Ba và Mẹ tôi và cuộc chiến
Ba tôi thuở nhỏ, con nhà nghèo hiếu học. Sau khi đậu tiểu học hạng nhất ở Gò Công, ba tôi thi đậu vào trường Pétrus Ký nhưng vì nhà nghèo con đông, ông bà nội tôi không có tiền cho ba tôi lên Sài Gòn học nên ba tôi phải chờ năm sau thi một lần nữa, lần này ba tôi đủ điểm để có học bổng mới được đi học. Trong nhà nội tôi còn có bác Tư của tôi cũng rất hiếu học, ba tôi nói bác Tư của tôi thuở nhỏ vừa chăn trâu vừa học đến độ thuộc lòng quyển tự điển Pháp Việt.
Sau khi học vài năm ở Pétrus Ký thì ba tôi thi vào trường Cao Thắng và học cho đến khi ra trường.
Khi chuẩn bị xuống tàu đi hải quân cho Pháp thì cuộc toàn dân kháng chiến chống Pháp nổi dậy. Ba tôi trèo tường trốn ra ngoài, trở về Gò Công tham gia kháng chiến.
Trình độ dân trí Việt Nam lúc bấy giờ thật là thấp, ba tôi kể trong khi bàn chuyện đánh Tây thì có người còn đề nghị dùng đậu xanh đậu đỏ rải trên đường cho tụi Tây té rồi mình xông ra dùng tầm vông vạt nhọn để đánh, vì họ coi lính Tây duyệt binh đi với bộ dạng cứng ngắc nên họ cho rằng tụi Tây không có khớp đầu gối như người Việt, có người còn nói tụi Tây mắt xanh như mắt mèo chắc nó nhìn ban đêm rõ lắm nên muốn đánh là phải đánh ban ngày v.v…..
Cuộc kháng chiến 9 năm rồi cũng qua đi . Sau năm 1954 ba tôi trở lên Sài Gòn và dạy ở trường Cao Thắng, cùng thời với các ông Phan văn Mão, Bạch quang Đôi, thầy Cảnh, thầy Long ban nguội, thầy Khỏe ban Kỹ Nghệ Sắt.
Tháng giêng năm 1961 (thời ông Diệm) ba tôi bị bắt vì tội làm quốc sự khi đang dạy trường Cao Thắng. Từ đây mẹ tôi phải một mình gồng gánh gia đình với 6 đứa con mà đứa út là tôi mới hơn 1 tuổi.
Tôi không thể nhớ được thời gian còn quá nhỏ, ký ức còn lưu được là chuyến đi thăm ba tôi với hình ảnh mờ nhạt về những người mặc áo đen và những chiếc bàn cùng băng ghế rất dài, có lẽ đó là những người tù và dãy bàn ghế cho người nhà thăm nuôi ở khám Chí Hòa.
Ba tôi là người khá tài hoa, ông giỏi kỹ thuật, hát hay và vẽ cũng đẹp. Nhà tôi có treo bức tranh ba tôi vẽ 6 anh chị em chúng tôi khi ba tôi còn trong tù. Phía dưới bên phải có 4 câu thơ mà tất cả anh chị em chúng tôi đều thuộc nằm lòng
Nhớ ba vâng lời khuyên
Thương mẹ đừng làm phiền
Chị em cùng yêu mến
Học hành phải cho siêng
Có những cảnh tượng bình thường không hề nổi bật nhưng đó lập đi lập lại nhiều lần đã trở thành ấn tượng không thể phai đi trong tôi. Đó là chiều mưa ở Sài Gòn.
Không biết tự bao giờ tôi nhớ hoài cảnh mưa rơi trong xóm nhỏ Bàn Cờ, khi đó tôi và anh tôi thường leo lên ngồi thọc chân qua khung cửa sổ nhìn mưa bong bóng rơi trong căn nhà tối om om, bên ngoài trời cũng chẳng sáng hơn là bao nhiêu. Những anh chị khác ở đâu và làm gì tôi không nhớ được nhưng tôi nhớ rõ là chúng tôi ngồi đó chờ mẹ đi làm về. Buổi trưa mẹ tôi trở về cho chúng tôi ăn và dỗ ngủ, biết rằng khi ngủ thì mẹ sẽ lại đi làm nhưng chẳng lần nào chúng tôi cưỡng được giấc ngủ trưa đó.
