Beng, beng …beng. Beng, beng … beng. Beng,beng …beng …..
Nhịp kẻng càng lúc càng thôi thúc làm hắn choàng tỉnh ngủ hẳn, sau vài giây định thần thì hắn chợt nhớ đó là tiếng kẻng hiệu lệnh báo động “tập trung di chuyển”. Nhanh chóng hắn vội lao ra khỏi mùng và thu dọn toàn bộ quần áo, tư trang, mùng mền, chiếu gối, cho tất cả vào ba lô, kiểm tra một lần cuối cùng, rồi tất tả rời khỏi căn phòng của tiểu đội để ra sân tập trung toàn đơn vị.
Hắn ngoái nhìn lại căn phòng dưới ánh đèn neon lờ mờ trãi đều, căn phòng bây giờ chỉ còn chơ vơ những chiếc giường gỗ trơ vạc, trông thật hoang tàn so với những ngày qua khi mười hai mạng người nhét đầy trong khoản không gian hơn ba mươi mét vuông. Trong lòng hắn đang lo lắng không biết có chuyện gì đây hay chỉ là những bài học khi ở quân trường, nhưng do trong tuần qua thỉnh thoảng vẫn có lệnh tập trung và từng nhóm nhỏ được gọi tên, rồi được thông báo là cử đi học y tá, thông tin, pháo binh hoặc bổ xung cho các đơn vị khác, rồi các tân binh cứ thế leo lên xe và được chở đi, nhưng đây là lần đầu lệnh tập hợp được thực hiện vào ban đêm.
Ra đến sân, hắn thấy có một đoàn xe tải quân đội loại xe do hãng GMC sản xuất, khá đông đang chờ sẵn. Tất cả đồng đội của hắn đều ngơ ngác nhìn nhau như để dò hỏi tin tức, những tiếng xì xầm trao đổi, nhưng không quá ồn ào cứ lan tỏa trong đám chiến sĩ mới, họ vào quân trường nầy mới chỉ hơn sáu tuần lễ sau khi chia tay với bạn bè ở các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng trên toàn thành phố Sài gòn vào những ngày đầu tháng 11/1978, nào là Trung học y tế, Kế toán tài chính, Kỹ thuật Cao Thắng, Quốc gia âm nhạc v.v… Quân trường của hắn là một cơ sở của quân đội miền Nam trước 1975 tại số 2 Bis Xô viết nghệ tĩnh, nằm sát ngay đầu cầu Thị Nghè, đối diện với Thảo cầm viên, và nằm chéo góc với đài phát thanh Saigon tại ngã tư đường Nguyễn bỉnh Khiêm và đường Xô viết Nghệ tĩnh (Hồng thập Tự).
Tiểu đoàn .. tập hợp, mệnh lệnh được hô vang lên trong bóng đêm lờ mờ, cả đám đông trở nên im lặng và bắt đầu di chuyển nhanh chóng để xếp vào đội hình. Những thao tác nghiêm, nghỉ được thực hiện một cách thuần thục. Sau đó một viên sĩ quan bước ra thông báo tóm tắt yêu cầu, những ai được đọc tên, lên xe theo hướng dẫn để nhận nhiệm vụ mới. Bắt đầu tên từng người được gọi, trong nhóm những người bạn của hắn nhập ngũ từ trường Cao Thắng đã có người được gọi tên rồi lên xe. Sau hơn nửa giờ, cũng gần một nửa quân số đã lên xe, hai người bạn thân trong nhóm ba người của hắn cũng đã được gọi tên và cũng đang ở trên đoàn xe. Hắn loay hoay cố gắng nhìn xuyên qua màn đêm để dò tìm hai người bạn thân trong đám đông trên từng chiếc xe, để hy vọng gặp nhau trong giây phút cuối, nhưng rồi thất vọng khi đoàn xe đã bắt đầu lăn bánh mà hắn vẫn chưa tìm được bạn mình để nói một lời chia tay, rồi sau đó những người còn lại dưới sân được lệnh quay trở về vị trí cũ, tiếp tục nghỉ ngơi.
Trở về căn phòng cũ, hắn cảm thấy thật sự trống vắng vì đã thiếu đi những người bạn cũ, bây giờ chỉ còn mình hắn trong nhóm ba người. Trằn trọc suy nghĩ về bạn hắn, rồi suy nghĩ về tương lai trong chốc lát nhưng có lẽ vì quá mệt sau cả ngày huấn luyện lăn, lê, bò, trườn dưới cái nắng gay gắt của đầu mùa khô, ngay lúc nầy trong đầu hắn cũng không còn có thể suy tư gì nữa, giấc ngũ nhanh chóng trở lại với hắn.
