Nếu có ai hỏi tôi thích màu gì nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay: màu xanh dương đậm, màu áo xanh Cao Thắng.
Mà phải là màu áo thời tôi đi học, chứ màu áo Cao Thắng bây giờ xanh nhạt, giống màu xanh da trời hơn, tôi không thích.
Tôi biết đến tên trường kỹ thuật Cao Thắng từ năm… tôi học lớp ba.
Số là, cạnh nhà tôi có…”anh hàng xóm”, hơn tôi chỉ tám tuổi thôi nhưng lúc nào cũng như là già lắm vậy, mở miệng ra không hề gọi tôi bằng tên cha mẹ đặt cho tôi, mà chỉ biết gọi tôi là “nhóc con”.
Anh họ Lưu tên Long, học trò Cao Thắng, đi học toàn mặc nguyên bộ quần áo màu xanh.
Mỗi khi gặp tôi, anh thường nói:
“Nhóc con nè, ráng học cho giỏi để thi đậu vào Trưng Vương nhá, anh thưởng”
Dĩ nhiên, được vào Trưng Vương là niềm mơ ước của rất nhiều nữ sinh thời bấy giờ, nhưng tôi vẫn hỏi:
“Tại sao phải vào Trưng Vương mà không vào Cao Thắng giống như anh ?”
Anh uỡn ngực, hất mặt lên rất đáng ghét :
“Bởi vì em là con gái, Cao Thắng chỉ nhận toàn con trai”
Rồi anh nói thêm:
“Với lại, muốn vào Cao Thắng phải thật giỏi toán, nhóc con học…không nổi đâu!”
Đó là lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là kỳ thị giới tính.
Tôi chẳng dư hơi mất thì giờ tranh luận với anh.
Tôi quên nhanh chuyện trường Cao Thắng với màu áo xanh mà ngày đó tôi chưa hề thích, thậm chí còn thấy…ghét vì cái cách “anh hàng xóm” hất mặt tự hào khoe học giỏi như thách thức tôi, rất đáng ghét.
Tôi mơ màng tưởng tượng nếu tôi đậu vào Trưng Vương, sẽ đòi anh thưởng tôi món gì?
Chắc chắn phải là chiếc bút máy hiệu Pilot mà thỉnh thoảng tôi vẫn mượn bà chị tôi, viết thật êm, không cần phải chấm ngòi bút lá tre vào bình mực dễ làm dơ ngón tay cầm bút, rồi lại còn dễ bị vấy mực vào tập nữa.
Không biết có phải vì lời thách thức của anh không mà sau đó tôi bắt đầu chú ý vào môn Toán nhiều hơn.
Hai năm sau, gia đình tôi dọn nhà đi nơi khác.
Chúng tôi mất liên lạc từ đó.
Thời gian trôi qua, biến cố tháng tư đến với tất cả chúng ta.
Hoang mang, lo lắng, sợ sệt hiện rõ trên nét mặt của ba má tôi.
Tương lai mịt mờ, vô định.
Trong một dịp tình cờ đọc báo, tôi thấy tin trường Cao Thắng đang tuyển sinh.
Mà sao lạ, cả nam lẫn nữ đều có thể nộp đơn thi.
Lúc đó, tôi vừa học xong lớp chín Trưng Vương, đang nghỉ hè.
Một thoáng nhớ lời thách thức năm xưa, tôi muốn thử sức mình, nộp đơn đi thi.
Tôi dấu ba má, bạn bè…vì sợ lỡ thi rớt thì ê mặt.
Khi đi thi, tôi không hề nghĩ đến chuyện sẽ học trường mới nếu thi đậu.
Vậy mà rồi tôi đậu. Tôi vui, nhưng không nhiều lắm, mà chỉ thấy hả hê khi nhớ lời khiêu khích của anh hàng xóm năm xưa.
Tôi báo cho mọi người biết tin vui.
Chuyện rắc rối bắt đầu khi tới thời hạn tôi phải làm thủ tục nhập học trường mới, cùng thời gian tôi trở về trường cũ để học tiếp lên lớp mười.
Thời gian này cũng cùng với thời gian xảy ra nhiều chuyện biến động trong xã hội.
