
Các bạn thân mến!
Còn ít ngày nữa là bước vào Tháng 7 ÂL, có nhiều sự tích, tập tục trong tháng này, nhưng lễ Vu Lan là một trong những lễ lớn. Nhớ thuở còn bé vào những ngày này trên TV thường hay chiếu vở : “Bông hồng cài áo” của đoàn kịch Kim Cương, không nhiều thì ít người đã khóc rưng rức khi xem. Với tài năng diễn xuất của Kỳ nữ Kim Cương đã lấy biết bao nhiêu nước mắt của những khán thính giả nhiều xúc cảm . Cũng không thể quên được đoản văn của thiền sư Nhất Hạnh, tác phẩm này ngắn thôi, xuất bản vào năm 1962 của nhà xuất bản Lá Bối, mang tên “ Bông hồng cài áo”. Được in bằng giấy pelure mềm mại, chỉ vài trang với cỡ giấy 10×20 cm. Đến 1967 nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ phỏng theo ý văn của Nhất Hạnh trong đoản văn trên, viết bản nhạc “Bông Hồng Cài Áo”. Văn, nhạc, kịch mới xuất bản đã được công chúng nhiệt liệt đón nhận. Xem kịch thì khóc vì cảm động với vai diễn của Kim Cương trong người con hiếu thảo, nghe nhạc êm dịu cung bậc nhẹ nhàng xúc cảm thì bước qua tác phẩm này người đọc vừa cảm thấy hân hoan vui mừng vì mình diễm phúc còn Mẹ, và cũng có người buồn đau vì hạnh phúc nhất trên đời đã vuột khỏi tay ta, đó là Mẹ. Mẹ là kho tàng mà Thượng Đế ban tặng, chẳng thế mà ngạn ngữ Do Thái có câu “ Thượng Đế không ở khắp mọi nơi nên đã tạo ra các bà Mẹ” hoặc giả câu “ Trong tất cả các kỳ quan thì kỳ quan tuyệt xảo nhất vẫn là trái tim của người Mẹ”.
Qua vở kịch rất hay, qua điệu nhạc trữ tình, ngân nga tiếng lòng con trẻ đối với Mẹ, qua đoản văn nổi tiếng với số lượng chữ ngắn gọn đầy xúc tích của vị chân tu, ta mới thấy rằng Mẹ đúng là quà tặng vô giá mà Đấng Hóa công đã ban tặng cho ta. Các bạn và tôi cùng đọc chậm chạp để cảm nhận hạnh phúc điều này nhá. Tác phẩm này tôi viết tay cẩn trọng vào vở năm 1977, đến năm 1995 bắt đầu học ứng dụng tin học tôi đã không ngần ngại mà đánh máy lần nữa. Xin mời các bạn cùng xem.
BÔNG HỒNG CÀI ÁO
Thượng Tọa Nhất Hạnh
Ý niệm về Mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không “lớn“ lên được. Cằn cỗi, héo mòn. Ngày Mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký “tai nạn lớn nhất đã xảy ra cho tôi rồi !”. Lớn đến cách mấy mà mất Mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình Mẹ, bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có Mẹ ngay từ thưở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình Mẹ. Những bài hát ca ngợi tình Mẹ, đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất Mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu… sợ sệt, lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến.
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời!
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi…
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất Mẹ
Mất cả một bầu trời
Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng Bà Mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói Mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường dịu ngọt. Người dân quê đã diễn tả được tình Mẹ một cách vừa giản dị, vừa đúng mức:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau
Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa đắng, vừa nhạt, sau một cơn sốt. Những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào Mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay trên trán nóng ta và than thở “Khổ chưa, con tôi!”, ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình Mẹ. Ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình Mẹ thì trường cửu, bất tuyệt, những chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.
Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình Mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có Mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu.. Nhờ Mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh. Nhờ Mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì Mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm Mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo, vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có Đức Quan Thế Âm tôn sùng dưới hình thức Mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì Mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có Đức Mẹ, Thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có Thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.
