Vừa về VN tết đầu năm 2012, theo kế hoạch 2 năm về một lần thì lẽ ra phải đến đầu năm 2014 mới về lần nữa. Nhưng đến tháng 11/2012 tôi lại bắt đầu nôn nao khi mùa xuân ngày càng đến gần. Tin tức bạn bè đã và đang về VN cứ dồn dập đưa đến làm tôi càng nôn nao tợn.
Tôi vốn là kẻ hảo ngọt mà ” Quê hương là chùm khế ngọt “. Tôi vốn là con sói hoang lạc bầy mà quê hương là “Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã “. Tôi cứ nhớ hoài bài thơ của Giang Nam ” Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường, yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ…” mà trường của tôi thì ở VN chứ đâu có ở Mỹ này đâu kia chứ. Ái chà chà, sao mà các nhà văn nhà thơ VN và thế giới cứ khích động tôi như vậy, làm sao tôi có thể yên tâm ở lại đón cái tết nhạt nhẽo được nhỉ.
Câu hỏi VỀ hay KHÔNG VỀ cứ lẩn quẩn trong đầu tôi y như câu hỏi TỰ DO hay là CHẾT vậy, mà tôi vốn yêu đời nên đâu có thích chết! Thế là cầm lòng không đậu tôi đã quyết định chọn VỀ, có nghĩa là tôi đã chọn TỰ DO. Ôi thật là quyết định dũng cãm, sáng suốt và đầy chính nghĩa sáng ngời.
Với lòng quyết tâm nặng như núi đá và túi tiền nhẹ như BB (nghĩa là bong bóng chứ không phải nữ tài tử Brigitte Bardot). Tôi đến phòng bán vé về Việt Nam trong tâm trạng của người chiến sĩ đi tìm tự do.
Vé đi đường Korea là 1650 USD thời gian bay tổng cộng là 19 giờ cộng với 3 giờ chờ ở sân bay Korea là 21 giờ, vé đi đường bay mới qua Dubai là 1250 USD và nghỉ một ngày tại đó rồi bay tiếp về VN, tổng thời gian bay là 20 giờ và nghỉ tại Dubai 22 giờ tổng cộng là 42 giờ.
Một so sánh nhanh trong đầu là mất thêm 1 ngày trong tổng số ngày nghỉ 16 ngày kể cả thứ bảy và chủ nhật, trong khi tiết kiệm được 400 USD. Ừ ! thì mất 1 ngày quý hiếm nhưng bù lại là có được 400 USD để lì xì cho các cháu và vài người bà con lớn tuổi, lại được du lịch Dubai miễn phí vì ăn ở khách sạn trong ngày đó không phải trả tiền.
Hãng hàng không Emirates này nghe tên hơi lạ, người ta đi được thì mình đi được, cùng lắm là đem thân già ra chịu đựng thôi, mình đâu phải là quý tộc gì đâu. Mọi việc được quyết định chóng vánh và tôi đã cầm được chiếc vé về với quê hương tết đầu năm con rắn.
Về đến nhà tôi check lại xem hãng Emirates này ra sao thì thật tuyệt vời, đây là một trong vài hãng hàng không tốt nhất thế giới, trên nó là 3 hãng hàng không nhỏ của các nước Bắc Âu, có thể nói đây là hãng hàng không lớn tốt nhất cũng được. Đúng là hay không bằng hên, vậy mà cứ lo lắng vớ vẩn.
Về VN nhiều lần rồi, một vài lần đầu thì cũng có quà cáp cho bà con như mọi người đã từng làm nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy mình sẽ bị áp lực tài chính mà ngần ngại khi nghĩ đến việc trở về. Tôi đã thông báo cho bà con và quyết định chỉ về với hành lý xách tay mà thôi. Quyết định này được anh em trong nhà tán thành cả hai tay vì họ chỉ cần sự có mặt để anh em đoàn tụ chứ đâu có cần quà cáp gì của tôi đâu.
Khi mới qua Mỹ tôi có một lần gởi tiền về để lì xì cho các cháu và một ít phụ với anh chị lo đám giỗ cho mẹ tôi xem như tôi vẫn có mặt ngày giỗ và cũng chỉ được một lần. Lần sau tôi lại gởi thì bị từ chối quyết liệt và dọa gởi trả lại nên thôi. Những lần về trước, anh chị tôi còn nhét thêm tiền vào túi cho tôi xài vì tội nghiệp thằng em út xa nhà làm việc cực khổ. Anh chị tôi sợ tôi không có tiền về nên đòi gởi tiền cho tôi mua vé về VN hàng năm nữa. Tôi thật may mắn không chịu áp lực tài chính như nhiều người khác.