Người ta rỉ tai nhau chuyện vượt biên. “Một là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá”.
Rồi chuyện kiểm kê tư sản mại bản, giấy gọi đi vùng kinh tế mới.
Ba tôi có một tiệm may, gần ngã ba đường Hai bà Trưng và Yên Đỗ, cũng bị kiểm kê hai lần.
Mỗi lần, họ “đóng chốt” trong nhà một tuần lễ, đo từng mét vải, đếm từng cuộn chỉ…để sau đó họ mang đi hết, gọi là làm “tang chứng”.
Nhà có 4 bàn máy may hiệu Singer cũng bị “xung” vào hợp tác xã may mặc của phường.
Ba má tôi trở thành công nhân thợ may ăn lương từ hợp tác xã.
Chưa xong, nhà nhận thêm, dồn dập, các “giấy mời đi xây dựng vùng kinh tế mới”.
Cả nhà buồn, lo lắng cùng cực.
Bỗng dưng một ngày, má tôi đi làm về và bào:
“Con à, má nghe cô “cán bộ” trong hợp tác xã nói nếu con học Cao Thắng thì gia đình mình sẽ được tiếp tục ở lại Saigon. Cô ấy bảo chỉ có trường Cao Thắng mới có được “qui chế” này.
Tôi trả lời:
“Không, má ơi. Con thi thử thôi mà. Con không học Cao Thắng đâu. Con thích học Trưng Vương hơn.
Tôi như mang gánh nặng ngàn cân, như thể nếu gia đình phải đi kinh tế mới thì đó là lỗi do tôi vậy.
Ba tôi im lặng. Má tôi ra sức dỗ dành tôi, nào là…, nào là…
Suốt tuần lễ, tôi ăn không ngon ngủ không yên, vì không sao lựa chọn được cho mình ngã rẻ tương lai định mệnh này.
Cuối cùng, tôi đã bị thuyết phục. Tôi chịu không nổi áp lực, nếu vì tôi bỏ qua “cơ hội” này, gia đình tôi sẽ bị mất nhà, đi khai hoang ở nơi gọi là vùng kinh tế mới nào đó mà ai nghe qua cũng sợ.
Má tôi nói đúng, cô “cán bộ” nói dúng. Từ khi nộp cho họ bản sao thẻ học sinh có đóng dấu trường Cao Thắng, gia đình tôi không còn bị “mời gọi” chuyện đi kinh tế mới nữa, mà đuợc tiếp tục ở yên trong căn nhà của mình cho đến khi đi Mỹ sau này.
Thôi thì, tại thời thế thế thời phải thế.
Ngày tôi thông báo với Thầy cô và bạn bè Trưng Vương về quyết định rời trường bỏ lớp một cách tức tưởi này, các bạn đã ôm tôi khóc như mưa.
Năm đầu học Cao Thắng, tôi và vài bạn nữ trong lớp vẫn mặc áo dài trắng đi học.
Sang năm thứ hai, bắt đầu xen kẻ các lớp lý thuyết và thực tập tại các xưởng, chúng tôi mới bắt đầu mặc đồng phục áo xanh.
Từ từ, chúng tôi đi qua khắp các xưởng, từ máy dụng cụ, đến kỹ nghệ sắt, rồi mẫu đúc,… và cả thực tập ngắn hạn tại các xí nghiệp lân cận.
Điểm trung bình hàng tháng của tôi bắt đầu rơi tự do khi cộng thêm vào các điểm xưởng.
Làm sao bọn con gái chúng tôi cạnh tranh lại được con trai cùng lớp ở những bài làm tại xưởng?
Các anh galant vốn sẵn tính trời, không bỏ lỡ cơ hội ra tay giúp các người đẹp, làm các bài tập để đủ điểm sống còn.
Đêm về, tôi bị những cơn ác mộng hành hạ…khi thì “quai” búa tạ, thổi lửa lò rèn…ở phân xưởng kỹ nghệ sắt, lúc thì bị “phoi” từ máy tiện bắn suýt nữa vào mắt, rồi chuyện không siết nổi chiếc “êtô”, đinh ốc…là những chuyện xảy ra gần như ăn cơm bữa.