Sáng hôm sau, quân số còn lại tập trung lên hội trường để học chính trị. Chính trị viên tiểu đoàn thông báo rằng, tối qua đơn vị đã làm xong công tác thanh lọc quân số, những thành phần với lý lịch có liên quan với chế độ Saigon cũ, với tôn giáo mà nhà nước không thể tin tưởng để giao cầm súng nên chỉ có thể giao cho cầm cuốc, cầm xẻng mà thôi. Đó là bài học giai cấp và chuyên chính vô sản mà hắn được học bằng thực tế. Thế là hắn biết hai người bạn của hắn được đưa đi lao động cho quân đội ở tại Tây Ninh và tạm yên tâm không lo lắng cho hai sinh mạng đấy. Và hình như cuộc đời hắn kể từ đấy đã bắt đầu sang trang mới, bắt đầu vào giai đoạn thường xuyên có những lần chia tay bạn bè mà không hề có một lời chào tạm biệt, hay vĩnh biệt.
Bản thân hắn lúc ấy cũng đã thở phào nhẹ nhỗm, vì hắn đã biết rút kinh nghiệm khi viết lý lịch để làm người khác đánh giá tốt hơn sau một lần hắn bị thanh lọc đau đớn. Ngày trước, hắn cũng đang học hệ chuyên nghiệp cải tiến tại một trường kỹ thuật ở miền Trung, sau tháng 4/1975 nhà trường bắt buộc tất cả học sinh phải nộp lại hồ sơ và thi lại vào trường mặc dù đang là học sinh của trường. Sau khi nộp hồ sơ, tên hắn bị loại khỏi danh sách dự thi vì lý lịch không tốt, do vậy mà hắn không cần phải đi thi. Hắn buộc phải rời khỏi trường, chạnh lòng ưu tư suy nghĩ về tương lai bất định, không biết ngã rẽ nào sẽ đón hắn trong cuộc đời.
Ngày xưa khi học hết cấp 2 phổ thông, sức học hắn giảm thấy rõ, có lẽ hắn bị mất một phần căn bản khi học năm lớp 7, hắn gặp một thầy giáo dạy toán, học trò không hiểu bài xin thầy giảng lại, thầy giáo bảo: “bây giờ không hiểu mai mốt lớn sẽ hiểu”, trong khi sức học của hắn cuối lớp 5 rất giỏi, hắn có nhận phần thưởng cuối cấp, và khi thi vào lớp 6 trường công lập hắn đậu thứ hạng 50 trên tổng số 600 học sinh trúng tuyển với hơn 7.000 thí sinh dự thi. Học hết lớp 9, Má hắn nhìn thấy sức học của con đi xuống nên bảo con nên chuyển sang trường kỹ thuật học để có cái nghề cho tương lai, và nếu có lỡ có đi lính thì cũng ở những đơn vị hậu cần, khỏi ra chiến trường vì lúc ấy cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt nhất là sau năm 1972 và bản tính hắn cũng có nhiều yêu thích về kỹ thuật, đấy là lý do hắn dự thi, dù chỉ đậu hạng dự khuyết nhưng cuối cùng hắn vẫn chuyển thành học sinh trường kỹ thuật.
Thế rồi thật tình cờ, có người quen đi Saigon và hắn được đi theo. Đến Saigon hắn lân la tìm đường rồi đến được cổng trường Cao thắng, một bảng thông báo tuyển sinh đào tạo hệ Công nhân kỹ thuật được dán trong khung thông báo, điều kiện muốn dự tuyển thì phải là cựu học sinh các trường kỹ thuật phía Nam trước tháng 4/1975. Đọc đến đó hắn muốn nhảy cỡn lên và muốn hét cho thật to để thỏa niềm vui sướng, lòng vui mừng tràn đầy hạnh phúc, nhưng rồi hắn kịp trấn tĩnh và cố giữ lại vẻ bình thản bên ngoài như không có gì xảy ra. Không biết có thi đậu hay không nhưng trước hết hắn cảm thấy thật hạnh phúc khi đọc được thông báo nầy, rồi hắn cẩn thận ghi chép đầy đủ nội dung thông báo tuyển sinh cất vào túi áo thật kỹ như sợ những cơn gió bất chợt thổi đến cuốn thành giấc mộng bay đi. Từ ngày hôm ấy hắn bắt đầu tìm sách vở, tự ôn bài với quyết tâm phải thi đậu để có thể thoát ra khỏi cái thế bị dồn vào chân tường không lối thoát và hy vọng có thể một phần nào đó góp sức tươi sáng hơn cho tương lai của hắn sau nầy.
