
Tuổi thơ hiếu động
Thời gian cứ như vậy mà trôi qua cho đến năm cuối lớp nhất . Tôi lại phải đứng trước sự chọn lựa quan trọng là thi vào trường trung học nào. Thật ra sự chọn lựa cũng không phải của tôi mà là của ba mẹ tôi. Với thành tích sáng chói về…..làm biếng của tôi khiến cho ba mẹ tôi không hề an tâm chút nào cả. Ba người chị tôi đã vô Gia Long, hai người anh thì vô Pétrus Ký, đương nhiên tôi cũng khoái vô Pétrus Ký cho oai với hàng xóm nhưng………
Thuở đó người ta cho là trường công mới dạy giỏi, còn trường tư thì dạy không hay bằng. Sau này tôi mới hiểu nguyên do là vì đầu vào của trường công là thi tuyển nên những đứa giỏi đã được chọn, số còn lại đành phải học trường tư. Với bậc học trung học thì chỉ cần siêng năng là đủ để giỏi trong khi những đứa siêng phần lớn đã được các trường công lập vớt hết cả rồi. Phải công bằng mà nói các trường tư như Hưng Đạo, Kiến Thiết, Phan sào Nam v.v…. có rất nhiều giáo sư giỏi, một số học sinh trường tư cũng học rất giỏi, chỉ là nhiều học sinh không chịu học và vô kỷ luật nên trường tư bị mang tiếng như vậy.
Các trường công nổi tiếng thời đó thì nữ trung học có Gia Long, Trưng Vương, Nguyễn bá Tòng (nay là Bùi thị Xuân), Lê văn Duyệt, Mạc đĩnh Chi. Nam trung học thì có Pétrus Ký, Chu văn An, Võ trường Toản v.v…..
Để chuẩn bị cho cuộc thi tuyển đó, tôi cũng phải học luyện thi như mọi người. Lần này cũng là người quen của ba mẹ tôi, đó là cô Tư Hạnh, là người nổi tiếng về dạy luyện thi với tỉ lệ đậu vào trường công đến hơn 90% và cũng nổi tiếng là người nghiêm khắc và đánh đòn ác liệt. Để đạt được tỉ lệ như vậy thì không phải ai cũng được cho vào học mà phải qua cuộc kiểm tra rồi mới chọn hoặc phải là người quen. Một lần nữa tôi là loại thứ hai.
Vô học lớp này rồi mới hiểu thế nào là quân pháp bất vị thân, nghĩa là tôi cũng bị đòn te tua, tuy chỉ có hai lần bằng roi mây thôi nhưng dấu tích hiện nay vẫn còn là vết thẹo phía sau bắp đùi phải của tôi. Không hiểu sao mà lần đó bị tím bầm rồi thành thẹo lúc nào không hay chứ không bị chảy máu gì cả.
Qua khổ luyện như vậy thế mà cuối cùng tôi đã không chiếm được mục tiêu, bởi đơn giản là vì tôi đã không được ra trận thì làm sao có chiến thắng. Lý do như sau:
Trường tiểu học Hùng Vương vừa được nâng lên thành trung học và được xây dựng mới với 3 dãy lầu khang trang nhất Sài Gòn. Vì vừa xây dựng xong nên năm đầu tiên không thi tuyển mà chỉ tuyển con em của giáo viên và có lẽ con em một số thân hào nhân sĩ gì đó. Đến năm thứ hai lại được Bộ Giáo Dục ưu ái cho phép thi tuyển mà lại thi sớm hơn các trường khác. Đặc biệt là thi trắc nghiệm chứ không phải thi viết như bình thường (có lẽ đây là chương trình thử nghiệm về thi trắc nghiệm). Ngày tập trung các học sinh thi đậu kỳ thi trắc nghiệm này là ngày đóng tiền niên liễm (hình như là 4500 đồng, một số tiền khá lớn lúc bấy giờ). Ngày đó cũng là ngày mà các trường trung học khác như Pétrus Ký, Gia Long…tổ chức thi tuyển. Học sinh nào vắng mặt ngày đó coi như tự ý bỏ học.
Tôi còn nhớ kỳ thi đó có 90 câu trắc nghiệm cho tất cả các môn. Sau khi thi xong thì ba mẹ tôi phân công cho chị lớn của tôi hỏi xem tôi làm bài ra sao. Trong vòng 2 ngày tôi phải moi óc để nhớ lại các câu hỏi và câu trả lời của mình. Kết quả làm chính tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên là tôi đã nhớ lại đến hơn 60 câu hỏi, sau đó chị tôi nói rằng có lẽ là tôi sẽ đậu.
