Lời tựa :
Các bạn thân mến, tôi bắt đầu viết bài này với suy nghĩ là chỉ viết Tự Giới Thiệu thời gian vào Cao Thắng thôi, viết được vài dòng thì tôi nghĩ hay là viết luôn thời gian từ tiểu học, thế là đành viết lại. Sau đó thì tôi lại nghĩ rằng đã viết về thời gian tiểu học đâu thể thiếu những kỷ niệm của tuổi thơ và sau đó tôi lại nghĩ…… cứ như vậy câu chuyện dính dấp đến mọi thứ.
Nếu tựa đề là hồi ký hay hồi ức thì không đúng thực chất và nghe có vẽ dao to búa lớn quá nên tôi đặt tựa đề là Tuổi Thơ Đi Qua.
Trong đây tôi sẽ không bị lệ thuộc vào thứ tự thời gian của sự kiện.Tùy thuộc vào ký ức của mình mà viết ra những tao ngộ mình đã gặp, những sự kiện và cãm nghĩ với nhãn quan của đứa trẻ lúc bấy giờ.
Vì chưa kết thúc nên tôi cũng chẳng biết nó sẽ dài ngắn ra sao, tôi cũng không màng đến việc hay hoặc dỡ mà chỉ muốn viết lại những kỷ niệm thời thơ ấu với hy vọng gợi lại cho các bạn những kỷ niệm riêng của các bạn. Đôi khi ta cũng thích bùi ngùi ôn lại những kỷ niệm tuổi thơ vì đó là thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của chúng ta.
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.
Đoạn văn trên của nhà văn Thanh Tịnh gần như trở thành kinh điển trong những lớp học sinh của thế hệ trước, bao nhiêu người cho đến nay vẫn còn thuộc lòng. Tôi cũng thuộc lòng đoạn văn này mặc dù khi tôi lớn lên thì không hiểu sao lại không được học nó.
Khi còn nằm trong lòng mẹ, tôi vẫn nghe anh chị tôi học bài và đọc nhiều lần khiến cho thằng nhóc như tôi bất giác cũng thuộc lòng lúc nào không hay.
Thuộc lòng là một chuyện nhưng thích đi học hay không lại là chuyện khác, cũng giống như người ta vẫn ăn cơm mỗi ngày nhưng lại thích ăn phở hơn vậy mà. Người ta vẫn thường xuyên làm điều gì đó theo thói quen hoặc bị bắt buộc phải làm. Tôi là loại người thứ hai, nhất là trong chuyện đi học thì quả tình là tôi bị bắt buộc.
Đi học thì đâu có gì hay ho đâu mà thích ? phải rời xa cha mẹ, anh chị và lũ bạn hàng xóm để mà đến một nơi xa lạ ngồi cùng một lũ ngơ ngáo cũng lạ hoắc như chốn đó lại còn một ông thầy nghiêm nghị luôn luôn dòm ngó mình từng ly từng tí.
Nếu bị bắt buộc ngồi một chổ mà không được cựa quậy thì tôi tin là chẳng có cô chú nhóc con nào khoái chí cã, bằng chứng là mỗi lần bị buộc phải ngồi yên một chổ khoãng 30 phút cho bác thợ hớt tóc chạp cái đầu của mình mỗi tháng, đối với tôi là cã một cực hình, vậy mà đi học thì còn lâu hơn nhiều, lại còn phải chăm chú nghe và lòng cứ nơm nớp lo sợ bị thầy hỏi tới.
Thật không may cho tôi, lỡ sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ luôn chú ý chuyện học hành của con cái, cứ làm như không đi học là chết không bằng. Phải chi tôi là con một thì còn có thể tìm cách từ chối chuyện chán chết này, đằng này cũng là một mà là một bầy, đã vậy tôi còn là con út. Các anh chị tôi đã đi học thì tôi biết mình không còn con đường nào khác, đành nhắm mắt đưa chân như Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du nhắm mắt đưa chân vào nhà thổ vậy. Thế là tôi đành phải đi học.