Lúc nầy những chương trình toán hàm số bậc nhất, lượng giác, vật lý, hóa học hắn đã thông suốt. Có lẽ người thầy dạy toán ngày xưa của hắn nói đúng, “ bây giờ chưa hiểu mai mốt lớn rồi sẽ hiểu” thật có giá trị vào lúc nầy, nói như kiểu truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung thì phải nói hắn “tự đả thông kinh mạch” vào lúc mà cơ hội cứu cánh xuất hiện. Và rồi ngày có kết quả thi đã không phụ lòng hắn, mùa thu năm 1976 hắn ngang nhiên bước vào trường Kỹ thuật Cao Thắng, ngôi trường nỗi tiếng trong làng các trường Kỹ thuật miền Nam trước tháng 4/75 với nỗi lòng hân hoan.
Ngày bước chân vào trong sân trường Cao thắng, đi dạo một vòng hắn chợt cảm thấy thoáng buồn và một chút thất vọng. Ôi ngôi trường thật nổi tiếng nhưng sao mà cũ kỹ đến thế, nhìn những bậc cầu thang bằng gỗ đen sì mòn vẹt cạnh, phòng học lý thuyết thì tối tăm, diện tích của trường thì thật nhỏ, chỉ có hai sân bóng bé tí, không có những khoản không gian tĩnh mịch mà ngược lại lúc nào cũng ồn ào bỡi những tiếng xe cộ bủa quanh. Nhưng dầu sao sân trường cũng có một cây phượng to để để báo hiệu hè về cho lứa tuổi học trò, và đẹp nhất là cây hoa Hoàng Hậu với hoa màu tím được trồng ngay kề một văn phòng nho nhỏ giữa sân trường. Trường tuy nhỏ nhưng gần hai năm học ở trường mà hình như hắn chỉ đi vào cái khu vực tối tăm được cả bọn học trò gọi là Khu Trù Mật đó một lần.
Hắn hồi tưởng về ngôi trường cũ mà hắn mới chia tay, dưới mắt hắn ngôi trường ngày ấy thật đẹp và quyến rũ biết bao, nằm về một góc vắng của thành phố nhỏ ven biển, với dãy nhà xưởng rộng thoáng có mái hình răng cưa nằm thẳng tít, nào là xưởng động cơ, kỷ nghệ gỗ, kỷ nghệ sắt, máy dụng cụ, cuối cùng là xưởng điện kỹ nghệ, rồi kế tiếp là hai tòa nhà lớn để học các môn văn hóa và các phòng học chuyên cho môn kỹ nghệ họa, phía sau trường là một bãi cát trắng làm sân bóng đá, được che kín bỡi vô số cây dương trồng dọc hàng rào quanh sân trường. Trước mặt trường là sân bóng rổ, sân bóng chuyền và một nhà để xe cho toàn trường, nhìn qua phía lề bên kia con đường là bãi biển chạy dài gần cả cây số về bên phải cho đến mõm núi chúi mình ra biển như hàng rào ngăn cách hai khu vực, vượt qua mõm núi ấy kế bên là một bãi biển cát trắng nhỏ và đó là một khu làng dành cho người bệnh phong mang tên trại Qui Hòa, dưới chân núi có một ngôi mộ là nơi an nghỉ nghìn thu của thi sỹ trẻ nỗi tiếng thời tiền chiến: Hàn mạc Tử, một con đường đi lên đỉnh núi kề bên được đặt tên là dốc Mộng Cầm.
Mặc dù không có chút thiên phú về thơ văn nhưng những dòng thơ kiệt tác, được bạn bè, thầy cô nhắc đến thường xuyên như một niềm tự hào, cũng đã len lén đi vào lòng hắn không biết tự lúc nào.
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi…
(trích từ bài thơ Mùa xuân chín của Hàn mạc Tử)
hoặc là:
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò.