Quả nhiên tôi đã thật sự thi đậu nhưng với thứ hạng là 118. Ngày tập trung các học sinh thi đậu tôi vừa nao nức, vừa buồn tủi vì ba mẹ tôi sợ tôi không thi nổi vào Pétrus Ký nên không cho tôi bỏ trường Hùng Vương mà bắt buộc tôi vẫn dự buổi tập trung đó.
Hôm đó có rất nhiều phụ huynh đã cầm giấy bác sĩ hoặc bệnh viện chứng nhận là con của họ đang bị bệnh để khỏi tập trung tại trường, thế là họ lại có dịp cho con đi thi vào các trường khác, còn tôi thì đành chấp nhận vì ba mẹ tôi nhất định không chịu chạy chọt như vậy mặc dù gia đình tôi có khá nhiều người quen ở các bệnh viện Sài gòn lúc bấy giờ.
Chiều ngày hôm đó tôi nhận được bài thi tuyển vào trường Pétrus Ký, trước mặt gia đình tôi làm bài ngon lành mà còn dư thời gian nữa, lúc đó ba mẹ tôi cũng có vẽ tiếc nuối, còn tôi thì uất ức. Tuy làm biếng học nhưng đâu có gì ngăn cản tôi mơ ước cao hơn vậy mà không ai dám tin tôi cả. Có lẽ cũng phải thôi vì ngoài làm biếng học tôi chẳng tỏ ra thông minh gì cho cam. Điều an ủi lớn nhất là những ngày kế tiếp tôi chẳng cần phải đi học gì nữa, nếu lỡ đậu vô Pétrus Ký rồi thì biết đâu ba mẹ tôi lại bắt tôi đi học thêm thì bỏ bu!
Khi còn nhỏ tôi có nhiều kiểu xử sự rất là anh hùng rơm. Tôi có người anh lớn hơn tôi một tuổi, trắng trẻo đẹp trai hơn tôi. Nghe mẹ tôi kể khi chúng tôi còn nhỏ, thả cho hai đứa chơi trong nhà, thỉnh thoảng người hàng xóm qua chơi, một lát sau thì người ta ẵm một đứa về nhà họ. Lần nào cũng như lần nào, đứa bơ vơ còn lại luôn luôn là tôi, cũng như đi thăm cô nhi viện thì người ta thích ẳm đứa nào bụ bẫm dễ thương vậy mà.
Hình như hoàn cảnh làm người ta rèn luyện ý chí sao đó nên khi đi ngủ tôi luôn luôn nhường anh tôi nằm bên cạnh mẹ, còn tôi nằm ngoài bìa. Đâu phải tôi không thích nhưng tôi cứ cố gắng như vậy để chứng tỏ mình anh hùng, mặc dù kẽ anh hùng đó cũng bao phen khóc thầm vì buồn tủi.
Lúc nhỏ tôi rất hiếu động nhưng chỉ khi không có người lớn thôi, có một lần khi tôi 5 tuổi, sau khi từ dưới nhà leo lên hết cầu thang, tôi hứng chí nhảy từ trên lầu xuống, kết quả là vừa rơi vừa lăn xuống tới đất, may mắn là không bị gãy chân tay, tôi vẫn không hề khóc mà nghiến răng chịu đựng cho xứng danh anh hùng.
Một lần khác, chị tôi nói chảo mỡ này đang sôi nhưng tôi không tin vì có thấy nó đâu có sôi bùng lên như nước sôi đâu, thế là tôi nhúng ngón tay vào thử, cũng may là chỉ một ngón chứ nếu cả bàn tay chắc là thê thảm lắm.
Năm tôi lên 10 tuổi, một lần vô tình bị xe đạp cán ngang qua chân, tôi không hề cảm thấy đau đớn gì cã, thế là tôi thử cho xe mobilette cán qua, vẫn chưa phải là đau lắm. Cuối cùng tôi chờ dịp để thử cho xe taxi cán, lần này phải nói là đau thấu trời xanh nhưng có lẽ khi đó tôi có mang dép và chỉ cán qua ngón chân thôi và vì còn nhỏ nên xương còn dẻo nên chẳng bị sao cả. Sau này tôi cứ nghĩ lại trường hợp đó mà giật mình vì mình quá may mắn, chỉ đi cà nhắc chừng một buổi là hết đau.