Tôi vẫn chưa thấy thích màu xanh, mà chỉ cho đây là màu áo tiện lợi khi xuống xưởng thực tập dính đầy dầu mỡ, cho khỏi nhìn thấy dơ, thế thôi.
Mãi đến khi sắp ra trường, bắt đầu làm các đồ án tốt nghiệp, khi đã quen mắt với màu áo mặc đi học mỗi ngày, tôi mới bắt đầu thấy thích màu áo xanh Cao Thắng.
Thế mới biết, người ta thường chỉ biết quý những gì đã mất, hoặc sắp vuột khỏi tầm tay.
Rồi từ lúc nào không rõ, mỗi khi mua sắm, sau khi chọn được kiểu áo ưng ý, đến lúc chọn màu, tôi thường chọn màu xanh dù không cố ý.
Thấm thoát, thời gian cứ trôi…
Đời người biến đổi qua bao thăng trầm của cuộc sống.
Rồi tôi được giới thiệu, tham gia vào nhóm cựu học sinh Cao Thắng tại San Jose, sinh hoạt qua các lần họp mặt, tổ chức các Hội ngộ lớn qui tụ nhiều cựu học sinh Cao Thắng khắp nơi trên thế giới.
Giờ đây, khi được mặc lại màu áo xanh thuở nào, sẽ được đứng cùng các anh chị đồng môn hát vang bài “Hùng ca Cao Thắng” trong ngày Hội ngộ Cao Thắng 2017 tại San Jose sắp tới đây, tôi cảm thấy lòng lâng lâng một niềm vui khó tả.
“Chúng ta là học sinh Cao Thắng, sánh vai nhau chung sức với đời.
“Quyết tâm làm Việt Nam tân tiến, xứng danh là dòng dõi Rồng Tiên”
(Trích hai câu cuối, bài “Hùng ca Cao Thắng” của anh Vũ Duy CT62-69)
Cho nên, bây giờ, nếu một lần nữa được hỏi, tôi thích màu nào nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay là màu xanh, màu xanh Cao Thắng, “ÁO XANH MỘT THUỞ”, của nhiều thế hệ cựu học sinh Cao Thắng chúng tôi.
Viết xong tại San Jose, tháng 5 năm 2017
Ái Liên
Lớp CK75E1
(CT75-79)
* Trang này được xem 2773 lần
Cám ơn Xuân Lan, anh Đạt và Kim Thu đã giới thiệu bài viết “Áo xanh một thuở” trên trang web Kỹ Thuật Cao Thắng Úc Châu.
Mong nhận được ý kiến đóng góp xây dựng từ quý Thầy cô và các anh chị về bài viết.
Kính chúc mọi người luôn bình an và nhiều sức khỏe.
Kính chào,
Ái Liên,
Lớp CK75E1
(CT75-79)
Bài viết hay nhẹ nhàng dễ thương đầy cảm xúc. Thế mới biết vì sao anh em chúng ta yêu thương nhau chắc vì màu xanh kết nối. Phải cám ơn Ái Liên đã tặng trang web Cao Thắng Úc Châu một bài viết Và làm cho mình được sống lại cùng kỷ niệm với nàng. Nhưng cuối cùng vào trường có gặp được anh Long hàng xóm khg? Xlan tò mò để xin thêm một xì to ri nữa, dạo này mọi người chơi face bỏ web hết rồi hic.
Cám ơn Xuân Lan. Ngày Liên vào trường thì anh Long đã ra trường lâu lắm rồi. Một điều chắc chắn là anh không thể nào biết được Liên đã học Cao Thắng, cho đến khi anh đọc bài này.
Đọc bài của Ái Liên Thăng này cùng bà xã cũng thấy vướng vất kỷ niệm áo xanh một thời,tuy ngày ấy áo xanh của Thăng toàn dầu mỡ chứ không được thẳng thớm tinh tươm . Dạo gần đây Thăng này hầu như mất hút không hề lấp ló trên trang web Cao Thắng Úc Châu để cà khịa với các anh chị (nhất là chị Xuân lan ).
Buổi họp mặt Cao Thắng 2017 tại San Jose vừa rồi bọn Thăng cũng trốn biệt,lặn không sủi tăm Đã không giúp gì cho các anh chị về mặt chuẩn bị thì thôi chứ đi dự sự kiện cũng mất tích bóng dáng.