(trích từ bài thơ Trăng vàng trăng ngọc của Hàn mạc tử)
Thú vị nhất là những ngày mà có giờ học cả buổi chiều, sau khi ăn trưa với phần ăn mang theo, hắn trốn vào những gốc dương trong rừng dương phía sau trường để được nghe tiếng vi vu của gió khi những cơn gió nô đùa với những cành dương rồi ru hắn vào giấc ngủ trưa. Hắn nhớ những ngày đầu khi vào trường thật ngỡ ngàng, có một hôm hắn phải tham gia trực cho phòng Giáo vụ, người trực sinh có nhiệm vụ mang sổ điểm danh đi đến các lớp để các thầy cô đứng lớp điểm danh đầu giờ. Hắn được phân công đi dãy nhà A, sau khi đi hết tầng một, tầng hai, hắn vui vẽ khi thấy chỉ còn một tầng nữa là xong công việc, leo lên tầng ba và bắt đầu đi đến các lớp. Đến gần cuối dãy lớp học, hắn bất ngờ biết ra là phòng học của lớp nữ công gia chánh vì tên lớp được ghi trên sổ điểm danh, hắn hít mạnh không khí lấy bình tĩnh gõ cửa và mang cuốn sổ đi vào đặt lên bàn thầy giáo rồi nhanh chân bước ra hành lang chờ, mắt không dám nhìn xuống lớp học. Chỉ mới bắt đầu quay lưng là ôi thôi các cô nhao nhao ý kiến yêu cầu thầy giáo gọi trực sinh vào chào lớp và giúp thầy điểm danh, hù dọa như kiểu ma cũ dọa ma mới, lớp học bỗng ồn ào như cái chợ chồm hỗm. Đã đứng ngoài hành lang hắn thấy nhẹ nhàng không còn lo lắng, ngẩn nhìn lên bầu trời trong xanh mà lòng thầm nghĩ “ tui cũng đẹp trai, phong độ lắm chứ bộ, có thích làm quen thì phải lịch sự chớ, dễ bị bắt nạt vậy sao“.
Những ngày đầu vào trường Cao Thắng, hắn cũng thấy nhiều nữ sinh trong trường nhưng chỉ dám đứng nhìn từ xa mà không dám làm quen vì trong suy nghĩ mình là dân tỉnh lẻ và nhất là xuất thân dân xứ “Nẫu” chánh hiệu con nai vàng. Nói đến chữ “Nẫu”, hắn nhận ra nhiều người miền Nam chỉ hiểu đó là từ để ám chỉ người dân miền Trung, được diễn dịch nôm na là dân xứ “ Nẫu “, không mấy ai hiểu rõ được nghĩa của chữ nầy. Đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số nhiều như họ, người ta, chúng nó, chỉ người dân vùng hắn sống ( bao gồm Phú yên, Gia lai, và Bình định ) dùng thay thế bằng chữ “Nẫu”. Đôi khi chữ “Nẫu” cũng được dùng cho cả trong trường hợp số ít qua câu ca:
Thương chi cho uổng công tình,
“Nẫu” dzìa xứ “Nẫu” bỏ mình bơ vơ.
Hắn cũng không hiểu tại sao sinh ra và lớn lên trong vùng đất ấy mà âm điệu, giọng nói của hắn, ít người nhận ra xuất xứ của hắn, điều đó làm cho hắn dễ dàng hơn để hòa vào trong cuộc sống của thành phố Saigon vốn trộn lẫn người di dân từ các vùng đổ về hợp lại.
Sau thời gian học chính trị sau khi vào trường, thế rồi hắn được xếp vào nhóm Bào, lớp Máy dụng cụ . Nhóm Bào chỉ có mười bốn học sinh, lớp học không quá nhiều học trò, đây có lẽ là đặc điểm của dân kỹ thuật, nhờ thế tình thầy trò, bạn bè khắn khít nhau hơn nhiều. Giáo viên dạy nghề chính của hắn trông có vẻ lớn tuổi bỡi mái tóc lơ thơ, áo trắng cộc tay đã hơi ngã màu được bỏ gọn gàng trong quần Kaki xanh đen phơn phớt những dầu mỡ, những giây phút đầu gặp thầy giáo mới nhưng hắn cảm thấy gần gũi quen thuộc làm sao. Chặng đường hơn hai năm học nghề, học trò ngày càng qúy thầy hơn. Những lúc có thời gian rỗi, thầy hỏi han gia cảnh từng đứa và có những lời động viên, chỉ bảo chân tình để cố gắng vượt qua những khó khăn. Có một lần duy nhất hắn cùng một số bạn trong lớp đến nhà thầy thưởng thức những “giọt nước mắt quê hương” (đế Gò đen) và cũng để biết nhà thầy giáo, ôi nhìn căn nhà thầy càng thấy buồn thêm, mới thấy cuộc sống của thầy cũng đầy cơ cực như cảnh khó khăn chung của nhà giáo. Hắn hy vọng một ngày nào đấy hắn sẽ đến thăm thầy.