Lần đánh lộn đầu tiên là khi tôi 8 tuổi, khi đó tôi và anh tôi đi từ nhà ra đầu hẻm thì gặp thằng nhóc khác đi ngược lại. Nó cỡ bằng tuổi tôi và được xem là du côn trong xóm. Thật ra vì nó hay trốn học và chưởi thề nên bị cho là du côn chứ cũng không đến nỗi nào. Có lẽ vì nhiều đứa sợ nó nên nó gườm gườm bước chận chúng tôi lại.
Khi đó tôi nói anh tôi đứng qua một bên để tôi và nó đánh tay đôi, hình như tôi bị nhiễm nghĩa khí anh hùng hảo hán trong truyện Tàu sao đó nên mặc dù tôi rất sợ nhưng vẫn nghiến răng xử sự như vậy. Thế là hai đứa xông vào nhau, tôi chẳng còn biết trời trăng mây nước gì, cứ tay đấm chân đá loạn xị ngậu, cho đến khi nghe tiếng hét “trời ơi! làm gì mầy đánh con tao dữ vậy?” khi đó tôi mới ngơ ngác dừng lại.
Lúc này đối thủ của tôi đã bầm dập và mặt mày tái mét. Tôi vì quá sợ nên cứ hùng hục đấm đá hết ga cho đỡ sợ chứ đâu có để ý là chiến trường xảy ra ngay trước cửa nhà nó. Nếu dì Mười là má nó mà không la lên chắc đợi đến khi tôi bớt sợ thì chẳng những phải thay quần áo cho nó mà còn phải thay luôn thằng con khác. Sau trận chiến đó thì nó trở thành đàn em của tôi trong xóm .
Tôi và lũ bạn trong xóm có một trò chơi rất thú vị và hồi hộp là đu xe. Ngày trước xe hơi thường có cái cãng phía sau xe nên rất dễ đu. Chúng tôi chờ có xe chạy vô hẻm là chạy theo nhảy lên ngồi trên đó, vì xe vô hẻm nên chạy khá chậm nên rất thuận lợi. Có lần mẹ tôi sai ra chợ mua hành tiêu tỏi ớt gì đó, tôi rủ theo vài thằng nhóc khác và rình để đu xe. Đối diện chợ Bàn Cờ là cái hẻm khá rộng, thỉnh thoãng cũng có xe hơi chạy ra vô, từ cuối hẻm đu ra tới trước chợ, sau đó lại từ trước chợ đu ngược về. Cứ say mê đu như vậy đến khi nhớ đến việc mua đồ thì đã qua 2 tiếng đồng hồ, thế là bị một trận đòn.
Đôi khi gặp bác tài khó tính thì ổng đạp thắng và nhảy xuống rượt nhưng chúng tôi nhanh như sóc, xe vừa thắng lại chưa kịp mở cửa thì chúng tôi đã chạy mất.
Đi đêm có ngày gặp ma. Lần đó tôi đu nhằm xe cứu thương, tuy trên xe không có người bệnh nhưng bác tài do biết có đứa đu phía sau nên chạy từ hẻm ra rất nhanh, lại còn bóp còi oa oa. Thấy gần ra đến đường cái rồi mà xe không giảm tốc độ lại càng chạy nhanh hơn, tôi hoảng hồn nhảy xuống. Lần đó tôi bị té và cày người trên đường khá nặng đến rách áo và lát phần bụng, ngực, đầu gối và cùi chỏ.
Hôm đó bị cúp điện, tôi về nhà thay áo và dự định tự xức thuốc nhưng bị ba mẹ tôi bắt gặp. Lúc đầu tôi nói là bị té nên trầy đầu gối và cùi chỏ. Đang xức thuốc trên đầu gối thì do áo tôi lất phất nên mẹ tôi biểu vén áo lên để xức cho dễ, thấy tôi ngập ngừng không vén áo thì mẹ tôi sinh nghi, đến chừng kéo áo tôi lên thì mẹ tôi la hoãng lên vì thấy những vết thương lớn trên bụng và ngực tôi. Thế là tôi đành thú tội, từ đó cũng chấm dứt trò chơi nguy hiểm này.
Có một trò chơi cũng kết thúc theo kiểu giống như trò đu xe. Năm 1971 trường tiểu học Phan đình Phùng tiến hành xây mới. Đối với lũ trẻ con chúng tôi thì công trường xây dựng quả là thiên đường để quậy phá.