Lí do thì nhiều lắm nhưng chung quy là chưa thoát nợ đời. Con cái nuôi lớn trưởng thành tưởng hai người mình có cơ hội vi vu hưởng nhàn ,dè đâu hết con thì đến cháu ông bà nổi lòng thương dành gom về nuôi ráo trọi….hề hề . Nói thêm là vừa rồi trúng thời gian Cao Thắng Họp Mặt 2017 tại San Jose thì tụi này cũng bị buộc phải họp mặt với một bọn khác tận Vancouver Canada BC. Không thể thoái thác vì mình là nhân vật quan trọng không thể vắng mặt : Đám cưới con gái .
Thế nên tuy biết các anh chị CT sẽ thông cảm không đánh đòn tụi mình,nhưng mình cũng tiện đây lẻo mép trăn trối mong các anh chị San Jose ân xá . Nhất là chị Hương,và Hoài Hương….
p s :Trời ! mới ngĩ tới thôi mà cảm giác teo teo đã len lén xâm chiếm rồi vì tự mình ” có tật giật mình” tuy không ai nói gì cả.
Hôm nay mới biết được lý do vắng mặt trong Hội ngộ Cao Thắng tại San Jose vừa rồi của Thăng và Cúc. Chúc mừng hai bạn có thêm rể thảo. Cám ơn Thăng có nhận xét cho bài viết. Chắc chắn, nếu không bận lo làm xui thì Thăng cũng đã có một hay nhiều bài viết xuất sắc hơn cho tờ bích báo của Hội ngộ vừa qua rồi hén.
Với anh chị em CT thâm tình thì Thăng mới thổ lộ bí mật chứ còn hông ai biết Thăng đã thành …ông ngoại hết trơn á,vì nge ai kêu mình bằng ông thấy kỳ cục wuá.
Ai kêu bằng chú mà mình đã hông ưa rồi ….còn đây lại là ông . Ha ! Nói chớ khi các con mình nhỏ thì mình lại không có nhiều thời gian bên các con vì tất bật xoay trở với cuộc sống mới. Nay mình khá yên vị thì tụi này giành nhau mang con cái của tụi nó về nuôi đền bù tình cảm …
Hẹn gặp tất cả vào dịp họp mặt cuối năm trong tương lai nhá .
ps :A! bà xã nge đâu tháng tám này cũng họ mặt hội hai bà Trưng gì đó,mình là Thi Sách nên không dám đi theo sợ ngắt đầu quay như dế .
Thăng ơi, hỗm rày đã đọc bài của Kim Hương rồi, chỉ có thể nói là cảm động quá đi!
Vậy mà không dám có ý kiến ý cò gì hết á vì tôi cũng có cái cảm giác giống như Thăng: “hơi gung gung….teo teo !!!”
Dũng cảm lên anh Kiệt ơi,chứ như em cứ “gung gung teo teo” giờ thấy lạ nh cẳng quá xá nè . Chắc chỉ còn cách chờ đến kỳ họ mặt tất niên hay tân niên gì đó sắp tới thì mới mong có cơ hội gặp mặt xin đặc xá . hề hề …
Hèn chi chị xem hình kiếm Thăng hoài khg thấy! Thấy thì có cháu về ở chung cực mà vui chứ ba mẹ nó dẫn đi chỗ khác xa xôi ngồi buồn hai ông bà nhìn nhau rồi nhớ, ra vào quạnh hiu lại chán giống anh Việt Trúc đó Thăng ơi. Tuổi tụi mình giờ này còn sức thì ráng giúp tụi nó, mai mốt nằm một chỗ thì vào viện dưỡng lão cuối cùng hết đời, hết nghiệp. Mà chắc làm ông ngoại phải khg? Chứ nếu con trai thì nó chưa có lấy vợ sớm để có con đâu! Chúc 2 ông bà luôn khỏe mạnh để phục vụ cháu nha!
Nhiều cảm xúc lắm Ái Liên. Những gì mình thích hoặc ghét nhất đều khó phai.
Cám ơn lời nhận xét của anh Mão.
