
Hôm nay đọc một câu chuyện “Muộn” nói về sự đùn đẩy nuôi mẹ già của hai cô con gái. Đọc xong trong lòng thấy buồn vô hạn. Buồn vì thương cha mẹ cả một đời vất vả vì các con. Mình là đứa con gái mà có lẽ thời gian ở cạnh mẹ là ít nhì trong gia đình vì còn bà chị kế đã bị rời khỏi mẹ sau vài tháng mới sanh vì cái tội khóc quấy suốt đêm trong thời điểm cha lao vào bài bạc ở Đại Thế Giới và thua sạch túi rồi đổ thừa là chị gái sanh ra không hợp tuổi cha làm cha bực tức la mắng khiến mẹ đau lòng đành mang con về gởi lại cho bà ngoại nuôi lớn, mình thì lấy chồng rời khỏi nhà năm 22 tuổi. Mình là đứa trẻ kề năm sau sanh liền bà chị đó, lúc này cha làm ăn phất lên xây nhà lầu, năm 1958 nghe mẹ nói ở khu đó ít có nhà lầu và ba có luôn biệt danh ông ba nhà lầu vì vậy mà mình được ba cưng hơn trứng.
Nhớ hồi hình như là khoảng 10 tuổi, vô tình mình nói thèm ăn heo quay với bánh bò trắng vậy mà ba nghe được, buổi trưa đi làm ba ghé về nhà với một con heo quay và một ổ bánh bò mua trong khu Tôn Thọ Tường và dặn là “để con bé nó ăn trước, nó muốn ăn chỗ nào của con heo thì ăn, khi nào nó ngán thì mọi người mới ăn.” Vậy đó đối với cha mình, hình ảnh ông gầy gò, đen sạm, cực khổ, vất vả vì suốt ngày cứ long nhong ngoài nắng, (cha theo dõi thi công những công trình lấp đường ống nước) nhưng cha rất thương và quan tâm tới mình. Lẽ ra cuộc sống gia đình mình chắc cũng không bị rơi vào ngõ cụt nhưng vì ba đào hoa đèo bồng vợ lẻ để rồi sanh ra thêm gần chục đứa con với bà vợ thứ ba, thế là trách nhiệm khó khăn, lại luôn bũa vây lấy ba.
Những năm cuối đời của cha, ba tôi có lên Sài gòn ở chơi với tôi vài tháng cũng may là bổn phận làm con tôi luôn chăm sóc cho ba rất đàng hoàng tử tế. Nhớ thời điểm của những năm 1986 lúc đó cuộc sống cũng còn khó khăn lắm, tôi nhớ mình để dành mãi mà vẫn chưa đủ để mua nửa chỉ vàng, nhưng vì ba lên chơi không lẽ để cha mình ăn uống cực khổ nên mỗi ngày tôi rút ra một ít chịu khó sáng vậy từ 4,5 giờ đạp xe vào chợ Bến Thành xếp hàng chờ hàng thịt của Visan mở cửa để mua được thịt rẻ về nấu cho cha những bữa ăn ngon và rồi khi hết sạch tiền thì đúng lúc ba nói muốn về lại Trà Vinh (may quá nếu không thì tôi không biết làm sao lo cho cha chu đáo…)
Mãi đến năm 1992 khi tôi đi Đức về ba có ghé nhà lần nữa (vì ba tôi về Trà Vinh sinh sống từ năm 1978) lúc này ba ở chơi lâu lắm tới gần 2 tháng, sau đó ba tôi xin tôi tiền, nói là ba muốn ra miền bắc thăm lại bà con của ba và anh, chị con riêng của ba với bà vợ cả, mẹ tôi là người vợ thứ hai từ thời ba tôi rời quê hương Thái Bình vào miền nam đi cạo mủ cao su năm 1937. Ba đã nói lên nguyện vọng của ba, nhưng vì tôi thấy ba già yếu lúc đó ba khoảng 76 tuổi nên tôi không đồng ý vì sợ có chuyện gì xảy ra dọc đường cho cha thì làm sao? Thời điểm đó xe lửa chạy ra Hà Nội còn chậm lắm (3 ngày 2 đêm) nên tôi từ chối cương quyết, còn nói ba về sống tạm với dì đi con đang mua căn nhà trên đường