Những lúc rảnh rỗi, hay phải chờ tới phiên đứng máy, cái đám quỷ học trò của hắn thường hay chia thành nhiều nhóm nhỏ, một số đứng máy, một số thì trốn ra quán café góc đường Nam kỳ khởi nghĩa (Công lý), Huỳnh thúc Kháng ngồi đồng, tán dóc, số trốn ra phía sau cái máy mài lớn để nhìn ra đường Hàm Nghi qua các lam thông gió gần sát chân tường, và rồi làm quen với các chị “tiểu thương” chợ chó mèo trên đường Hàm Nghi phía sau vách tường của trường. Đặc điểm là các lam thông gió phải nằm nghiêng để chống nước chảy vào bên trong tương tự như lá sách cửa sổ, người ngồi bên trong thì thấy bên ngoài rõ hơn, còn bên ngoài muốn nhìn vào thì phải cuối người gần sát đất mới nhìn vào được. Sau một thời gian thì chợ chó mèo dời đi, lề đường trống vắng, lúc ấy có thêm lớp mới, do vậy lớp hắn phải học vào ca chiều, thế là những dịp chọc phá người đi đường càng nhiều, nhất là vào lúc trời gần tối. Cứ chờ cho người ta đi tới gần thì một đứa bắt đầu đếm, khi đếm tới ba thì mỗi tên tự chọn một kiểu để phát ra một âm thanh như ma quái, kêu thật lớn và cùng một lúc, thế là người đi đường giật thót tim, vì nhìn quanh nào có thấy ai, chỉ nghe âm thanh ở đâu đó rồi cuối cùng hoảng hốt bỏ chạy như ma đuổi, còn cả bọn hắn ngồi bên trong cười rũ rượi. Hắn nhớ có một lần, một cặp tình nhân đang đi tới, lúc ấy có lẽ nàng đang giận chàng, vì ánh mắt đang mang hình viên đạn, còn chàng thì có khuôn mặt rầu rĩ, đang ra sức năn nỉ. Bắt đầu đếm 1, 2 ..3 khi họ vừa đến, một âm thanh thập cẩm ly kỳ cùng lúc cất lên làm cô nàng giật bắn người, nhảy bổ về phía chàng thanh niên ôm chặt cứng, trong lúc bọn hắn cười nghiêng ngã, anh thanh niên cuối người nhìn vào và nhận được lời nhắn, “ tụi em đã năn nỉ giúp anh rồi đó, cảm ơn tụi nầy đi anh”. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò thật chắng sai tí nào.
Thấm thoát hai năm đã trôi qua, cả lớp bắt đầu đi thực tập chuẩn bị ra trường, nhưng thời gian nầy toàn xã hội đang có những xáo trộn rất nhiều sau biến cố tháng 4/1975, một biến cố đã cuốn phăng biết bao những mảnh đời, bao gia đình và rồi những cơn lốc khác cứ cuồn cuộn kéo đến, chiến tranh quay trở lại với đất nước, mỗi người với mỗi toan tính khác nhau, kẻ lo vượt biên, người lo xuất cảnh. Nhưng với hắn, đành phải chấp nhận bắt đầu với cuộc sống mới. Sau lần bị thanh lọc, hắn hiểu được rằng muốn tồn tại và để được vươn lên trong chế độ mới, để rồi có thể gánh vác cho một gia đình tương lai của hắn, cần phải làm sạch lý lịch, và nhất là phải tô hồng cho được lý lịch cá nhân, hắn quyết định đăng ký nhập ngũ mặc dù chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp ra trường. Hơn nữa, nhìn cảnh biên giới Tây nam nhiều đau thương cũng làm cho hắn muốn một lần trả nợ non sông. Không mấy ai hiểu được suy nghĩ trong tận cùng riêng tư của hắn, và cho là hắn quá lý tưởng. Hắn chấp nhận lấy sinh mạng ra đánh cuộc, như những người khác đánh cuộc sinh mạng của họ với biển cả trong những lần vượt biển tìm tự do và hạnh phúc cho tương lai vậy.