Ấy! vậy mà lần này về, ngoài va li xách tay tôi vẫn có hai thùng hàng kèm theo như mọi người kia đấy! Chã là được phép gởi hai thùng hàng free mà bỏ qua thì uổng quá, thế là tôi mua một vài tấm thảm dậm chân và một ít đồ chơi cho đứa cháu nội của bà chị, vậy mà cũng đầy hai thùng như bà con khác.
Thời gian qua cũng mau, cuối cùng cũng đến ngày “anh phải về thôi xa em thôi…” Sáng hôm đó, trên đường ra sân bay không có hoa nở cùng gió xuân mơn man trên da thịt, không có chim hót cùng nắng vàng rực rỡ như mấy cha nội nhà văn thường tả, mà bầu trời cứ ui ui và ảm đạm như vẻ mặt của bà xã.
Tội nghiệp nàng phải ở lại để lo cho mẹ già và đứa con nhỏ. Tuy rằng mẹ già vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn, bà có thể bước vô chuồng gà và túm lấy một con gọn ơ, nhanh còn hơn Mai Siêu Phong xuất chiêu Ngũ Âm Bạch Cốt Trão, còn thằng con nhỏ thì cao trên 1.8 mét, nó có thể dễ dàng nhấc bổng mẹ nó lên như cầm ổ bánh mì Lee’s Sandwich nhưng thôi kệ cứ gọi là “mẹ già con nhỏ” cho có nhiều xúc cảm buổi chia ly vậy mà.
Tuy trong lòng khoái chí về viễn cảnh sắp tới nhưng tôi lại chột dạ, vì lẽ một người chồng chung thủy, một người cha có trách nhiệm mà lại mang vẻ mặt hí hững khi xa vợ con như thế này có vẻ không được ổn cho lắm. Tôi cố gắng đóng phim buồn cho phù hợp với không khí chia ly….nhưng khổ nỗi cảm giác hạnh phúc cứ choáng ngợp, thật là khó khăn làm sao.
Tôi cố nghĩ đến những chuyện buồn để dễ điều chỉnh trạng thái vẻ mặt nhưng có những chuyện buồn với người khác thì với tôi lại chẳng buồn, thí dụ như việc thi rớt hay thất nghiệp tôi đã quá quen thuộc đến độ chã thấy buồn tẹo nào cả. Còn chuyện thất tình thì….
Nếu biết rằng em đã có chồng
Anh về lấy vợ thế là xong
Vợ anh không đẹp bằng em đấy!
Nhưng bố cô ta có nhiều tiền !
Vậy thì cũng chẳng buồn được rồi ! Lại còn việc bị đòi nợ thì thú thật là tôi cũng trây rồi, có gì là buồn đâu kia chớ!
“Có công mài sắt có ngày mỏi tay”. Cuối cùng thì tôi tưỡng tượng đến việc mình không phải đi ra sân bay mà là đang chở bà xã đi shopping. Ôi thật tuyệt vời! Ngay lập tức mặt tôi lộ vẻ đau buồn tuyệt vọng đến độ nàng lại quay sang an ủi tôi “không sao đâu anh, anh chỉ đi có hơn 2 tuần thôi mà”. Hôm đó tôi còn bị allergy (dị ứng thời tiết) nữa, cho nên bị sỗ mũi, giọng nói nghe như nức nở sụt sùi, thỉnh thoảng còn chảy nước mắt .
Tôi đâu phải là kẻ lừa gạt vợ con, tôi chỉ muốn bà xã đừng có cảm giác bị bõ rơi thôi nhưng vì bị dị ứng thời tiết nên mới thành vẻ ảm đạm như vậy. Đến khi bà xã tỏ ra lo lắng và an ủi, tôi lại cảm thấy hối hận.
Thật hú hồn! Suýt tí nữa là vì cảm giác hối hận mà tôi tuyên bố không đi nữa là chết. Cũng may, tôi là người đàn ông cương quyết nên đã giữ vững ý chí ra đi của mình … he he he….