Trần Hưng Đạo gần xóm chùa, sau này sửa sang xong thì ba lên ở với con vì ba tôi ăn chay một tháng 10 ngày và hay đọc kinh Phật. Ngày hôm sau ba thay đổi chiến thuật ba nói “con cho ba ít tiền ba về ghé Vĩnh Long thăm chị Tư con rồi trả tiền cho chị, khi lên đây ba có mượn chị ít tiền”. Vì sợ cha có tiền lại ra bắc nên tôi từ chối thẳng thừng, còn nói “tiền chị Tư con sẽ trả cho chị sau, ba cứ về Trà Vinh với dì tạm, khi nào con xong nhà cửa ba lên!”.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh cha già còm, gầy yếu mặc chiếc quần xà lỏn lộn bề trái ra ngoài vì ba sợ rớt tiền trong túi ba bỏ trong đó, số tiền dành lại vì khi tôi đi làm hay dúi cho ba để ở nhà khi ra ngoài, ba muốn mua sách báo đọc hay mua quà bánh ba thích ăn, chắc đó là số dư ba dồn lại cất, đâu có dè ba không hề tiêu xài. Ngày ba về tôi có cho thêm ba chỉ đủ tiền xe đò và dư ra một ít để đề phòng ba không thể thực hiện chuyến đi ra bắc một mình. Vậy mà….
Khoảng 2 tháng sau tôi nhận thư cha viết bảo “con gởi tiền ra bắc cho ba mua vé vào, vì ngoài này ba khg có tiền!” ba viết thư giống như cầu khẩn, nài nỉ, ba bảo khi rời nhà tôi, ba chỉ đủ tiền mua vé xe lửa một chiều ra Hà Nội và dư một ít, 3 ngày trời trên xe lửa ba ăn rất ít và ba chỉ đi xin tiền của người trên tàu đủ thì ba mua thức ăn không có thì ba nhịn uống nước, (viết tới chỗ này tôi không cầm được nước mắt vì thương cha quá! Thời gian đó chắc ai cũng khổ và ba chắc cũng nhịn đói suốt!). Tại sao tôi không chịu suy nghĩ! Bản tính của cha rất cương quyết và mạnh mẽ thường ba muốn làm việc gì thì ba hay làm bằng được! Tôi sơ ý quá,tuổi già của cha chỉ một lần mong muốn quay về nhìn lại quê cha đất tổ của mình, mấy mươi năm xa cách, mà tôi lại nhẫn tâm từ chối, để ba mình trở về quê hương trong bộ dạng như kẻ ăn mày không có quà cáp cho ai!
Lần này tôi lại đang bận rộn sửa nhà, phần vì giận ông dượng rể nhận thầu sửa chữa cứ cù cưa kéo dài ăn gian vật liệu, vòi vĩnh tiền của vợ chồng tôi, bao nhiêu bực mình dồn nén nên làm ngơ vụ gởi tiền cho cha. Mấy tháng sau thì nghe tin cha bị ngã vì tai biến liệt nửa người không đi lại được! Lúc này mà đưa cha vào Sài Gòn sống chung như lời hứa thì tôi bận đi làm ai sẽ bồng ẵm chăm sóc cho cha, tôi có thể làm trận làm thượng để cho ông chồng đồng ý cho cha sống chung nhưng tôi không thể bắt ổng làm những điều mà ổng không muốn tự nguyện. Thôi thì cứ để ba sống với anh chị ngoài đó, anh chị có tới 6 thằng con trai tụi nó làm nông quanh quẩn ở nhà chắc là chăm ông được, tôi thì cứ mỗi tháng gởi tiền ra nuôi cha, mà tiền là cái gì? Công người ta chăm mới là chính, tôi luôn luôn nghĩ vậy, nhưng…rồi số tiền tôi kéo thưa dần ra mới đầu 1 tháng, sau thì kéo ra tháng rưỡi, sau đó 2 tháng một lần. Rồi chuyện vợ chồng tôi lục đục, cuộc sống đầy buồn chán tôi quên mất cha mình phương xa luôn mong ngóng những đứa con trong miền nam, thứ mà cha dành cả cuộc đời sinh ra và nuôi lớn.