Khi thức dậy chỉ còn biết chờ và chờ. Lạ một điều là chúng tôi biết cam phận và chịu đựng chứ không khóc đòi mẹ như những đứa trẻ khác. Cứ như vậy, chiều mưa Sài Gòn đã trở thành nổi ám ảnh trong tuổi thơ của tôi.
Tháng 10 năm 1963, khi đang ngồi lớp học trong trường tư thục của má Bảy tôi thì chúng tôi được cho về sớm, má Bảy tôi nói “tụi con về nhà liền đi, ba tụi con được thả rồi”. Chúng tôi vui mừng chạy ngày ra khỏi lớp học.
Thật ra không phải mừng vì ba tôi được về, mà mừng vì được nghỉ học về sớm. Tôi còn nhớ khi đi thăm ba tôi ở Chí Hòa thì được ba tôi ôm hôn rất nhột nhạt khó chịu và ngại ngùng vì hàm râu lởm chởm của ba chứ chưa thể có tình cảm gì được vì có gần nhau đâu mà có tình cảm.
Chiều hôm đó tôi nhớ rất rõ là trời mưa lất phất, anh tôi và tôi chạy về nhà, khi đó nhà tôi đông người lắm, tôi không nhớ rõ là có những ai, sau này nghe kể lại là có bác và cô tôi ở Sài Gòn, có bác Ba và ông bà nội tôi ở dưới quê lên nữa. Cũng không phải tôi không nhớ gì, thiệt ra tôi cũng nhớ là hôm đó được….. ăn cơm tấm và sau đó trong khi người lớn xúm xít trò chuyện thì tôi tót ra ngoài chơi với lũ nhóc hàng xóm.
Sau khi trở về ba tôi đã vào làm ở Hãng Sáo Công Ty và phụ trách kỹ thuật cho đến ngày về hưu, cái tên hãng này cũng lạ, vừa là hãng lại vừa có chữ công ty, tôi không hiểu tại sao như vậy.
Sau này tôi làm việc ở Công ty Nakyco thì gặp một ông cán bộ kỹ thuật, trước năm 75 là phó giám đốc Sài Gòn Thủy Cục, khi mới vô làm tôi gọi ổng là chú như mọi người (lúc đó ổng gần 60 tuổi), sau đó khi nhắc đến ba tôi ổng nói rằng ổng là học trò của ba tôi và bắt đổi xưng hô cho phù hợp, một ông học trò khác làm trưởng ban tuyên huấn quận Phú Nhuận cũng tìm đến thăm ba tôi, còn một người nữa là tiến sĩ ở Tây Đức thỉnh thoảng về nước vẫn đến thăm.
Có lẽ còn nhiều học trò khác nhưng do quá bận rộn mưu sinh hoặc không thành công trong cuộc sống nên họ ngại tìm đến thầy cũ hoặc đơn giản là đứt liên lạc. Âu đó cũng là lẽ thường tình của cuộc sống.
Cũng như tôi đã được học qua biết bao nhiêu thầy cô nhưng có được bao nhiêu lần đến thăm? Có lẽ cũng chỉ đợi khi có dịp thuận tiện nào đó mà thôi!
So với gia đình bên nội thì bên ngoại tôi khá giả hơn nhiều. Có thể đó là một trong những nhà giàu ở Gò Công hồi xưa, đến thời mẹ tôi thì đã giảm đi nhiều lắm.
Tôi nghe nói ông sơ ông sờ gì bên ngoại là quan triều Nguyễn, chẳng hiểu về hưu, bị thất sủng hay chán đời mà xuôi Nam đến tận Gò Công sinh sống.