Tây phương không có ngày Vu Lan, nhưng cũng có ngày Mẹ (Mother’s Day), mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách khu Ginza, ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thấy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách. Thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết, đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn Mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn Mẹ. Còn nếu anh mất Mẹ, anh sẽ được trên áo một bông hoa trắng.
Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng, nhớ rằng mình còn Mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng Mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta. Những kẻ đã và đang có Mẹ đừng có đợi đến khi Mẹ chết rồi mới nói :”Trời ơi! Tôi sống bên Mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt Mẹ, lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua, trao đổi vài câu ngắn ngủi, xin tiền ăn quà, đòi hỏi mọi chuyện. Ôm Mẹ mà ngủ cho ấm, giận dỗi, hờn lẫy, gây bao nhiệu chuyện rắc rối cho Mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con, chết sớm cũng vì con. Để Mẹ phải suốt đời bếp núc vá may, giặt rửa, dọn dẹp và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con và con không có thì giờ nhìn kỹ Mẹ. Để khi Mẹ mất, mình có cảm nghĩ : thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có Mẹ”
Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm ở sở về, em hãy vào phòng Mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên Mẹ, sẽ bắt Mẹ dừng kim chỉ mà đừng nói năng chi, rồi em sẽ nhìn Mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy Mẹ và để biết rằng Mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay Mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm Mẹ chú ý. Em hỏi :”Mẹ ơi Mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười :”Biết gì?” – Vẫn nhìn vào mắt Mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói :” Mẹ có biết là con thương Mẹ không?”. Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù ngươi lớn ba bốn mươi tuổi, ngươi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của Mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong ý thức tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai Mẹ mất, em sẽ không hối hận đau lòng.
Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về Ngài Mục Liên và về sự hiếu đễ, công Cha – nghĩa Mẹ – bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho Mẹ sống lâu, hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho Mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc nếu Mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi, nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có, không có tình thương , hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi, cần chi nói đến bổn phận. Thương Mẹ như vậy là đủ, mà thương Mẹ phải là một cái gì rất tự nhiên, như khát thì uống nước. Con thì phải có Mẹ, phải thương Mẹ. Chữ hiếu ở đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương Mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương Mẹ. Con cần Mẹ, Mẹ cần con. Nếu Mẹ không cần con, con không cần Mẹ, thì đó không phải là Mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ Mẹ Con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng :” Con mà thương Mẹ thì con phải làm thế nào?”
Tôi trả lời :” Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc Mẹ về già và thờ phụng khi Mẹ khuất núi”. Bây giờ thì tôi biết rằng, con thương Mẹ thì không phải “làm thế nào” gì hết. Cứ thương Mẹ là đủ lắm rồi, đủ hết rồi cần chi phải hỏi :” làm thế nào nữa !”
Thương Mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương Mẹ là một vấn đề hưởng thụ, Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng :”Đời ta không còn gì cả” Một món quà như Mẹ mà còn không vừa ý, thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu. Bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà Mẹ.
Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng lẽ chị tôi không nên đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ Mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu. Người thì theo lý tưởng đạo đức mình say mê mà tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng. Mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì Mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói :”Mười tám năm trời, nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác. Chị tôi gục đầu xuống mâm cơm, khóc. Chị nói :”Thôi con không lấy chồng nữa”. Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ Mẹ mà đi tu. “Cắt ái từ sở thân” là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương Mẹ. Nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa Mẹ, thiệt thòi cho tôi có thế thôi. Ở trên đời, nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào là không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn người, nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ Mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng quí báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho Mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.
Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh, không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với Mẹ. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn ai hết, tôi không giảng luân lý đạo đức mà. Tôi chỉ nhắc anh: Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương, để anh đừng quên, để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn, cũng không phải lỗi nữa mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, vô tình mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng, để anh sung sướng, thế thôi.
Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay khi đi học về, anh hãy vào phòng Mẹ với nụ cười thật trầm lặng và thật bền, anh sẽ ngồi xuống bên Mẹ, sẽ bắt Mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn Mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy Mẹ và để biết rằng Mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay Mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm Mẹ chú ý. Anh hỏi :”Mẹ ơi! Mẹ có biết không?” Mẹ sẽ ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười, vừa hỏi:”Biết gì?”. Vẫn nhìn vào mắt Mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp:”Mẹ có biết là con thương Mẹ không?”. Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi câu ấy, chị cũng hỏi câu ấy, em cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của Mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt. Và ngày mai Mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có Mẹ.
Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó, anh hãy sung sướng đi. * Trang này được xem 4676 lần
Hi … Bạn Tuyết thương …
Cám ơn bạn với bài viết này nhé … Hay lắm bạn thật là can đảm viết ra thật dài, thật nhiều, thật sâu sắc, về bóng dáng Mẹ … Mình thì không … thật khó quá … viết cho cái gì trêu đùa châm chọc quậy phá sao hay thế nhỉ … ??? còn về Mẹ chưa viết mà nước mắt cứ tuôn trào làm sao đây … ??? Đã nhiều năm tôi không còn Mẹ … tôi sống trong sự hụt hẩng khi mất Mẹ trong nhiều năm liền … Mình thật nhạy cảm về tình mẹ trong mình … Ca ngợi ư … thổn thức à … không nó thật sự trống vắng … không phải trống vắng vì không biết tỏ rỏ thế nào mà vì tất cả các từ để ca thán lên tấm lòng của Mẹ bao dung khoan hồng nâng đở đùm bọc cho chúng con … còn viết về Mẹ với mình nó như ứa nghẹn nơi cổ họng mình không tuôn được lời nào … Làm sao bây giờ khi con hiểu và biết trên đời này không gì sánh được với Mẹ tôi và củng không có từ nào nói hết tấm lòng của mẹ hy sinh che chở cho con … Biết rằng thương cảm không thể nào níu kéo Mẹ tôi lại đươc … Qui luật tạo hoá luôn là như vậy không nhân nhượng cho bất cứ sinh vật nào đang sinh sống trên trái đất này … Mẹ tôi luôn ở trong tim và khối óc tôi thôi …
Vì mình không còn Mẹ nên nhửng ngày này thật rất buồn …
bài thơ cho nhửng ai cùng cảnh ngộ như mình nhé …
Ngày vui đến mẹ đã không còn
Khiến thắt lòng đau của chúng con
Bỏ lại dương gian nhiều ước nguyện
Ra đi bổn phận đã vuông tròn
Vô thường chẳng đợi vì ai hết
Hết số buông xuôi nhẹ héo hon
Mẹ nghỉ yên con nay đã lớn
Vinh quang hiến tặng mẹ yên lòng …
Và bài thơ cho nhửng ai còn vui sướng ở bên Mẹ …
Cuộc sống bao trùm vất vả luôn
Con còn có Mẹ sớm chiều nuông
Lo toan cuộc sống không quên Mẹ
Phụng dưởng thăm nom nước kính dâng
Có Mẹ còn Cha đời quá sướng
Không Cha mất Mẹ thấy u buồn
Vui thay thấy đấng sinh thành ấy
Khỏe mạnh cho con chúc phúc còn ….
NTKH CT5
Vài câu st cho ngày Mẹ …
Con dù lớn vẩn là con của Mẹ
Đi hết đời lòng Mẹ vẩn theo con
Nếu mà có thể tôi xin đời
Đổi cả thiên thu lấy tiếng Mẹ cười …
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha
Chỉ còn ít hôm nữa đến ngày Lễ Vu Lan. Xin chia sẻ tâm tình dành cho Mẹ đến tất cả các bạn…để cùng nhớ về người Mẹ thân thương của chính mỗi người…Cũng như chúc phúc đến những ai còn có Mẹ.
Nhân ngày này, xin đốt nén nhang lòng, thành kính tưởng niệm các bác, chia sẻ sự mất mát tình mẫu tử của quý anh và các bạn hữu. Đặc biệt gởi đến bạn Phạm Đức Hiếu. Người bạn đã nhìn Mẹ ra đi trong tháng 5 vừa qua.