Bên phía gia đình tôi mặc dù có 7 chị em nhưng không ai về thăm cha, có mình chị cả tôi cuối cùng cũng về thăm được 1 lần lúc cha gần mất (chị may mắn quá! Vì tôi là người rất say xe, đi đường xa một mình sợ lắm, nên cù cưa cho đến khi cha chết mới ra dự đám tang, con gái như tôi đúng là thứ vịt trời bất hiếu!) Nghe nói khi chị ra thăm mỗi lần chị đút cha ăn nhiều, anh chị cứ la “cho ông ăn nhiều ông ị ra khg ai dọn”, nghe ba kể nó cho ba mỗi bửa ăn chỉ có 2 muỗng, và thân cha thì chỉ còn là bộ da bọc xương. Phía nhà dì cũng 7 đứa thỉnh thoảng vài năm chúng nó về thăm cha vài ngày rồi đi, nghe kể khi chúng nó đi phải nói dối cha là ra Hà Nội họp rồi về đón cha vô Sài Gòn. Nghe nói những lần hẹn như vậy là đến trưa chờ mãi không thấy tụi nó về là cha nhào từ trên giường xuống đất, với cái túi xách và hai bộ quần áo rồi lết ra ngoài con đê ngồi một mình chờ tụi nó, anh chị và các cháu đi làm đồng bỏ cha ở nhà một mình, trời chạng vạng mấy người hàng xóm đi ngang thấy vậy đưa cha vào nhà và cha khóc nói “tụi nó nói lên Hà Nội họp rồi về đón tao mà tụi nó không về!”. Trong túi cha thì luôn có tấm ảnh của vợ chồng và con tôi, cha cứ luôn bảo “hãy cho tôi vào miền nam tôi sẽ sống với con nhỏ này nó thương tôi lắm!” Sau này các em bảo có đón mà anh chị giữ cha không cho vào, chắc là số cha phải chết nơi cha sinh ra.
Sau này tôi còn biết được là ngày cha bắt đầu rời nhà lên thăm chị tôi ở Vĩnh Long cha tôi có xích mích lớn với dì, và muốn quay về sống chung với chúng tôi, mà mẹ và các chị em tôi thì có bao giờ hoan hỉ đón tiếp cha, ngay cả họ còn không mở cửa cho cha vào vì họ giận cha, vì khi không còn đủ sức để cáng đáng nuôi hai bên thì cha tôi chọn sống với dì hẳn để lo cho các em. Tôi thì không dám trách hờn chị em tôi vì cánh bên phía nhà tôi toàn con gái ngay từ nhỏ ít được sự quan tâm dạy dỗ của cha ngoại trừ những lần ghé nhà vài tiếng để hỏi thăm và cho tiền để mẹ chăm sóc chúng tôi, nên họ từ từ bị vô cảm với cha, tôi tin cái gì cũng sẽ có nhân quả. Sau khi về Trà Vinh làm ở công ty thủy sản một thời gian ba tôi mất việc vì tuổi già. Các em con dì thì tụi nó tuy còn nhỏ nhưng cũng vất vả lắm, chúng nó phải tranh thủ đi bán chewing gum, thuốc lá trước cửa rạp hát hay mỗi khi có hội chợ, để tự kiếm tiền đi học.
Vậy đó làm cha mẹ đông con cũng khổ, khổ thân mình và khổ cả thân con. Tôi thì không giận cha mình, chỉ biết ăn năn, hối hận vì cuối đời của cha là vô tình đẩy cha vào sự khốn khổ trong khi bao kỳ vọng giúp đỡ cha đặt hết niềm tin cho tôi, đứa con gái mà cha dồn hết yêu thương. Lúc nào nghĩ đến cha tôi cũng cảm thấy mình tội lỗi vậy mà qua đến nơi này cha cũng chẳng được yên, số là khi sang định cư nơi đây tôi có mang tấm hình của cha, bức hình mà tôi lập lên bàn thờ để thờ cúng ở nhà bên vn, qua bên này thấy nhà tây nhìn tới nhìn lui không biết lập thờ cha nơi nào tôi lại xếp cất, sau mấy lần dời đổi bây giờ tôi không thể tìm ra được tấm hình của cha, chắc là bỏ gọn trong thùng đồ cũ nào và con tôi nghĩ chắc là thùng quần áo cũ (vì mẹ là người holder mà nên bỏ đi….)