Chúng tôi leo lên lầu 1 rồi nhảy xuống đống cát thật to bên dưới, dần dần đỡ sợ, tôi leo lên tầng 2 rồi nhãy. Cảm giác rơi trong không trung thật hồi hộp và thống khoái.
Nhìn những đứa lớn 15 – 16 tuổi leo lên tầng thượng nhảy xuống, tôi thấy nể lắm nhưng quả thật là không đủ gan. Đến một ngày thu hết can đảm, tôi cũng leo lên tầng thượng. Một cú nhảy hoàn hảo, khi rơi xuống tôi bỗng cảm thấy như toàn bộ ruột gan phèo phổi của mình thót lên đau nhói, khi rơi xuống tuy cũng khá thốn chân nhưng chẳng sao cả, có điều là bụng tôi đau quặn. Tôi không dám nhảy nữa và hy vọng có thể vài ngày sẽ hết đau, thật không ngờ tuy có giảm đau dần nhưng cơn đau ngầm ngầm ở bụng tôi kéo dài cả mấy năm trời, đến bây giờ tôi cũng không hiểu là bị lồng ruột hay xê dịch bộ phận gì đó trong người.
Tôi còn có lần bị té từ trên cao xuống mà là té cắm đầu, khi đứng dậy tôi cảm thấy cổ mình như bị trặc, chờ bớt đau tôi lúc lắc và gật thử cái cổ, cứ mỗi lần gật cổ như vậy tôi lại thấy dễ chịu hơn. sau hôm đó người nhà thường la rầy tôi tại sao làm gì như có tật vậy. Dĩ nhiên là tôi không dám nói và cố gắng chịu cơn ghiền gật cổ cho đến khi không còn ai xung quanh tôi lại tiếp tục gục gặc cái cổ cho đã. Hơn một năm sau tôi mới bỏ được tật này.
Sau này nhớ lại những pha nguy hiểm thời thơ ấu, chính tôi còn ngạc nhiên sao ngày đó mình liều và lì như vậy. Những pha nguy hiểm đó cho đến khi trưởng thành rồi tôi mới nói cho gia đình biết. Ba mẹ tôi cũng phải lắc đầu cho rằng tôi may mắn.
Kỳ sau: Kỷ niệm sinh hoạt gia đình
* Trang này được xem 4505 lần
Trúc ơi ! Bái Trúc làm sư phụ luôn ,hồi nhỏ sao quậy quá .Vậy là hiểu ….rồi đó chắc chắn hồi nhỏ là trùm bị đòn luôn .May phước quậy vậy mà chưa đổi tướng ,chúc mừng nha hi…..hi….phước lớn mạng lớn ,bởi vậy bây giờ mới được gọi là đại bàng.í…í…quên đại ca
Hihi, anh Trúc nhà mình không những mạng lớn mà còn cứng cáp nữa chị Lan Be ơi, bởi vậy mới có tên Trúc chớ không bị đổi tên thành Bún rồi còn gì.
Trên cả tuyệt vời khi có một tuổi thơ qua ngòi bút quá sống động của anh, nhất là ngay tại Sàigòn, em thấy đa số dân thành phố giữ con nít kín mít bên trong cánh cửa sắt vì sợ con mình bị ….đủ thứ nhưng thật ra cũng làm cho nít bị đánh mất tuổi thơ.
Anh bạn VTrúc ơi!
Thật tuyệt vời, sáng vào làm việc, được đọc truyện ông bạn kể mà tự nhiên mình cười một mình đấy.
Có nhẽ những người chung quanh họ nghĩ Tớ bị ba trợn hôm nay rồi!
Không ngờ Ông bạn có một tuổi thơ thật là anh hùng và đầy bản lảnh.
Mong được đọc thêm bài viết của Ông bạn nhé.
Một ngày vui vẻ.
Anh Trúc có ẩn tướng đại ca ngay từ bé rồi nhỉ! Phải nói là dạo này anh Trúc viết văn gợi cảm thiệt anh Hiệp, anh Hầu về rồi chúng ta chuẩn bị viết truyện tiếp sức nữa chứ các Quỳnh ơi, lần này sẽ cho đại ca khai bút chắc cũng là một câu chuyện tình cảm lâm ly bi đát nữa nhưng thuộc về gia đình hay tình yêu thương gì đó có vậy mới hấp dẫn lôi cuốn hén!
Mình vừa đọc xong bài viết của bạn .Bạn Viết bằng cả tấm chân tình ,không trau chuốt đẻo ghọt nên càng đọc càng bị cuốn hút ,nhiều chổ mình phì cười một mình .Thật thích thú khi đọc hồi ký của bạn về tuổi thơ.Mình nghĩ có lẻ đến 90% là sự thật .Mình chờ các phần tiếp theo của bạn .