MẸ ƠI !
Đêm đêm con thắp đèn Trời
Cầu xin cho Mẹ sống đời với con
( Ca dao VN )
***
Mẹ già sức mỏi , hơi mòn
Làm sao sống mãi với con mà cầu
Đời Mẹ khổ đến bạc đầu
Thăm con lặn lội đâu đâu cũng tìm
Đứa tù cải tạo triền miên
Đứa thì can tội vượt biên … cũng tù
Gói đường Mẹ sớt làm tư
” Mỗi thằng một chút ! ” Mẹ cười hom hem
” Tù tội thiếu thốn con thèm
Ráng ăn cho đủ , chấm kèm với khoai ! ”
Ôm con , nước mắt lăn dài
Run run Mẹ bước ra ngoài trại giam ….
Giờ đây Mẹ bỏ dương gian
Niết bàn Mẹ đến , bình an vĩnh hằng
Mẹ đi , rũ sạch bụi trần
Bao nhiêu cay đắng , nhọc nhằn , Mẹ ơi !
Âm dương hai cõi , hai nơi
Nguyện cầu một kiếp luân hồi lai sinh
Nén hương gởi trọn hiếu tình
Nhìn di ảnh thấy hiển linh Mẹ về
Mẹ ơi ….
Ngày Giỗ đầu của Mẹ
( SAIGON 1997 )
LH
Cảm ơn Tuyết đã viết lên xúc cảm thiêng liêng đó của mình một cách nhẹ nhàng nhưng đậm đà, sâu lắng qua thời gian. Bài viết dài vì đó là một cuộc hành trình dài mà Tuyết đã mang theo hình bóng của Mẹ. Mẹ là tất cả những gì chúng ta thấy có được để nhìn lên, để sống và vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc đời. Cũng như bao người khác tôi rưng rưng mỗi lần nghe bài Bông Hồng Cài Áo. Lễ Vu Lan, khác với Mother Day, nhắc nhở tôi bổn phận phải có với người Mẹ mà tôi may mắn vẫn còn. Với các bạn không được may mắn như tôi, xin được đốt nén nhang thành kính và xin chia sẻ sự mất mát của các bạn.
” Bông hồng cài áo ” và ” Lòng mẹ ” là hai bài hát duy nhất mà ba tôi dạy cho chúng tôi khi xưa . Có lẽ ba tôi đã cố tình làm điều đó đễ ghi nhận công ơn cũa mẹ tôi đã nuôi chúng tôi ăn học trong thời gian ba tôi bị tù vì các hoạt động chính trị khi người đang dạy trường Kỷ Thuật Cao Thắng năm 1961 .
Cách đây hơn 10 năm chúng tôi đã cùng nhau hát bài Bông Hồng Cài Áo bên giường bệnh cũa mẹ mình . Vì ý thức được rằng đây là lần cuối cùng hát cho mẹ mình nghe nên chúng tôi ai nấy đều nghẹn ngào và ràn rụa nước mắt nhưng cũng cố hát cho hết bài . Vài giờ sau mẹ tôi lìa trần ……Từ đó về sau, bài hát này như là thánh ca đối với tôi, tôi chỉ hát nó khi mình có cãm xúc thật sự mà thôi .
Chào bạn Từ thị Tuyết, chào các bạn ,
Trên trang Caothang76 tôi có viết bài NHỚ TIẾNG HÁT RU từ cảm xúc nhớ mẹ . Mẹ tôi là một phụ nữ lam lũ với nghề Nông, sống ở thôn quê trung du heo hút miền trung, ngày hai buổi ra đồng làm ruộng, bắt cá hái rau như phần lớn phụ nữ trong làng . Tôi sinh ra lớn lên nhờ dòng sửa và tiếng ru ngọt ngào của mẹ, thuở nhỏ lớp tuổi tôi ở quê làm gì có sữa bú để tăng trưởng chiều cao, trí thông minh như trẻ con bây giờ, nhưng mẹ vẫn nuôi tôi khôn lớn có được trí não và hình hài như ngày hôm nay . Được như vậy đến cử cho con bú, mẹ từ ngoài đồng vội về cho tôi bú, rồi bằng tiếng ru ngọt ngào cho tôi say giấc,mẹ lại tiếp tục ra đồng , khi tôi lớn biết ăn thì cơm trắng miếng nạc là phần con, cơm độn miếng xương là phần mẹ.