Đứa con gái này có phải là nghiệp chướng của cha, hay là nhân quả luân hồi lên báo ứng để tiếp tay hại cha? Tôi thật sự nghĩ lại thấy mình ngâp tràn tội lỗi với cha mẹ, tất cả phải nói là “Muộn” có muốn chuộc tội cũng không còn cơ hội. Xin lỗi cha, tất cả những công đức này con đang tu tập xin được hồi hướng cho cha mẹ. Mong là vong linh cha mẹ được tiếp dẫn về nơi an lạc, siêu thanh tịnh độ.
TB: Cám ơn các anh chị em bạn bè đã đọc hết câu chuyện của Xl lâu rồi mới viết nên hơi bị dài, chắc là tội lỗi được share ra thì sẽ giảm đi rất nhiều đọc xong rồi mọi người gánh dùm em một tí tội nhé, (phải viết cuối bài vì nếu viết trên đầu bài mọi người trốn hết hihi…)
* Trang này được xem 2195 lần
Bài viết hay lắm. Mình đang đi làm chưa comment được
Đừng có để “muộn” nha anh Trúc ơi. Dạo gần đây em khg viết được khg biết tại sao? Có lúc cảm thấy mình khg còn là chính mình, nhớ nhớ quên quên và mất đi sự năng động. Cuộc sống bây giờ đầy nhiễu dương, sống bên này mà cứ lo cho người Vn bên nhà lo mà khg giúp được gì mới buồn chứ! Bài viết này nhờ sáng sớm em thức dậy đọc 15 biến chú đại bi và may quá…em đã lấy lại được chính bản thân mình tăng động, vui vẽ, hồi ức sống lại và viết một mạch tự truyện trong 2 tiếng, mừng quá còn nhớ tội lỗi của mình để sám hối là được rồi…
Không cần giáo huấn truyền đạt điều gì cả, những câu chuyện thật tự nó đã khiến ta phải liên tưỡng đến cuộc đời đã trải qua và rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình.
Câu chuyện của Xuân Lan là một chuyện thật như vậy. Tất cả chúng ta đang ở cái tuổi có điều kiện đầy đũ đễ chiêm nghiệm về cuộc đời, vừa ôn cố mà vừa tri tân.
Những sữ xự của con cái dù vô tình hay hữu ý cũng khiến cho ta nhớ lại những kỹ niệm bên cha mẹ, dù đó là vui hay buồn, dù là cảm xúc ăn năn hối hận hay phút hoài niệm những ấm áp hạnh phúc bên người.
Trước đó có lẽ ai cũng biết rằng cha mẹ không thễ sống đời với mình và có một ngày ta sẽ mất họ vĩnh viễn, như vậy hãy cố gắng làm vui lòng cha mẹ, hãy cố gắng chăm sóc cha mẹ hãy cố gắng dùng tình thương lan toả đến tận tâm hồn họ đễ họ luôn được sống trong sự hạnh phúc an hoà của người làm cha mẹ cảm nhận được tấm lòng hiếu thảo của con mình, những tội lỗi với cha mẹ hôm nay sẽ là niềm hối hận khôn nguôi cho mai sau…..
Vâng ! ai cũng biết điều đó cả nhưng thật sự có mấy ai làm được ? Chúng ta luôn có đũ lý do đễ khước từ những sữ xự tốt đẹp đó nếu nó làm ảnh hưỡng đến cuộc sống cá nhân của mình và chúng ta cũng luôn rất độ lượng với mình mà chắc lưỡi ” Ồ ! thì lần sau cũng được mà !” và cuộc đời của cha mẹ chúng ta cũng chẳng có được bao nhiêu “lần sau” như vậy nữa.
Hầu hết chúng ta đang ở độ tuổi chưa quá già đễ phải lệ thuộc vào con cái, cũng không quá trẻ đễ sửa chửa sai lầm với cha mẹ mình, liệu chúng ta có đũ sức làm thay đổi tương lai cho con cháu của mình không ? Nghĩa là làm sao đễ sau này chúng không phải hối hận và ăn năn như chúng ta ngày hôm nay ? Làm sao đễ mai này khi nhớ đến chúng ta thì trong lòng chúng chỉ có những hoài niệm ấm áp ngọt ngào. Làm được điều này thật tốt cho tất cả mọi người vậy.