Khi đăng ký nhập ngũ hắn vẫn còn là thằng con trai chưa có một mảnh tình vắt vai, một vài bóng hồng nào đó cũng đã thoáng qua trong ký ức cuộc đời hắn nhưng chỉ mới dùng lại ở mức ghi nhận những khuôn mặt, mái tóc, dáng người ưa thích cất vào ngăn nhỏ trong ký ức cuộc đời. Lúc ấy hắn cũng mới làm quen thân với một cô bạn có dáng người hắn ưa thích, xao xuyến nhất là mỗi khi cô ấy xuất hiện trước mặt hắn với những nụ cười xinh tươi, nhưng mà hắn nào dám thổ lộ nổi niềm riêng tư. Rồi đến ngày đăng ký nhập ngũ, sau khi đăng ký xong hắn tự nghĩ vóc dáng ấy được coi như một hình ảnh mới nhất, sẽ tiếp tục cất vào ngăn nhỏ trong ký ức cuộc đời tiếp theo của riêng hắn, vì hắn lo sợ rằng ai đó nếu hiểu rằng con tim của hắn đang rung động, để rồi mai kia phải nhỏ lệ khi nghe những bài hát như “Kỷ vật cho em” hay bài “Hòn vọng phu”. Hắn muốn ích kỷ một chút, chỉ dành cho riêng hắn và thật sự quyết giữ kín trong lòng. Thế nhưng như một sự ngẫu nhiên trùng lắp làm thay đổi mọi toan tính, đúng vào thời điểm ấy một sự kiện xảy ra trong gia đình cô bạn, hắn đưa bờ vai như một người bạn thân thiết để nâng đỡ bạn mình trong lúc thương đau, nhưng cuối cùng một nụ hôn đầu đời của thằng con trai như hắn đã gửi đến trên má cô bạn gái ấy khi cái đầu không thể kiểm soát nổi con tim, và thật bất ngờ đến vỡ òa trong lòng hắn, cô bạn gái của hắn cũng đồng ý chấp nhận nghe và cùng với hắn hát bài hát “Kỷ vật cho em”.
Hơn hai tháng, sau lần xa vắng hai người bạn thân vì lên đường tăng gia sản xuất cho quân đội, đơn vị hắn bắt đầu tiến qua Campuchia. Ngày 7/1/1979 bộ đội Việt Nam tiến vào Phnom Phenh, thì đúng hai tháng sau đại đội hắn vượt qua biên giới tại của khẩu Mộc bài, Tây Ninh. Những cái mốc thời gian nầy không bao giờ hắn quên được, đêm đầu tiên trong hành trình chuyển quân, đoàn xe của hắn được lệnh dừng lại tại trung tâm thành phố Kampong Chàm để tạm ngủ đêm, thành phố lúc ấy trống vắng tang thương giống như thành phố chết, lưa thưa vài người dân còn lại trong thành phố, cánh lính đang trú đóng ở đây chỉ lưu ý rằng đừng dùng nước giếng ở trong khu vực mà chỉ được dùng nước sông hoặc nước suối, mà hắn cũng không hiểu vì sao.
Đêm đến, đêm đầu tiên rời xa đất nước, nằm ngủ dọc theo vĩa hè đường phố, thành phố tối đen như mực, nhìn lên bầu trời đầy sao và hắn cố tìm kiếm các chòm sao để xác định phương hướng để cố nhận biết hướng của thành phố Saigon, quay người hướng về phương trời ấy, hắn gửi qua gió mang về hậu phương những nụ hôn yêu thương.
Sáng hôm sau, đoàn xe của hắn tiếp tục trực chỉ Kampong Thom sau khi ăn sáng và dỡ cơm mang theo cho buổi trưa, xe chạy đến trưa thì dừng lại nghỉ ngơi, ăn trưa bên vệ đường. Hai dãy nhà lưa thưa hoàn toàn vắng lặng bóng người chạy dài hai bên đường, tự nhiên hắn cảm nhận khu nhà sao mà âm u quá, hắn bước vào tìm giếng nước để lấy thêm nước dự phòng, bỗng chợt nhận ra mấy cái sọ người nằm lăn lóc bên cạnh giếng nước trong vườn, và trong chốc lát hắn cũng chỉ tự lý giải chắc ai đó đi tìm những chiếc răng vàng trong những cái sọ người ấy nên mới vớt lên từ đáy giếng.
Sau những tháng ngày hành quân liên tục trong khu vực Kampong Thom dưới cái nắng thiêu đốt của mùa khô, sông suối ngày càng cạn kiệt nguồn nước, do đó đối phương càng lúc càng lùi xa hơn vào rừng sâu, thỉnh thoảng vài cơn mưa đầu mùa trút xuống làm mát dịu nỗi nhọc nhằn của những người lính, và cũng là dấu hiệu mùa khô sắp kết thúc. Vài trận nổ súng cũng đã xảy ra làm cho hắn bắt đầu quen dần với tiếng nổ và mùi thuốc súng. Dĩ nhiên khi súng nổ thì phải có thương vong và vai hắn đã phải làm quen với việc cán thương cho đồng đội. Những chiến sĩ xuất thân từ Cao Thắng đã có người gục ngã hy sinh như từ lớp CK75A1, thương vong như ở CK77C3.