Mẹ tôi mất đã bảy năm, hai năm cuối đời biết mẹ tôi không qua khỏi ngày nào tôi cũng sắp xếp về bên mẹ, nhưng bây giờ tôi vẫn nuối tiếc sao lúc mẹ còn sống tôi dành thời gian gần người ít quá . Tôi thường làm thơ lục bát bởi sự gần gũi thân quen như tiếng ru của mẹ , và cách đây mấy ngày tôi viết bằng cảm xúc nhớ lại tuổi thơ bên mẹ :
Câu thơ lục bát quê hương,
Ru con mẹ hát con thường lắng nghe .
Nhớ sao những buổi trưa hè,
Tiếng ru hòa với tiếng ve ngọt ngào .
Bây giờ tìm lại nơi mô,
Tiếng ru của mẹ thuở nào mẹ ơi !
Cưới vợ tôi về ở với má, tôi gọi má vợ bằng má, má tôi mất đã mười năm . tôi ở với má tôi hai hai năm, mười năm đầu lam lũ với ruộng vườn nuôi cả nhà, mười năm kế là người quản gia kiêm bảo mẫu chăm cùng vợ chồng tôi chăm sóc bốn đứa con tôi khôn lớn, sống với vợ chồng tôi bằng tấm lòng thương con cháu vô bờ bến . Chỉ hai năm cuối đời má tôi yếu cần sự chăm sóc của vợ chồng tôi, nhưng má tôi luôn ray rức làm phiền con cháu mà người quên mất hai mươi năm tần tảo lo cho vợ chồng tôi .
Tôi chứng kiến một chị mua ve chai vào quán gần nhà tôi mua hai ngàn nước mía người ta không bán, bởi bây giờ ít cũng phải bốn ngàn, chị xin ca nước máy để uống, sau đó chị lại bỏ ra gần trăm ngàn mua họp sửa bột cho con . Tôi hỏi: Bộ con chị còn bú hả, sao không cho bú sửa mẹ vừa tốt vừa đỡ tốn tiền ? chị trả lời : Không con cháu học lớp hai rồi, nhưng sợ nó thiếu chất mua sữa cho cháu uống thêm . Câu trã lời làm tôi xúc động, trừ những trường hợp cá biệt, còn lại tấm lòng người mẹ là thế , thương con vô bờ bến nhiều lúc quên cả bản thân .
Nhiều lúc một mình nghĩ về hai người mẹ, tôi nhớ đến nao lòng và một lần như vậy tôi đã viết với hai dòng nước mắt :
Nhớ mẹ nhiều lắm mẹ ơi !
Đêm nằn thức giấc lệ rơi khóc thầm .
Mẹ đi vào cõi xa xăm,
Nhưng con vẫn ngỡ mẹ còn nằm đây.
Công ơn của mẹ cao dày,
Làm sao con trả được đây hởi trời .
Làm ơn trả mẹ cho tôi ,
Để tôi nhìn lại mặt người chút thôi !
Đồng cảm với bạn Tuyết , có vài dòng chia xẻ cùng các bạn về tấm lòng người mẹ, và dâng lên hương hồn hai người mẹ kính yêu của tôi
Đã đến mùa vu lan các bạn viết bài chia sẻ về tình mẹ .Tôi đọc bài viết của anh Đình Hầu lòng xúc động khôn nguôi !.Tôi may mắn còn mẹ .Đọc bài viết của anh tôi nguyện cố gắng hơn nữa để làm vui lòng mẹ ! Cảm ơn các bạn nhiều lắm !