Nhà thờ tổ bên ngoại tôi được xây có mặt tiền hướng về phía Bắc như là cách biểu thị tấm lòng của người viễn xứ nhưng đường đi vô nhà thì lại ở phía Nam, cho nên ai đến nhà mà là khách thì phải đi theo đường bên hông nhà để vòng ra phía trước rồi mới vào nhà, còn con cháu và người trong nhà thì cứ vô nhà từ phía sau rồi mới đến phòng khách, kể ra thì cũng hơi lập dị so với thời nầy nhưng hồi xưa có lẽ làm vậy để chứng tỏ một lòng trung với triều đình.
Nhưng chắc đời của vị quan đó không giàu bằng đời sau, vì tôi nghe nói nhà ông bà ngoại tôi rất lớn, đó là một trong vài căn nhà cổ đẹp nhất Gò Công. Xây nhà này là đó vài chục thợ từ miền trung, cơm ghe bè bạn xuôi Nam xây đến cả năm trời mới xong, sau đó lớp có gia đình thì trở về, lớp thì ở lại sinh sống lập nghiệp.
Tôi đã không được nhìn thấy ngôi nhà đó mà chỉ được nhìn mảnh đất trống còn lưu lại chút vết tích mà thôi.
Trong thời chống Pháp, mẹ tôi đã đưa quân kháng chiến về bắn chết một lính Tây ngay trong ngôi nhà đó, sau đó thì lính Tây trở lại đốt cháy ngôi nhà cổ này. Ông bà ngoại tôi là người yêu nước và ủng hộ kháng chiến, trước hoàn cảnh như vậy vẫn không hề trách mẹ tôi nhưng mẹ tôi có lẽ luôn tiếc nuối về điều này.
Tôi có người cậu ruột thứ tư học rất giỏi, thời đó ra Hà Nội học kỹ sư tràng tiền (sau gọi là công chánh, bây giờ gọi là kỹ sư cầu đường). Cậu Tư tôi là niềm tự hào của bên ngoại tôi. Cậu Tư tôi là người Việt Nam đầu tiên chịu trách nhiệm thi công cầu, trước đó chỉ là kỹ sư Pháp mới có khả năng chịu trách nhiệm. Nó là chiếc cầu sắt sơn đen thui, đó là cầu Tân Thuận nối liền Quận 4 và Nhà Bè, tôi không nhớ xây vào năm nào nhưng chắc chắn là trước năm 1940 (vài năm trước đây người ta đã thay bằng cầu mới). Cậu Tư tôi tập kết ra bắc năm 1954 và chết ở Hà Nội vì bệnh.
Khi còn nhỏ, mẹ tôi được bà ngoại cho lên Sài Gòn học nữ công gia chánh và ở nhà cậu Tư tôi trên đường Sương Nguyệt Ánh. Trước năm 1975 đó là nhà dành cho đại sứ Nhật, nầy người chị họ con cậu Tư tôi tiếp tục ở đó.
Người cậu thứ năm của tôi ngày xưa là cậu công tử bay bướm hào hoa phong nhã, vậy mà sau đó tham gia kháng chiến chống Pháp rồi tập kết ra bắc. Ông là một trong những người tổ chức nên đường mòn Hồ chí Minh trên biển. Đó là thành lập các đội tàu xuất phát từ Hải Phòng đưa vũ khí vào miền Nam đến tận Cà Mau. Đây là công tác bí mật và thập phần nguy hiểm, với phương tiện thô sơ mà phải vượt qua đoạn đường dài với bao nhiêu phương tiện khí tài theo dõi hiện đại của quân đội Mỹ.
Sau năm 1975 ông trở về lành lặn và về hưu, ông vẫn thản nhiên bằng lòng cuộc sống kham khổ khi hưu trí. Mỗi năm đám giỗ bà ngoại tôi ông đều đến và cầm theo một cái bánh trung thu được gói kỹ lưỡng của phường khóm cho ông dịp trung thu trước đó hai tuần và nói với mẹ tôi là “anh nghèo, không có gì cúng má, anh để dành bánh này để cúng má nè! hồi đó má thích bánh trung thu lắm!”. Mỗi lần nhớ lại cảnh đó tôi đều rướm nước mắt, cậu tôi đâu có biết là bánh trung thu đã bị mốc xanh rồi.