Rồi những cơn mưa như trút nước đã đến, đêm đêm tiếng ếch nhái rền vang chào mừng những cánh đồng trở lại ẩm ướt , không khí mát mẻ tràn về, những mầm xanh đang vươn mình trỗi dậy thì những người lính đã được trở về hậu cứ nghỉ ngơi. Mùa mưa là ướt át, nhưng với người lính trận là lúc được nghỉ ngơi, là câu cá, là trồng cây xanh cải thiện cuộc sống. Lúc nầy chính là lúc những cánh thư xanh liên tục được gửi về quê nhà, chất chứa nhiều nhung nhớ, cố diễn tả khung cảnh trồng cây, bắt cá thanh bình chứ không có đoạn nào mô tả cảnh ác liệt trong chiến tranh hay nỗi đau khi mất dần những đồng đội, cố mô tả tạo ra khung cảnh như chiến trường còn cách rất rất xa, cũng chỉ vì lo sợ mang đến cho người ở hậu phương niềm âu lo.
Hết mưa rồi đến nắng, chiến dịch mùa khô đã bắt đầu trở lại, những cuộc hành quân lùng sục băng rừng, băng suối đến như cơm bữa. Thế rồi đơn vị hắn được lệnh chuyển sang địa bàn tỉnh Seam Riep kế bên, hậu cứ hắn đóng ngay giữa trục lộ nối liền sân bay Seam Riep với đền Angko Wat để bảo vệ hai khu vực nầy, thế là hắn có dịp thường xuyên đến chiêm ngưỡng một trong bảy kỳ quan thế giới ( Đế thiên, Đế Thích). Từ đây đến biên giới Thailand chỉ còn vài trăm cây số nữa nên khu vực càng nóng bỏng, những tử sĩ từ mặt trận phía xa đưa về phải tạm an nghỉ tại vòng ngoài phi trường, vì không thể giữ được những thi thể ấy lâu hơn nữa khi nó đã bắt đầu phân hủy nếu tiếp tục hành trình về quê mẹ.
Có những lúc bọn hắn phải cười đùa làm thơ con cóc giải sầu:
Đôi dép râu, làm sầu đời trai trẻ
Chiếc nón tai bèo, làm héo con tim.
Giờ nầy, sau những tháng ngày lăn lộn trên chiến trường hắn đã được thăng cấp lên Thượng sĩ, cấp bậc cuối cùng của hàng hạ sĩ quan. Tin đồn hắn nghe được là đơn vị đang dự kiến đưa hắn vào danh sách sẽ đi đào tạo sĩ quan, với những người khác thì đó là sự vinh dự được thăng tiến và sung sướng nhất là được rời khỏi chiến trường vào lúc nầy, rời xa những bi thương có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng với hắn thì hắn không vui, vì hắn không yêu đời lính, là sĩ quan có nghĩa chấp nhận trọn cuộc đời chinh chiến, hắn chấp nhận cầm súng khi đất nước cần nhưng hắn không yêu cuộc đời binh nghiệp.
Sự dằn vặt đến với hắn, nếu được cử đi học sĩ quan là được trở về đất nước và sẽ được gặp những người thân trong gia đình trong đó có cô bạn gái thân thương mà ngày đêm hắn nhớ nhung, nhớ đến da diết, chan chứa yêu thương biết đến dường nào, sự yêu thương nằm cuộn tròn trong trái tim của hắn, vậy mà hắn quyết định là không. Những đồng đội bắt đầu cảm nhận hình như hắn có sự thay đổi, càng lúc hắn càng làm chỉ huy mích lòng, thường xuyên bị phê bình cảnh cáo vì vô kỷ luật, những động thái của hắn như muốn nhắn tới ai đó hãy loại hắn ra khỏi danh sách đi học sĩ quan. Hắn cố gắng chịu đựng sự nhung nhớ và hy vọng có thể bình an cho đến hết hạn ba năm nghĩa vụ, để mãi mãi vứt bỏ bộ đồ màu xanh cỏ úa trên người, để trở về cuộc sống thường nhật bên những người hắn yêu thương. Hắn không thích chiến tranh và thầm mong không ai trách cứ khi biết hắn quyết định như thế.
Một khi chờ mong, là phải lần mò trông chừng, mong ngóng từng giờ từng phút từng giây, càng mong chờ thì thời gian như càng dừng lại, như cố ý trêu đùa sự kiên nhẫn. Có lẽ vậy mà tính kiên nhẫn và chịu đựng của hắn được gia tăng. Rồi cuối cùng thì cái gì đến cũng phải đến, hắn được chấp thuận cho phép trở về, chỉ phải trả lại cái khối thép lạnh lùng đã cùng hắn gần ba năm chung sống: “Súng là vợ, đạn là con” .