Các bạn thân mến!
Đọc qua bài viết và sưu tầm của Tuyết về ngày lễ Vu Lan, hẳn trong chúng ta cũng cảm nhận được tình cảm thiên liêng của người Mẹ đã dành cho chúng ta thật là bao la vô bờ và vô bến.
Qua sự diễn đạt bằng ngòi bút chân thành của Tuyết, cũng đã nói lên được sự ra đi của người Mẹ và những ý nghĩ về tình thương yêu, bóng dáng của người Me cộng với những âm thanh ngọt ngào vẫn còn vang vọng như ngày nào.
Những vần thơ của K. Hoa, Anh Thế Hiệp, Anh Hầu va Anh V.Hiếu cũng đã diển tả cho chúng ta thấy được sự mất mát và tình yêu thương rộng lớn của Mẹ dành cho chùng ta. Sự chan hòa trong tình cảm dành cho hai Mẹ, Mẹ của người con trai và Mẹ của người con rể.
Có lẽ trên thế gian này không có một thứ gì có thể thay thế được, bằng tình thương yêu của người Mẹ dành cho những đứa con của mình. Hẳn tất cả chúng ta cũng đồng ý rằng không có người Me nào sanh ra ta lần thứ hai.
Đặc biệt cảm ơn V.Hiếu đã viết tặng mình bài thơ Mẹ Ơi .
Phong trào cài hoa hồng để tưởng niệm công ơn mẹ xuất hiện sau khi Thiền sư Nhất Hạnh viết đoản văn Bông hồng cài áo năm 1962. Đoản văn ấy được các đệ tử, sinh viên Phật tử cùng các tạp chí Phật giáo lưu truyền và in ra nhiều bản, dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó có Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nga, Thái Lan và Lào. Một số các chùa bắt đầu tổ chức lễ Bông hồng cài áo và từ đó, lễ này trở thành một truyền thống.
Lễ Bông hồng cài áo không những để vinh danh người mẹ mà còn để tưởng nhớ những người cha. Mỗi người được cài hai bông hồng, một dành cho mẹ và một dành cho cha. Bông hoa của cha nằm hơi cao lên một chút để phân biệt với hoa cho mẹ.
Hoa hồng được cài lên áo trong ngày lễ Vu lan không phải hoa hồng nào cũng đỏ thắm mà cũng có những đóa hồng trắng hay vàng nhạt trên ngực áo những người đi lễ chùa. Hoa hồng được cài lên áo những người đàn ông, những người đàn bà, những cô thiếu nữ, những thanh niên và cả cho những em bé. Đặc biệt các sư thầy được cài hoa hồng màu vàng.
Hoa hồng của ngày Vu Lan là hoa hồng cho tất cả mọi người vì ai cũng có mẹ. Có những giọt nước mắt của người có hoa cài trên áo, ta không thể biết đó là những giọt nước mắt vui hay buồn, hạnh phúc, hối tiếc hay tủi thân nếu ta không biết phân biệt ý nghiã tượng trưng cuả màu hoa trên áo.
Ngày Vu Lan, không ít màu hoa trắng quanh quẩn đâu đấy, những khuôn mặt đượm buồn, những giọt nước mắt khóc than…Xót thương cho ai không còn Mẹ. Từ trong tâm thức tất cả đều cầu chúc Mẹ được an lành, cầu chúc đôi mắt Mẹ không còn vương sầu, cầu chúc màu hồng trên áo sẽ mãi là màu hồng. Cầu mong 365 ngày trong năm ngày nào cũng là ngày Vu Lan của những ai đang còn có Mẹ.
Mỗi người có những suy nghĩ và cách thể hiện riêng về việc báo hiếu. Tuy nhiên, việc báo hiếu, nhớ về cội nguồn tổ tiên cần nhất là ở trong thâm tâm mỗi người . Điều quan trọng nhất là thể hiện được tấm lòng chân thật của mình đối với cha mẹ, tổ tiên, người đã khuất cũng như còn sống.