Với tâm trạng đó tôi chẳng thấy nao nức khi đến buổi tựu trường gì cã. Đã vậy khi bước ra khỏi nhà với sự áp tải của bà chị, thằng nhóc hàng xóm nhỏ hơn tôi 1 tuổi còn nói ” bữa nay mầy đi học hả? má tao nói tao một năm nữa mới đi học lận ! ha ha ha đáng đời ” Trời đất ơi ! trong tâm trạng của người anh hùng sa cơ phải ra pháp trường, chẳng những không được tôn trọng mà còn bị bôi nhọ như thế này thật là quá đáng. Tôi nổi giận muốn đục nó cho bõ ghét nhưng nghĩ đến “pháp trường” sắp tới mà bỗng xụi lơ, bao nhiêu hào khí cứ tan biến mất tiêu vào đám mây bàng bạc của nhà văn Thanh Tịnh.
Ngày đi học đầu tiên một cách chính thức là như vậy, chứ thật ra tôi đã bị bắt đi học từ sớm hơn nữa, khi chưa học lớp năm ( bây giờ là lớp 1 ) thì tôi đã biết viết và thuộc lòng bãng cửu chương rồi.
Nhà tôi ở trong một con hẻm nhỏ Bàn Cờ, cạnh hẻm nhà tôi là con hẻm lớn được nối dài từ đường Bàn cờ băng ngang qua đường Phan đình Phùng ( nay là nguyễn đình Chiểu). Nơi đó có trường tư thục tiểu học Chí Trung là trường do người dì ruột của tôi mở ra. Dĩ nhiên là tôi bắt đầu bước vào con đường học hành đau khổ của mình từ đó khi chưa đầy 5 tuổi.
Lúc đó còn quá nhỏ nên tôi không có khái niệm gì về bà con họ hàng, chỉ nhớ là má Bãy là cô giáo dạy tôi, thỉnh thoảng kêu tôi vào trong và cho ăn chuối, bánh ít hay ăn cơm dừa. Mỗi lần như vậy trước ánh mắt ngưỡng mộ của bạn học, tôi rất hảnh diện vì mình quen lớn với cô giáo, dầu vậy nhưng tôi vẫn sợ vì đó là cô giáo, phải một vài năm sau tôi mới nhận ra được má Bãy là chị ruột của mẹ tôi , về tình cãm cũng giống như chị tôi và tôi vậy, từ đó đỡ sợ hơn.
Có lẽ trời cho tôi đầu thai nhầm gia đình sao đó, cã nhà ai cũng siêng học, chỉ có tôi là làm biếng tổ sư bồ đề. Mặc dù mẹ tôi theo dõi việc học hành của tôi kỷ lưỡng như vậy nhưng vì nhà tôi có tất cã 6 anh chị em nên thỉnh thoảng cũng có lúc sơ hở, những lúc đó là lúc tôi không học bài. Thật ra tôi thuộc loại học nhanh thuộc nên cũng qua được nhiều cơn hiểm nghèo. Ngay cã khi lên trung học, nhiều khi đến lớp rồi tôi mới dỡ ra học bài.
Trường tiểu học công lập Phan đình Phùng chỉ cách nhà tôi vài chục thước, có lần tôi trốn học, đến cổng trường nhưng không vô mà cứ ngồi chơi bên ngoài, nghĩa là ngồi chơi ngay đầu hẻm nhà tôi. Với con nít thì cãm nhận về khoảng cách không giống như người lớn. Đối với tôi như vậy là xa lắm rồi cho nên cứ an tâm mà chơi, ai dè mẹ tôi từ nhà nhìn ra đầu hẻm thấy thằng con trai út nhà mình vẫn còn nhởn nhơ chơi đùa trong khi tiếng trống trường đã điểm từ lâu. Thế là gần giống với diễn tả của nhà văn Thanh Tịnh, không phải là ” mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp….” mà thật sự là …mẹ tôi giận dữ nắm lổ tai tôi lôi đi trên con đường vào trường học .