Chuyến bay bắt đầu lúc 11 giờ mà bà xã tôi vì phải đi làm nên đã thả tôi xuống phi trường lúc 7g30, lại phải chờ đợi nữa nhưng có sao đâu! Cuộc đời người đàn ông nào cũng đã từng chờ đợi nhiều lần, có khi đến thành nghiện đó chứ. Nếu mình không phải chờ đợi ai, cũng chẳng có ai chờ đợi mình thì mới thật sự là cô độc. Ta hãy coi như ta đang hưởng hạnh phúc cuộc đời. Tôi đã từng ngẩm nghĩ như vậy để qua đi thời gian chờ đợi đáng chán đó.
Lần này chờ đợi để được hưởng niềm hạnh phúc thì thời gian chờ đợi cũng là sự thụ hưởng hoặc suy nghĩ theo một lối khác thì đây là sự thử thách dành cho người chiến sĩ đi tìm tự do.
Thế là “người chiến sĩ” ngồi ngắm nhìn thiên hạ qua lại đã đời rồi bắt đầu gọi điện thoại về Việt Nam để sắp xếp chương trình gặp gỡ thân hữu với bạn bè anh em bà con, sao cho mỗi ngày là một ngày vui trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở VN ( không phải “biến cuộc đời thành mỗi tối tân hôn” đâu nhé, các bạn đừng hiểu lầm sự chung thủy hiếm có của tôi).
Đến giờ check in tôi đến xếp hàng để chờ đến lượt mình thì nghe một giọng nói tiếng Việt lảnh lót từ xa “chú ơi ! sao đứng bên đó! chú về VN thì qua bên Korea air line nè !” Quay lại nhìn thì thấy một phụ nữ độ hơn 40 mặc đồng phục của sân bay DFW đang nhìn phía mình và kêu lớn như vậy. Tôi quay ra phía sau xem có chú nào không thì giọng nói lại phát ra lần nữa “con nói chú đó, chú có sure là đi đúng hãng máy bay không?”. Khi xác định đúng là chị ta đang nói với mình tôi cám ơn và nói rằng tôi đúng là đi bên hãng hàng không Emirates.
Tôi như thế này mà gọi bằng chú, lại còn xưng là con mới ác độc làm sao, nhìn người coi bộ hiền lành mà sao nỡ xữ sự bất công với tôi như vậy thật là ông bà mình có lý khi nói rằng tri nhân tri diện bất tri tâm mà.
Đến giờ boarding cũa chiếc xe đò boeing 777 mới toanh. Chủ hãng xe đò Emirates là người Ả Rập râu rìa lông ngực mà sao toàn mướn các nàng lơ xe mắt xanh mỏ đỏ, cô nào cũng cao ráo trắng trẻo, đạt đầy đủ tiêu chuẩn “ngực tấn công, mông phòng thủ” tôi có cảm giác như mình lạc vào vương quốc Ba Tư cổ xưa trong vai Aladin xung quanh là các cô người hầu đẹp như tiên.
Sau khi tìm được ghế ngồi tôi định thần quan sát xung quanh thì hỡi ơi! Lần này tuy cũng còn cảm giác lạc vào vương quốc Ba Tư nhưng không còn là vai Aladin nữa mà đột nhiên bị khoác vào vai Alibaba và 40…… xung quanh tôi toàn là quý vị da dẻ đen đúa râu xồm, ánh nhìn lạnh lẽo kém thân thiện. Trên chuyến xe đò về quê này chỉ có vài người khách Châu Âu và duy nhất tôi là người Đông Á, còn lại toàn là Alibaba không thôi. Mà cũng chẳng sao, có thể những người ngồi bên cạnh tôi lại nhủ thầm xui xẻo vì ngồi cạnh gã Vy Tiểu Bảo thì sao ! Cứ thuận theo tự nhiên mà sống là ổn cả thôi.
Chiếc xe đò bắt đầu lăn bánh, bỏ lại sau lưng những bề bộn mệt mỏi của cả năm, tôi bắt đầu cho phép mình tưởng tượng đến niềm hạnh phúc sắp đến. Tuy rằng phải bỏ lại vợ con cũng có buồn trong lòng nhưng tôi nghĩ rằng càng đi xa ta càng nhớ đến vợ con nhiều hơn. Mỗi năm cũng cần những chuyến đi xa như thế này để có dịp nhớ vợ nhớ con chứ, nếu ở bên cạnh hoài thì làm sao biết thế nào là câu “nhớ vợ, thương con, thèm thịt chó” được.
Phải rồi ! ta phải biết tạo điều kiện cho bản thân mình có cơ hội biết nhớ thương vợ con. Chuyến đi càng dài thì sự thương nhớ càng ác liệt chứ lỵ. Tôi bắt đầu chìm vào giấc ngủ bởi yên tâm rằng mình là người chồng, người cha tuyệt vời đã biết cách vun đắp hạnh phúc gia đình.