Đừng bao giờ chờ đợi đến lễ Vu Lan mới báo hiếu, mà mỗi giây, mỗi phút hay mỗi ngày đều có thể là ngày lễ Vu Lan báo hiếu Cha Mẹ cuã bất cứ một ai.
Hạnh phúc nhất cho những người còn Mẹ, đừng chờ đến khi một ngày nào đó ta chỉ nhớ Mẹ và nhìn thấy hình dáng Mẹ trong giấc mơ, hãy cùng nhau dâng nén nhang báo hiếu dành cho những người Mẹ không còn hiện diện trên đời nầy.
Mùa Vu Lan sắp đến, mùa của rộn ràng tình yêu thương dành cho Mẹ, mùa của tri ân xum vầy và là ngày báo hiếu cho Mẹ .
Chúc các bạn sẽ có một ngày thật ý nghĩa dành cho Mẹ.
Nhân dịp lễ Vu Lan mời các bạn hãy lắng nghe bài thuyết giảng:
Bóng Mây do ĐĐ Thích Thiện Thuận trình bày.
http://youtu.be/5CglL8RCukg
Cám ơn
Nhân dịp lễ Vu Lan mời các bạn hãy lắng nghe bài thuyết giảng:
Gia tài của Mẹ do ĐĐ Thích Thiện Thuận trình bày.
http://youtu.be/lJVKwTB-vQY
Một cuối tuần vui vẻ.
Cha mẹ nuôi con không tính ngày tính tháng,
Con nuôi cha mẹ đừng tính tháng tính ngày.
Có lẽ bất cứ những người con hiếu thảo người Việt chúng ta, luôn luôn khắc ghi vào tâm và trong tim hai câu trên!
Lễ VU LAN đã mang một ý nghĩa thật to lớn đối vơí người Việt Nam chúng ta, Vu Lan là ngày báo hiếu dành cho cha mẹ, đồng thời còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn, là biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy hiền hòa và chất phác của người Việt Nam.
Cha Mẹ là đấng sinh thành ra ta,,là người đã tạo ra ta và đã tốn bao nhiêu công sức nuôi nấng dạy dỗ chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta từ trong trứng nước, chin tháng mang nặng đẻ đau, nuôi chúng ta cho đến ngày ta khôn lớn. Hơn nữa là còn phải lo cho con của chúng ta cho đến hết cuộc đời của họ.
Tình cha mẹ thương con bao giờ cũng rất thiêng liêng và sâu đậm. Điều nầy đã được thể hiện rõ ràng hơn qua những nỗi lòng chất chưá , thể hiện qua các bài viết và bài thơ cuả: T.Tuyết, K.Hoa, T.Hiệp, ĐHầu và N.Hiếu.
Chúng ta là những người rất may mắn và hạnh phúc nhất, vì hằng ngày vẩn được goị hai chử Mẹ và Cha. Có những đưá trẻ sanh ra không hề biết Mẹ và Cha là ai. Được nuôi nấng và lớn lên trong những viện mồ côi hoặc được sự chăm sóc bằng bàn tay thương yêu cuả các Sơ hoặc các Sư. Suốt cuộc đời cuả những bé vô phước ấy chăng bao giờ được gọi hai chử thiêng liêng Mẹ và Cha.
Những ai còn Cha Mẹ, hãy yêu qúi Cha Mẹ mình hơn nữa, hãy trân trọng và giữ gìn những gì mình đang có từ tình cảm thiêng liêng nầy.
Những ai đã từng vô tình không biết qúi trọng Cha Mẹ mình, hãy sưả sai ngay từ hôm nay. Bởi lẽ có thể ngày mai bạn sẽ hối hận về những việc làm ngày hôm nay
Ngày lễ Vu Lan không phải là ngày để mọi người chỉ nhớ đến như bao ngày lễ khác. Vu Lan như là một tấm gương soi sáng cho mọi người có dịp để tư nhìn lại mình, trách nhiệm và bổn phận đạo làm con, đồng thời tôn vinh sự hiếu hạnh của đạo làm người.