Thân ái !
Việt Truc cố gắng viết đến năm 2000 ;những năm gần thì cho qua vì bạn không thể viết chân thực được ,nếu gượng ép sẻ mất hay .
Chúc VT sức khỏe ,hạnh phúc !
Có lẽ tôi sẽ viết tới năm tôi vào học Cao Thắng thôi . Tựa đề là Tuổi Thơ Đi Qua mà viết tới năm hơn 40 tuổi thì là tuổi già mất rồi . Anh Chơn à ! lâu lắm rồi anh em mình không có dịp tranh luận cãi cọ cho vui, không biết anh Hiệp có còn hứng thú nữa không ? Để tôi suy nghĩ đề tài rồi chúng ta tiếp tục nhé ! Thời gian mà chúng ta tranh luận vừa qua là thời gian tôi hứng thú nhất khi tham gia web site này đó
Các anh tranh luận cái gì dễ dễ cho tụi em chen vào khó quá tụi em chen khg được là Thoại vân nổi quạu quăng mìn đó nha haha…
Xuân Lan biết không , khi tranh luận những vấn đề khó hiểu mà ngay chính mình cũng chẳng hiểu gì thì mới chứng tỏ là người hiểu biết thâm sâu chứ . Mỗi lần như vậy Xuân Lan cứ nhào vô nói, nói càng khó hiểu càng tốt, khi đó Xuân Lan sẽ thấy mọi người khác tuy không hiểu nhưng sẽ làm bộ gật gù ra vẽ tỏ tường những gì Xuân Lan nói, rồi sau đó họ lại thốt lên những lời lẽ cao thâm mạc trắc mà Xuân Lan cũng chẳng biết họ muốn nói gì . Khi đó coi như Xuân Lan đã thành công trong cuộc tranh luận của trí thức……dõm rồi he he he …….
Chứ khg phải người ta hỏi em “ở trển xuống hay ở dưới lên” sao nói gì khg hiểu? hả anh Trúc.
PA à coi chừng hai đứa mình mắc bẩy anh Trúc đó. Bí quá thì chị em mình nói “tui nói tui còn khg hiểu huống chi các anh hả!” haha…
Đại ca à em là đệ tử của anh đó nha! Nếu có ai hỏi em “đứa nào dạy mầy như vậy?” thì em nói “đứa đại ca” được không? hehe…má em hay hỏi vậy lắm, em nhớ hoài câu này mà!
Chị XL ơi, cách anh Việt Trúc chỉ coi bộ hay đó. 2013 chị qua đây đi rồi chị em mình đi thử nghiệm nha. Hai chị em mình người tung kẻ hứng, cứ nói búa xua (chữ này mới học từ cô bạn), tha hồ vẽ rồng vẽ rắn chị nha.
Nhân nói về việc tranh luận mình xin kể các bạn mẩu chuyện vui :
Trong đại hội quần hùng của các loài vật .Giờ giải lao chú khỉ lên sân khấu kể một câu chuyện rất ý vị và hay ,mọi loài vật đều cười nghiêng ngã chỉ trừ anh BÒ VÀNG vẩn lim dim không hề cười .Hôm sau cũng giờ giải lao anh vịt cồ lại lên kể một câu chuyện vui ,nhưng chả vui tí nào ,rất nhạt nhẻo nữa ;hội trường chả con vật nào mở miệng chỉ riêng anh BÒ VÀNG cười lăn cười lóc . Chờ anh bò cười xong MC mới hỏi anh Bò lý do tại sao hôm qua chuyện hay lại ngồi im ,hôm nay chuyện lạt lẻo thế lại cười dữ vậy!
Anh Bò thủng thẳng trả lời :-Tôi cười câu chuyện của anh khỉ kể hôm qua đấy chứ ,còn chuyện hôm nay tôi đâu đã nghĩ ra !Từ đó chết danh câu NGU NHƯ BÒ.
Tuổi thơ của anh Trúc hiếu động dữ hén…hồi xưa mà ở gần nhà là mua cho phụ huynh của anh Trúc vài cây roi mây rồi…
Luc nho anh cung nghich pha qua chung , em doc ma kg nin cuoi duoc , luc nho em cung quay lam do , nhung co le phai ton anh lam ” su phu ” hay co le em la con gai nen quay it hon