Con của cậu Năm tôi ở lại Sài Gòn, cũng tá túc ở nhà tôi để học trường Cao Thắng và sau này trở thành sỹ quan quân đội VNCH. Bà con tôi có khá nhiều gia đình như vậy, đó cũng là điển hình của hàng trăm ngàn gia đình trong cuộc chiến vừa qua. Cha đi tập kết, con ở lại trở thành sỹ quan quân đội VNCH. Tàn cuộc chiến họ trở về lại sống bên nhau. Xung đột nhỏ dĩ nhiên là không tránh khỏi nhưng may mắn là tất cả đều là người từng trải và có hiểu biết.
Họ đều hiểu rằng Quan Nhất Thời, Dân Vạn Đại. Cuộc chiến đã tàn, khi sân khấu đã kéo màn thì cởi bỏ cân đai mũ mão vua quan để trở lại cuộc đời bình thường và sống với tâm thức người dân chứ không phải sống với tâm thức vua quan như trước đây nữa.
Mẹ tôi là con út trong nhà với tất cả 14 anh chị em, con của dì Ba của tôi còn lớn tuổi hơn mẹ tôi nữa. vì vậy khi tôi về quê bên ngoại có vai vế rất lớn, có những người bằng tuổi tôi mà phải gọi tôi là ông.
Giống như khi đến đỉnh rồi thì phía bên kia phải tuột dốc. Bên ngoại tôi cũng vậy, sau này những bà con trực hệ không còn ai giàu có nữa, đến khi tôi lớn lên thì hầu như tất cả đều nghèo.
Có lẽ xuất thân gia đình lễ giáo phong kiến như vậy cho nên bên ngoại tôi ai cũng khó. Ngày còn nhỏ mỗi lần về quê chơi vào dịp hè, mẹ tôi thường gởi chúng tôi qua bên ngoại vì bên ngoại luôn chăm sóc kỹ lưỡng, ăn ngủ đúng giờ, quần áo tề chỉnh, nhưng chúng tôi hay bị rầy là, bị buộc phải luôn nghiêm chỉnh, không leo trèo, không tắm ao, không mò cua bắt ốc gì cả. Vì vậy tôi thích ở bên nội hơn vì được tự đó thoải mái hơn. Con nít thì đứa nào cũng vậy, chuyện ăn ngủ đâu thể hấp dẫn bằng chuyện chơi được.
Cũng khá trùng hợp là hầu hết bà còn hai họ nội ngoại tôi đều làm trong ngành giáo và ngành y cho nên khoảng thời gian sau năm 1975, ai nấy đều nghèo rớt mồng tơi, chẳng ai biết phải làm ăn gì để khấm khá , đến đời sau khi chúng tôi muốn làm ăn gì cũng chẳng có ai bày vẽ hay hỗ trợ gì cã. Điều an ủi là tuy nghèo nhưng mọi người vẫn hạnh phúc và vui vẻ không có chuyện giành giật kiện tụng nhau về tài sản trong dòng họ.
Ba và mẹ tôi đã gặp nhau trong cuộc kháng chiến đó, chị lớn của tôi được gởi về cho ông bà ngoại tôi nuôi, còn chị kế tiếp thì theo ba mẹ tôi trong kháng chiến, nghe kể lúc đó chỉ được bú nước cơm pha chút đường và muối chứ làm gì có sữa, khi gởi cho người này, khi phải gởi cho người khác.
Gia đình tôi rất may mắn khi trải qua tất cả cuộc chiến mà không bị thương tổn gì về sinh mạng, kể cả cuộc chiến ở Campuchia sau này.
Kỳ sau: Tuổi thơ hiếu động
* Trang này được xem 4394 lần
Công nhận anh Trúc viết về gia đình mình, văn chương của anh mượt mà, nhẹ nhàng hơn lối viết của anh trước đây! Và có lẻ khi được trải lòng về cha mẹ tận đáy lòng chúng ta muốn dành cho hai đấng sinh thành bằng tất cả sự thương yêu và trìu mến nhất.