* Trang này được xem 5471 lần
Hay quá, viết tiếp đi anh Trúc ơi, đang đọc say sưa …bổng tắt giữa chừng
Bài này viết cho đặc san Cao Thắng từ tháng 3/ 2013 nhưng không hiểu sao bị bõ sót nên bây giờ mới post lên . Có lẽ mình sẽ viết tiếp, chỉ có điều là đã qua rồi tâm trạng phấn khởi nên phần tiếp theo sẽ là những suy nghĩ lẩn thẩn qua việc tiếp xúc và gặp gỡ cảnh và người những ngày về VN đầu năm 2013 .
Cám ơn Mai đã đọc và “xúi ” viết tiếp . Lúc này Mai vẫn còn làm ở VINATON chứ ? Sau lần gặp Mai ở đó thì hơn 1 năm sau mình đi Mỹ . Coi vậy mà cũng 12 năm rồi, mau quá …..
Mấy tháng rồi mới zô lại trang web CT , đọc lại bài viết này của Việt Trúc vẫn thấy hay và dí dỏm, vừa đọc vừa cười một mình, lại biết thêm tài nấu ăn của Việt Trúc, chắc phải ….nhịn ăn, nhịn mặc kiếm tiền mua vé sang Mỹ để ăn phở Việt Trúc nấu Hehe.. Mấy anh CT đa tài thiệt , văn vỏ song toàn.
Mai vẫn còn làm ở chỗ cũ đó Việt Trúc, công nhận Anh Trúc trí nhớ tốt thật , nhớ nhiều chuyện xưa quá, anh nhắc Mai mới …lờ mờ nhớ ra là có gặp Việt Trúc ở Vinaton, ôi mình già thiệt rồi …
Chúc cuối tuần zui zẻ.
Anh Trúc ơi nếu mà nhà nào cũng được như gia đình anh chắc các hãng máy bay tăng cường chuyến quá, ở bên này em thấy nhiều gia đình để dành tiền hai ba năm mới dám về VN thăm gia đình một lần, hỏng biết sao cái gì bên Vn nghe cũng rẻ hơn bên nước ngoài nhiều mà mỗi lần về thì lại tốn kém đã vậy chơi còn không lại với bạn bè và người thân bên đó hic…
Ông này cái lưỡi không xương nhiều đường ổng lắc léo quá! Kiểu nào ổng cũng làm vui lòng bà xã mà được lòng ổng bái phục sư phụ luôn!
Anh Trúc ơi, hổm nay em dự định sẽ kể lại nồi phở nhà anh cho anh Hiệp … thèm mà đi về bị … say máy bay cho tới nay luôn mới hồi tỉnh.
Số là hôm bữa qua Dallas , KT có chạy qua nhà anh Trúc ăn chực hết một bữa phở do chính tay anh Trúc nấu. Vì nghe tài của anh Trúc qua lời kể của anh Hiệp nên cũng phòng hờ nhưng mà không ngờ luôn anh Hiệp ơi, nồi phở quá ngon luôn . Người bạn cùng lớp em bên Pháp cũng đi cùng chấm điểm top luôn , em có chụp hình mà không post lên được vì sợ bỏ lên trang nhà mai mốt anh Trúc mà về VN … không ai dám khoe tài nấu cho ảnh ăn hết ảnh mà đói là trách em thê thảm luôn .
Mai ơi , Kim Thu cũng cùng ý với Mai đó, đang đọc cái bị ảnh thắng cái két chưng hửng luôn.
Phải thừa nhận Anh Trúc bạn tui, sau hơn 37 năm không hề tin tức. Bây giờ Anh Trúc ngày nào không còn nữa, mà thế vào đó là một Anh Trúc hoàn toàn không im lặng, cười mĩm hoặc là thụ động như những năm Anh Em mình sinh hoạt chung ở trường.
Sự thay đổi đã được thấy và thể hiện: Hoạt bát và đa tài về nhiều mặt, nay tình cờ Cô Em KD lại cho biết tài “nấu phở” nữa.
Không nhẽ bây giờ mua vé máy bay qua bên Mỹ, tìm gặp Anh Trúc để được thọ giáo. Chỉ cần biết nấu ăn đơn giản thôi là được Bà Xã ở nhà sẽ “Cưng như trứng” đấy.
Một cuối tuần vui vẻ.