Tôi rất muốn làm điều đó và sự chọn lựa sống độc lập không cần phải nhờ con cái cũng là một phương pháp đễ con cháu không phải áy náy vì hoàn cảnh ông bà cha mẹ mình nhưng đi kèm với sự độc lập đó sẽ là điều mà ít người già mong mỏi….đó là sống xa rời con cháu.
Chào XL. Cha Mẹ hai bên của tui đã mất, trừ ba vợ mất trước khi vợ tui lấy chồng, còn cha mẹ tui và mẹ vợ những ngày cuối đời tui đều bên cạnh.
Mong muốn của người già là được gần gũi con cháu và được quan tâm chăm sóc, khi sức khỏe yếu không đi xa được, có người thân thăm viếng là niềm hạnh phúc.
Khi cha mẹ mất rồi, ai cũng ray rứt hối tiếc: giá như….. Nhưng đã muộn rồi.
Tuổi tui và các bạn còn Cha Mẹ là hạnh phúc, đừng vì tất bật cuộc sống mà để cha mẹ ngóng trông. Khi thấy được đã MUỘN.
Về thăm Cha con nhé
Cha một mình quạnh quẻ
Nhớ tiếng người hỏi thăm
Còn sống được bao lăm
Làm sao cha được biết
Đợi đến khi tử biệt
MUỘN mất rồi con ơi!
Cám ơn anh Hầu và anh Trúc đã comment trong bài viết của em. Bài thơ của anh Hầu làm lòng em quặn thắt vì hối hận và thương ba em quá anh Hầu ơi!
Bài viết của XL rất hay. Có những điều khi mình hiểu ra thì đã “Muộn” rồi . Người ta thường nói cái tốt của mình ít ai dám nói ra cái xấu mình thì phục XL ở chổ này mình cũng chưa làm được.
Hy vọng rằng ai có duyên đọc được bài sẽ trân trọng và quý nhửng gì mình đang có.
ĐIỀU QUÝ GIÁ KHI CÒN CÓ ÍT hihi….
Thân ái
Nhìn hình thời trai trẻ mới biết là hồi đó coi cũng được. Bây giờ hiểu ra thì đã muộn he he he…..
Ai bảo a Trúc hồi đó khg trân trọng vẻ đèp trai ngu ngơ khờ khờ của mình để bây giờ thành tinh rồi mới biết là muộn ha ha…
Cám ơn Hòa đã bỏ thời gian quý báu ra đọc bài viết của Xlan. Không phải là dám nói cái xấu của mình ra vì cũng dòm tới dòm lui rồi mà hỏng thấy mình có cái gì tốt để viết hết Hòa ơi mà xấu thì…tràn lan…tràn lan…
Trong cuộc sống ai cũng có những trường hợp “muộn” khiến mình tiếc nuối,lắm khi ray ray rứt có khi đeo đẳng cả đời .
Nhiều lúc tuy muộn nhưng còn kịp .
Đó là những bài học đắt giá mà ai cũng phải trải qua,chỉ khác là muộn một lần hay cứ muộn hoài mãi .
Tôi đang tìm kiếm địa chỉ liên lạc của kỹ sư Nguyên Hồng Lam, cựu hiệu trưởng trường kỹ thuật Cao Thắng đến năm 1975. Sau năm 1975, kỹ sư Lam vẫn còn ở lại Saigon và sau đó được phép đi định cư ở Pháp vì có vợ là người Pháp (cô Colette). Lý đó tìm ông Lam: mẹ tôi là bạn của cô Colette Fauguenot, vợ của ông Lam.
Nếu có tin tức về ông bà Lam, xin vui long liên lạc với chúng tôi, chúng tôi xin cảm ơn trước.
Thao
Hi anh Thao,
Em đã liên lạc với anh Hiệp người biết địa chỉ thầy Lam rồi, có thể anh sẽ báo tin cho anh sớm thôi. Cám ơn anh Thao đã ghé web Úc Châu. Chúc anh nhiều sức khỏe.