Anh xuất thân từ gia đình cha mẹ là người giỏi giang có kiến thức và vì vậy khg có gì ngạc nhiên bây giờ em mới biết tại sao anh là đại ca, mà dạo này đại ca tu tâm dưỡng tánh, gát kiếm giang hồ lại sao ta?! thấy điềm đạm nhẹ nhàng như thục nữ em bỗng lo sợ vu vơ. Em nhớ sau lưng đại ca có xâm chữ “đại bàng không mõi cánh” mà! Mời đại ca vào chợ quậy lại khg thôi em với Thoại Vân mất phương hướng không có người đưa đường chỉ lối, ai tụi em cũng vương đông kích tây kìa, có ngày hai đứa em bị chặt 6 khúc anh vào mà nhặt xíu quách về cho cẩu gặm nha haha….
Xuân Lan ơi ! nếu nói mình điềm đạm nhẹ nhàng như thục nữ thì có lẽ nói heo nái biết leo cây hoặc gà mái biết lội xem ra còn dễ tin hơn he he he …..
Mấy hôm nay không hiểu sao mà ý tứ theo nhau về ngồn ngộn làm mình lúng túng không biết viết cái gì trước cái gì sau, chả bù với vài tuần trước , tất cã chỉ là một chữ ” Tịt “
Anh Trúc ơi,
Đọc xong bài viết của anh làm KT nhớ Mẹ quá, chắc phải chạy về thăm Mẹ XMas này.
Gia đình em cũng toàn là nghề giáo, bởi vậy khi em thi vào CT là một bước đột phá từ nghề cầm viết với bảng phấn nhảy qua cầm búa đục, nhớ lại ngày đó nghề giáo nghèo ơi là nghèo, ngày em quyết định bỏ Cao Đẳng Sư phạm Dalạt để vào CT trong nhà chia làm 2 ý kiến: một binh vực nên vào CT để ra khỏi ngành giáo dục, một nên chọn sư phạm để gần nhà vì đi xa ….giang hồ hiểm ác. Hihi nhờ vậy mới gặp mấy anh CT còn…… hiểm ác hơn giang hồ. Hehehehe….
Ặck..Ặck…mắc cười câu sau cùng của KT qúa.
Hihi khi ngộ ra được điều này thì đã tàn đời rồi đó chị Lan A. Giang hồ chỉ hiểm ác giai đoạn thôi chớ đâu có lâu la gì mà tới mấy chục năm lận hehehehe.
Hi Kim Thu !
Ngày đó nghề giáo nghèo lắm . Khi mình dạy Cao Thắng thì hôm nào có tiền mới ra quán cà phê chị Sáu cầm theo một gói xôi, chị Sáu thường kêu tụi nhỏ ” lấy cho thầy cái muổng để ăn xôi đi tụi bây ! “và hỏi ” Thầy dùng gì ? ” Thiệt ra hỏi để mà hỏi thôi vì biết chắc là ” thầy ” chỉ luôn luôn kêu ly cà phê đen với 2 điếu thuốc Hoa Mai mà thôi .
Còn nghề y thì tệ hại hơn nữa . Chuyện thật như đùa là lúc đó tiền vá ruột xe đạp ngoài lề đường là 300 đồng cho một lổ lủng nhưng tiền bồi dưỡng cho bác sĩ mổ ruột người chỉ có 200 đồng thôi . Khi đó ông anh mình kể lại chính xác như vậy .
Má ơi! bữa nay LANA mới biết anh Trúc hồi đó là…. thầy gíáo đó.
Đọc xong bài viết tâm sự của em Trúc ,làm cho H. tôi nhớ mấy đứa em quá muốn” hóc ” luôn vậy đó . Xin nói nhỏ cho các bạn biết ,không những Trúc là con trai út trong gia đình ,mà trong nhóm GS4 Trúc là em trai áp út nữa đó
mk
Anh Trúc chỉ là áp út thôi chứ chưa xuống được hàng út hả anh Tạ Hiệp. Vậy út của nhóm anh là ai vậy? Bé nhỏ thường được cưng nhiều tò mò em muốn biết xem là ai hihi….