đứa nắm tay nhau đi lên lớp, bỏ lại sau lưng tiếng ồn ào trong ngày hội thao.
Mỗi lần Tết về, trường tổ chức văn nghệ, lớp nào cũng có tiết mục dự thi, lẽ đương nhiên lớp D1 cũng tham gia chứ lỵ. Đó là hoạt cảnh mà 2 người con trai đứng sát hơi khom người và 1 cô gái nhảy lên lưng của 2 anh, ngước mặt cười tươi. Thời gian ấy làm gì có nhiều loại vải vóc như bây giờ, được loại vải quần tây cheviotte và vải soie Pháp là xịn lắm. Khổ nỗi 2 thứ vải đó đều toàn bằng chất nylon và trơn tuột như bôi mỡ. Lần đó khi trèo lên lưng 2 bạn, tôi đã bị tuột vì vải trơn, sợ quá tôi nắm ngay cổ áo của anh Trần Quang Vinh và siết chặt để khỏi té. Vì danh dự của lớp, của khối và của chính mình chứ, càng nghe rên hừ hừ tôi càng siết chặt thêm hơn. Dưới khán đài bao nhiêu người vỗ tay hoan nghênh cảnh này. Tiếng vỗ tay vừa ngớt tôi nghe tiếng tiếng Vinh thở khò khè: “Chết Vinh rồi Tuyết ơi”. Màn diễn qua đi bọn con gái lấy dầu cù là xoa cổ cho anh bạn, cạnh đó bao nhiêu bạn xoắn xuýt khen màn trình diễn tuyệt cú mèo. Những độ xuân về có dịp dự liên hoan văn nghệ đâu đó, tôi nhớ mãi đến các bạn trai cùng lớp nhất là Trần Quang Vinh cùng Lưu Quốc Phú.
Vào một buổi trưa hè oi ả đầu tháng 4, ở lầu 1 bên hội trường B, lớp D1 bọn mình liên hoan tổng kết ra trường. Biết bao nghĩ suy lẫn lộn, nào là được nhận nhiệm sở ở đâu, nào là chia tay với các bạn… nào là ….Bọn nữ nhận phần nấu nướng cho bữa tiệc này, chị Lữ Thị Thanh Hương nấu nhiều thức ăn ngon lắm: như cà ry gà nè, bánh mì kẹp thịt quay nè và 1 nồi chè bà ba ngon hết chỗ chê. Lúc đầu ai cũng hăng hái ăn uống, càng dần về chiều, thức ăn cạn dần mà sao nồi chè vơi chậm quá. Phải làm sao mà nuốt hết đây, bọn tụi mình nghĩ ra trò oảnh tù tì, đứa nào thua đứa đó phải ăn 1 chén chè. Huỳnh Đoàn Hùng có vẻ thích chí, chút hồi nữa, Huỳnh Tấn Lộc và Huỳnh Đoàn Hùng lạy như tế sao xin không được ăn chè nữa. Cả lớp cười hí hí vì mới thấy có chuyện lạ, được ăn mà năn nỉ không dám ăn nữa. May quá nồi chè cũng vơi dần trong tiếng chia tay từng nhóm, thầm thì to nhỏ, ghi chép địa chỉ và hẹn hò thăm nhau… Vài đứa chúng tôi còn ở lại, vội vã dọn dẹp vệ sinh bàn ghế. Bỗng dưng lòng buồn lạ lùng và trống vắng như sân trường lác đác vài cành phượng vĩ trong nắng chiều nhạt dần rồi tắt hẳn cũng như tâm trạng của bọn học trò nhỏ trước giờ chia tay bịn rịn, thương nhớ. Mai này mỗi đứa mỗi phương trời, khó lòng mà gặp gỡ nhau được.
………………………….
Cuối bài mình xin thành thật cảm ơn Ban Tổ chức: anh Thọ Bình, anh Tấn Hưng,… các anh chị hải ngoại, trong nước và còn nhiều người…nhất là sự góp mặt, góp lòng, góp sức của cô bạn Phương Anh đã nhã ý đóng góp để có 1 ngày lễ tri ân thầy như ngày 09/02/2014 vừa qua tràn đầy niềm vui và biết bao kỷ niệm ngọt ngào ru mình thơ trẻ lại. Một lần nữa là lời mừng rỡ các anh chị em gặp nhau chan hòa tình cảm đồng môn, cho tôi một ngày hạnh phúc tuyệt vời.
* Trang này được xem 2823 lần