Trong những năm tiểu học, chức vụ lớn nhất của tôi là phó lớp vào năm lớp nhì ( bây giờ là lớp 4 ). Bây giờ nhớ lại thấy cũng tức cười. Cã lớp thay nhau trực nhật, quét lớp, lau bảng, lau bàn giáo viên. Cứ mổi khi đến ai thì đứa đó phải mang theo chổi từ nhà đến lớp để làm vệ sinh. Mổi lần như vậy tự nhiên thấy vô cùng quan trọng và hảnh diện, đem theo cây chổi lúc đó trở nên oai vệ như chàng Samurai đeo kiếm vậy. Tuy làm biếng nhưng tới ngày đó tôi lại khoái đi sớm đến cổng trường rồi cứ đi qua đi lại cho oai, ra vẽ ta đây đang gánh vác chuyện quan trọng của quốc gia. Chã trách người ta tuy chỉ làm nô tài nhưng nếu làm nô tài cho hoàng đế thì cũng cãm thấy oai ra phết.
Tôi còn nhớ cuối năm lớp tư ( lớp 2 bây giờ ) tôi được lảnh thưỡng hạng 4. Tuy là hạng 4 nhưng phần thưỡng khá nhiều, trong đó có cuốn truyện Robinson phiêu lưu ký. Đây là truyện chữ đầu tiên tôi đọc trong đời, có lẽ cũng từ đây tôi trỡ thành kẻ ghiền truyện số 1 mà tôi tin là trong số bạn bè người thân không ai ghiền truyện như tôi.
Khi còn nhỏ chưa biết chữ thì hàng ngày chờ khi người ta giao báo là anh chị tôi rút ngay tờ ruột, trong đó có đăng truyện tranh Tarzan sau đó mới đưa phần còn lại cho ba tôi. Tôi còn nhớ đó là báo Thần Chung. Anh chị tôi trải xuống đất rồi cã đám bu lại coi. Tôi vừa nghe anh chị đọc vừa xem hình rồi mấy anh em bàn luận về nội dung và tưỡng tượng thêm đủ chuyện theo đó. Truyện tranh đăng trên báo hàng ngày thì đâu có bao nhiêu, vậy mà chúng tôi xem đi xem lại lâu lắm.
Có lẽ từ những ngày đó truyện sách đối với tôi là phương tiện mở ra một thế giới đa dạng phong phú hơn, trí tưỡng tượng ngây thơ tha hồ bay bổng.
Từ truyện chữ đầu tiên Robinson phiêu lưu ký, tôi bắt đầu đọc ngấu nghiến tất cã các loại sách truyện nào lọt vào tay mình, từ các tác giả trong nước như Hà mai Anh, Thế Lữ, Nguyễn hiến Lê, Duyên Anh, bà Tùng Long, Lệ Hằng, các loại truyện tuổi hoa xanh đỏ tím, các truyện dịch của Quỳnh Dao, Victor Hugo, Alexandre Duma cha & con, Léon tolstoi, Doctoevsky, Balzac. Đặc biệt là hai thể loại tưỡng chừng không ăn nhập gì với nhau là truyện chưỡng và truyện trinh thám. Có thể nói tôi đọc không sót quyển nào của các tác giả nổi tiếng về hai thể loại này.
Đọc nhiều như vậy nhưng không phải là kiểu nghiền ngẩm từng câu chữ để bổ sung cho kiến thức mà chỉ là để xem nội dung mà thôi, nhớ được gì thì nhớ chứ không thể ngồi bình luận và kiến giải những lời hay ý đẹp. Chắc là nhờ đọc theo kiểu đó nên mới có thể đọc nhiều, cũng do vậy chỉ có thể xem tôi là người “ghiền truyện” chứ không thể là người “nghiên cứu văn học” được.