Trời lâu lắm rồi mới thấy mặt ông anh này, cám ơn anh Mão đã vào web cho em đỡ quạnh hiu. Thỉnh thoảng vào gỏ vài chữ cho vui với em anh Mão ơi, mọi người chơi Facebook hết rồi mình em giữ chùa vắng quá buồn như ly rượu đầy không có ai cùng cạn.
Chào X-Lan. Bây giờ Tóc đã bạc, Mắt mờ, Răng rụng, Tay chân run rẫy. Chính vì những điều này mà Mão đã rời khỏi Facebook, một xã hội lớn mình theo không kịp.
Mến chúc các bạn luôn vui và tràn đầy sinh lực.
Em đã xem hình lễ tri ân thầy cô gần đây thấy anh Mão còn ngon ngon lắm mà haha anh tả anh mà em tưởng đến ông già 90 ghẹo anh Mão cho vui. Chúc mừng anh rời được Facebook em cũng đã rời mấy lần rồi lại quay trở lại, thật sự Facebook làm em lo sợ đủ điều, làm sao anh cay nghiện được chỉ cho em với lên trang web thì có mình em đi vào rồi lại đi ra bỏ comment nhiều cứ thấy bản mặt mình khg lại ngại. Cám ơn anh Mão đã vào đây đối ẩm với em, mời bác chén chè hạt sen nhé, bác uống nóng hay lạnh mùa này bên Úc đang lạnh uống chè nóng ngon ghê!
Mão nhìn ngon ngon là dễ bị xơi tái lắm làm sao uống Chè được.
Những ai hết ngon ngon là tự động rời khỏi Facebook thôi không cần lo, những ai còn ngon ngon thì cứ tiếp tục vui chơi. Cảm ơn X-Lan đã mời Chè.
Đúng như AL nói: “Tôi vẫn chưa thấy thích màu xanh, mà chỉ cho đây là màu áo tiện lợi khi xuống xưởng thực tập dính đầy dầu mỡ, cho khỏi nhìn thấy dơ, thế thôi.” Năm 1973, lúc tôi mặc đồng phục áo xanh có phù hiệu trường THKT Cao Thắng, có người cho là oai phong, hãnh diện vì đây là trường KT số 1 ở Sài gòn cũng như ở miền nam Việt Nam, nhưng tôi thì không! thú thật là hơi khó chịu vì bị người lớn trong xóm cứ chọc là: “sao thằng này đi học gì mà giống như đi bán ở cây xăng hay làm thợ máy sữa xe quá vậy?”
Sau 1 năm học, nhìn riết rồi cũng quen nhưng vẫn chưa thích được. Chỉ là sau 1975 đi làm thợ tiện thì mới “ngộ” ra rằng: ờ màu xanh đậm thiệt là đúng điệu!
Khi ở Úc được vài năm, thì tôi lại thích chọn áo màu xanh đậm hay đen để mặc vào mùa đông. Và, đôi khi, màu xanh cũng đã gợi lại cho tôi 1 khoãng thời gian không biết để yêu hay để ghét?!?
AL ơi, sau màu xanh này rồi còn có màu nào nữa không? Viết thêm 2 màu nữa đi nhé. Please. :-))
Cám ơn anh Kiệt đã cho nhận xét của anh về màu xanh Cao Thắng, áo xanh một thuở, của tất cả chúng ta và cũng là chủ đề của Hội ngộ vừa rồi. Tiếc là thời gian không nhiều để anh Khưu Tiến Hùng, trưởng ban báo chí Hội ngộ, gửi lời mời các anh chị khắp nơi viết bài cho chủ đề, để chúng ta sẽ được đọc nhiều bài hay hơn về màu áo xanh CT, của các cây viết đã thành danh của Cao Thắng chúng ta như anh Kiệt, anh Hiếu, anh Việt Trúc, Kim Thu, Xuân Lan hay Tuyết Từ…chẳng hạn.
Liên đang chờ đọc bài anh Kiệt viết về hai màu khác sau màu xanh đây.
Anh Kiệt chờ Ái Liên viết, Ái Liên chờ a Kiệt thì chừng nào mọi người có bài đọc đây ta? Hỏng ấy a Kiệt viết trước bài “Màu nho rượu chát” đi a Kiệt ơi cho nó lẹ!