Thời gian gần đây biết bao nhiêu bậc Cha Mẹ nữa khóc nữa cười. Nhất là các đấng sanh thành đang sống chung với các đứa con trai và đưá con gaí ở các nước Tây Phương. Sự đối nghịch văn hoá và sự hoà nhập vào xã hội mới, có thể làm cho thế hệ cuả chúng ta đã quên đi ý nghiã thiêng liêng cuả ngay lễ Vu Lan.
Người Tây phương cũng có ngày mẹ – “Mother’s day”. Chúng ta trân trọng ngày truyền thống cao đẹp ấy của họ. Tuy vậy, dù nó mang một giá trị ý nghĩa nào đó thì cũng không thể so sánh với ngày lễ Vu Lan. Vu Lan của người Việt Nam có một giá trị bề dày lịch sử, được hình thành trên tinh thần Từ bi của Phật giáo và tính nhân hậu bình dị đầy tình người của dân tộc Việt Nam. Tinh thần của ngày lễ Vu-lan, có thể nói, là một triết lý sống đầy nhân tính.
Ngày lễ Vu Lan như là một tấm gương sáng cho mọi người Việt Nam, chúng ta có dịp soi lại mình và đồng thời tôn vinh sự hiếu hạnh của đạo làm người.
Ngày lễ Vu Lan cuả VN hội đủ mọi điều kiện cả về nội dung và ý nghĩa, xứng đáng là ngày cho mọi người hướng về cội nguồn và là ngày baó hiếu dành cho Cha Mẹ.
Có hiếu với cha mẹ không có nghĩa cần phải có mâm cao cổ đầy, sơn hào hải vị dâng lên mà hãy dâng lên bằng cả một trái tim chân thật. Chỉ cần một tấm lòng kình yêu, trân trọng, nghĩa là chúng ta hãy sống sao để trong không hổ với lương tâm.
Đừng vì những tham vọng cá nhân, cộng với những suy nghĩ hẹp hòi ích kỷ và cũng đừng nên mãi vùi đầu trong lợi danh mà thờ ơ thiếu sót bổn phận của một người con, và đừng bao giờ để đến lúc mất cha mẹ rồi mới ngồi đó mà hối hận, mà nuối tiếc, mà hoài vọng, mà ước mơ…
Ngày lễ Vu Lan là ngaỳ Báo Hiếu, ngày cuả Mẹ truyền thống và thiêng liêng cao đẹp cuả những đưá con hiếu thảo. Và sẽ luôn luôn tồn tại maĩ mãi trong tâm hồn những người Việt Nam chúng ta.
Lễ Vu Lan năm 2012.
Đọc bài viết của Anh Hiếu mà mình chạnh lòng. Bài viết thật thâm sâu và đầy ý nghĩa đã nhắc nhở chúng ta quay về với cuội nguồn của dân tộc Việt Nam, luôn luôn nghĩ đến đấng sinh thành là Mẹ và Cha.
Chín tháng cưu mang
Ba năm bú móm.
Nằm phía ướt, con nằm phía ráo.
Ôi tình Mẹ bao la như biển cả , sự hy sinh vô bờ bến khi có gì sánh bằng.
Hy vọng sẽ chia sẽ nỗi buồn cho bạn nào mất Mẹ và trân trọng cho nhửng bạn
nào còn Mẹ. ( Mẹ lúc nào cũng là dòng suối ngọt ngào).
Vu Lan 2012.
kính
HoaLam ơi.
Cám ơn lời khen tặng của HoaLam nhé, giá chi ở gần nhà thì mời HL đi uống sinh tố ngay.
Lời văn của HL củng nhẹ nhàng và hay lắm…Thôi thì HL dành ra chút ít thời gian, viết và tham gia vào trang web của chs CT chúng ta, giúp cho trang web ktctuc ngày càng thêm phong phú.
Một ngày vui vẻ nhé.