Chiếc xe quân đội dừng hẳn tại ngã tư Bảy hiền, chào tạm biệt những đồng đội trên xe trong ánh nắng buổi sáng mùa thu thật dịu dàng, nhảy xuống xe, hắn đón ngay chiếc xe Lam lộ trình Bảy Hiền – Cầu Muối vừa trờ tới, thảy chiếc ba lô đã phủ màu đỏ của bụi đường và chiếc ruột tượng gạo xuống sàn xe, tiêu chuẩn tháng lương thực cuối cùng của đời lính, ngồi lên băng ghế sát về phía sau ngắm nhìn thành phố rộn ràng tiếng xe, mà đã một thời xa vắng. Khói chiếc xe Lam bay lên phả vào mặt hắn cái mùi khói xe xen lẫn những hạt dầu hôi chưa đốt hết đã pha lẫn trong xăng, mắt hắn cay sè mà hắn không biết do khói hay do đâu. Lan man, mơ hồ nhìn phố xá, nhìn cảnh vật lúc mờ lúc rõ, lúc có lúc không, bấy giờ hắn như người mộng du, đờ đẫn mộng mị, mặc cho những hành khách đi cùng chuyến xe đưa mắt nhìn hắn.
Ô, kìa. Ngã Sáu Saigon kìa, hắn gọi tài xế dừng xe rồi bước xuống, khoác ba lô bước nhanh chân về hướng khu nhà của hắn. Hàng xóm thấy hắn về, rộn ràng vui tươi thăm hỏi. Bước vào nhà, chỉ có chị hắn, chị hắn bảo má đi chợ chưa về, một lát sau bà về gần đến nhà đã nghe hàng xóm báo rằng hắn đã về, bà vội vã hấp tấp chân thấp chân cao bước vội về. Hắn ôm bà vào lòng, những giọt nước mắt nồng ấm, thấm dần vào áo rồi ngấm đến tận da thịt hắn, hắn nghẹn ngào sung sướng.
Sau khi tắm rửa thật sạch sẽ như để chào từ biệt những tháng ngày cực nhọc, những vướng bận quá khứ quân ngũ, và như muốn giũ sạch tất cả, cả những hạt bụi từ phương trời xa xôi ấy, rồi hắn mở ba lô trút hết vật dụng ra ngoài, chỉ một túi đựng những tản đường Thốt nốt được hắn mua về làm quà, vài cái đồ lót và chẳng còn gì nữa, những gì còn có thể sử dụng hắn đã gửi cho đồng đội còn đang ở lại.
Sắp xếp những quần áo vật dụng sinh hoạt hằng ngày đem cất vào ngăn kéo, cuối cùng chỉ có cuốn sổ nhật ký và một xấp những lá thư hậu phương mà hắn nhận được trong thời gian qua được cất giữ cẩn thận còn lại trên bàn. Trong cái ba lô đó, cuốn nhật ký và những lá thư hậu phương có lẽ là những món đồ có giá trị nhất đối với hắn, ghi lại một phần tâm tư yêu thương trong những tháng ngày xa vắng, cầm cuốn nhật ký trên tay như chợt nhớ điều gì đó, hắn đưa mắt đảo nhìn quanh căn nhà tìm chiếc xe đạp sườn ngang ngày trước của hắn, nó đang nằm trong góc kẹt đầy bụi. Hắn đem cất cuốn nhật ký và những lá thư, rồi mang chiếc xe đạp ra lau chùi như muốn lao ngay ra phố mà không thể chờ đợi thêm phút giây nào nữa, nửa giờ sau hắn đã vi vu trên đường phố, hòa vào dòng chảy xe cộ đông đúc và náo nhiệt của thành phố Saigon thân thương với tâm tư tràn ngập yêu thương sau bao ngày xa vắng, hướng về khu phố vắng ấy hắn tin có người đang hằng ngày ngóng tin đợi chờ.
Hắn gõ cửa căn nhà ấy và thấp thỏm chờ đợi, tiếng lách cách mở cửa, một khuôn mặt thân thương hiện ra, một thoáng ngỡ ngàng rồi lao về phía hắn, hắn dang rộng vòng tay ôm thật chặt vào lòng như muốn nói không bao giờ hắn rời xa nữa, lời bài hát ‘cuộc đời vẫn đẹp sao’ bỗng vang lên trong lòng. (trả lại như bản viết ban đầu theo lời phê bình của Việt Trúc)
Ngoài trời, gió thu khẽ lay động, những chiếc lá úa vàng rơi xuống theo từng cơn gió, những tiếng xào xạc của lá khô lăn trên hè phố, hình như tất cả chỉ để chuẩn bị khởi đầu cho một mùa lá mới.
Mùa thu 2012
Kỷ niệm những ngày nầy 31 năm trước.
* Trang này được xem 4910 lần