Việc ghiền truyện này có lẽ do di truyền từ mẹ tôi. Bà có kiểu đọc truyện rất tức cười. Sau khi đọc vài chục trang đầu thì bà giở đoạn cuối ra đọc kết cuộc, nếu đó là kết cuộc có hậu thì bà mới yên tâm đọc hết cuốn truyện. Ba tôi và chúng tôi hay cười mẹ tôi về kiểu đọc này nhưng mẹ tôi vẫn cứ thích như vậy. Sau này trên giường bệnh, tôi vẫn tiếp tục mướn truyện cho mẹ tôi đọc và cùng đọc với bà cho đến khi bà mất.
Ba tôi thì chỉ đọc báo, nghe radio và đọc sách kỹ thuật chứ tôi chưa bao giờ thấy ba tôi đọc truyện cả, cho đến ngày mất, ba tôi vẫn giữ thói quen này. ( Còn tiếp )
* Trang này được xem 4009 lần
Anh Việt-Trúc,
Người ta nói đọc càng nhiều, viết càng hay. PA rất thích đọc những bài anh viết, vừa nghiêm chinh, vừa dí dỏm, và thu hút. Lúc đọc đoạn văn của nhà văn Thanh Tịnh, PA noi thầm hình như anh Trúc đổi lối viết thì phải, tuy rất hay những hình như thiếu chất dí dỏm trong đó. Tới chừng anh nói ra, PA mới yên tâm.
Hôm nay thấy anh viết lưu bút, vậy là anh đã đọc xong hết mấy lố chuyện chưởng và trinh thám rồi hở anh Trúc? PA cũng thích đọc sách lắm những lúc này hơi làm biếng nên mua toàn những đĩa CD truyện đọc nghe cho nhanh. Đọc bài của anh, tưởng tượng đến cậu bé Việt Trúc hãnh diện được cô giáo thương, tự nhiên PA nhớ tới hình ảnh anh khoanh tay, mặt hơi vênh vênh khi anh ta các anh làm dáng hy vọng các chị CT5 chú ý đến.
Mong đợi đọc tiếp nhật ký của anh.
Anh Đạt nói bỏ bài anh TRúc lên mà gấp quá chưa tìm được hình ảnh minh họa, em đề nghị anh Đạt tìm hình đại ca giang hồ nào hồi nhỏ giống giống anh Trúc bỏ lên cũng được. Hỏng ấy đại ca giao quyền này lại cho lính tráng như em và Thoại Vân lựa chọn hén! Bài viết về tuổi thơ của đại ca cũng dữ dội chẳng thua kém vì em và Thoại Vân thành ra tụi mình nhập băng là đúng rồi…Hy vọng phần cuối đại ca đừng có cải tà qui chánh để hai đứa tụi em không bị mồ côi hihi…
Cách viết về cuộc đời đại ca mượt mà và nhẹ nhàng không gai gốc như những bài trước và dạo này đại ca ít xuất hiện trong giang hồ nên em với Thoại Vân lo đại ca đang muốn ở ẩn hic.
Hi Phương Anh !
Được cô giáo thương thì đâu có hảnh diện ! Nếu được em hay con của cô giáo thương thì mới hảnh diện . Còn cái vụ đọc truyện thì không phải hằng lố đâu mà phải nói là hàng trăm truyện hàng ngàn truyện . thời gian ghiền dữ dội thì một ngày đọc khoảng 6 cuốn truyện chưỡng, thiếu điều muốn tẩu hoả nhập ma luôn .
Hi Xuân Lan !
Lâu lâu mình ráng viết nghiêm chỉnh một chút, nên chưa lòi đuôi láu cá . Còn chuyện dữ dội thì chưa đâu, nó đang ở phần kế tiếp . Số lượng đã viết khoảng gấp 4 lần số mới post lên, sợ post lên dài sẽ làm bà con chán .
Nhà văn Thanh Tịnh mà còn sống một phen hú hồn, mém lên tăng xông. Lấy lại bình tỉnh ổng nói thầm trong bụng ” May quá hồi đó má nó dẫn tới , tui coi giò coi cẳng từ chối hổng nhận nó làm học trò. Chứ không thì từ chết đến bị thương khi tài năng dzăng sĩ của nó ló dạng ” .
Hi … anh Trúc ơi … đề tài khá hấp dẩn nha vì tất cả mọi người ai không có tuổi thơ … vui buồn tủi nhục sung sướng vinh quang theo từng hoàn cảnh của chính mình … viết về đề tài nhạy cãm này nó luôn lắng đọng sâu xa trong tiềm thức của chúng ta … nhưng tuổi thơ luôn vẩn là vô tư và hồn nhiên nhất … Mình rất thích có lẻ tuổi thơ mình có diễm phúc nên còn lắng sâu xa nổi niềm tiếc nuối hơn …
Cám ơn anh bạn mình bọc trực tuổi thơ nha … hi … hi …
Hi anh Trúc
Cám ơn anh nhiều nha, em tưởng phải thành cổ con cò thì hỏng đẹp chút nào. Hihi, tối qua anh Đạt tới 2 giờ sáng còn chưa tìm ra hình ảnh phù hợp với một cậu bé bị nắm lỗ tai kéo, đừng lo em có sẽ gởi cho ảnh liền.
Đọc xong đoạn văn anh viết, khâm phục khâm phục sao em cũng đọc dữ lắm mà chắc đọc cách khác anh hay sao mà viết kỳ cục quá. Đang xin Anh ĐCMinh đi học lại …bổ túc văn hoá mà ảnh chưa cho.
Thanks Anh nhưng vẫn chờ đọc tiếp rán lẹ lẹ nha anh, đừng để phải phone nhắc anh mỗi tuần ha.
KD
Hi Kim Thu !
Lần này không lo nữa, anh đã viết sẳn cho 4 lần kế tiếp rồi, cứ vài ngày thì post lên một đoạn cho đến khi nào bà con chán thì thôi . Còn vụ hình ảnh thì không sao đâu, cứ đưa hình dấu chân lên là biết Tuổi Thơ Đi Qua rồi, vì hồi nhỏ anh khoái đi chân không chứ không chịu mang dép .
Hi Xuân Lan và Kim Thu !
Hôm nay đọc lại phần vừa post lên thì thấy đoạn văn Tôi Đi Học của nhà văn Thanh Tịnh hơi lạ lạ hình như không phải do mình viết, qua trang Caothang.org xem lại thì mới xác định đúng là khác . Thì ra Xuân Lan hay Kim Thu đã tìm đúng đoạn văn zin của Thanh Tịnh lắp vào . Cám ơn hai bạn đã làm điều đó ……nhưng nói thiệt là đoạn văn đó mình nằm lòng từ lâu rồi nên cãm thấy quen thuộc đến độ lại còn cãm thấy hay hơn đoạn văn thứ thiệt mới chết chứ .
Đúng là cái gì mình quen thì mình thấy thích hơn cái khác, cũng giống như lớp người 50 tuổi trỡ lên thì ai cũng cho rằng Khánh Ly hát nhạc Trịnh công Sơn hay hơn Hồng Nhung nhưng lớp người trẻ hơn thì cho rằng Hồng Nhung hát hay hơn .
Trường hợp bài hát Mưa Trên Phố Huế và bài hát Huế Tình Yêu Của Tôi cũng giống như vậy .
He he he ….chỉ có ngoại lệ duy nhất là vợ mình thường không đẹp bằng vợ người thôi .
Một lần nữa cám ơn hai bạn đã sữa chữa cho đúng đoạn văn trên của Thanh Tịnh .
Tội nghiệp ghê, anh Trúc hồi nhỏ bị nhéo tai khóc thấy thương tâm luôn.