Thế là nữ sĩ A Lìn từ Đài Loan đã chính thức bước vào văn đàn Cao Thắng với nghệ danh Ái Liên, một cái tên hoàn toàn Việt Nam.
Bao nhiêu năm nay vừa năn nỉ, vừa xúi giục, vừa đe doạ đễ nàng vung vẩy ngòi bút cho web ktctuc thêm phần rôm rã nhưng nàng không hề đoái hoài …..thế mà bỗng nhiên vào một ngày chả lấy gì làm đẹp trời nàng đã bất ngờ phang xuống cho chúng ta một bài viết nhiều cảm xúc của một thời trẻ trung nhiều kỹ niệm.
Mỗi người có một lý do riêng đễ đến với ngôi trường kỷ thuật này. Với nhiều người thì đó là những lý do hay ho và cao cả và đẹp đẽ ác liệt….còn tui thì do làm biếng học chữ lắm rồi.
Thiệt tình thì ban đầu thấy ngành kỷ thuật cũng có vẻ hay ho và bí hiểm. Một cục sắt cứng ngắc mà người ta phù phép như thế nào lại thành các hình thù khác nhau, có vẻ cũng ghê gớm đó chớ ! Nghe nói là trong đó có nhiều máy móc này nọ đễ chế tạo cái nọ cái kia..cũng thấy hơi đã đã nhưng kỳ thật là mình hy vọng học nghề thì chắc đỡ phải học chữ nữa.
Thế là đâm đầu vô rọ. Trời đất ơi ! cuối cùng thì ban ngày đục dũa hộc gạch trong xưỡng trường nóng bức và cũng không hề thiếu vắng các môn toán, lý, hoá, văn, sinh ngữ , chiều về thay vội cái áo trắng đễ đến lớp đêm học cho hết chương trình phổ thông ( vì sợ giờ toán lý hoá của trường không đủ đễ thi tú tài).
Thế đó ! màu áo xanh kỷ thuật đối với tui nghe hổng có sang chảnh chút nào cả….nhưng đó là sự thiệt mừ !
Bây giờ nhớ lại thời đó cũng thấy vui vì nhiều trò tinh nghịch kiểu ma cũ ăn hiếp ma mới. Không phải hiếp đáp bạo lực gì mà chỉ ỷ rằng mình đã biết qua nên chơi khăm các lớp đàn em thôi.
Hôm nào rảnh rổi sẽ kể lại chơi cho vui.
Hơn 40 năm từ ngày rời khỏi mái trường thân thương, không một lần trở lại thăm trường. sau khi đọc bài viết của Ái Liên làm mình rất chạnh lòng với màu áo xanh và hai chử Cao Thắng.
Mỗi người trong chúng ta đều có những lý lẽ riêng cũng như nhìn về mái trường mà mình đã miệt mài hơn năm năm để hoàn tất chương trình học. Mình còn nhớ, niên học từ năm 71 lúc đó trường có ba ban theo học đó là : Ban toán , ban chuyên nghiệp và sinh công, không biết trí nhớ mình còn đúng hay không, ban toán phải mất 5 năm nghiên về văn hóa trong đó môn kỹ nghệ họa khá quan trọng trong suốt năm năm học, còn ban chuyên nghiệp mất ba năm và sinh công cũng vậy, học một ngành nghề chuyên môn suốt thời gian theo học tại trường và học thêm văn hóa.
Con đường đi lên của các học sinh Cao Thắng rất rõ ràng, sau khi hoàn tất chương trình học, các Anh hoàn tất sẽ dự thi Tú Tài đôi kỹ thuật, hoàn toàn khác với Tú Tài đôi phổ thông và sẽ có rất nhiều cơ hội để được vào trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ, nếu mang so sánh với các học sinh học phổ thông muốn trở thành các Kỹ Sư trong tương lai. Còn các Anh chuyên nghiệp và sinh công cũng thế vào trường kỹ thuật Phú Thọ tương lai sẽ trở thành những Cán Sự chuyên môn ngành nghề của các Anh đã theo đuổi suốt thời gian học tại trường Cao Thắng. Chính vì lẽ này mà thời kỳ đó trong cuộc chiến huynh đệ, bất cứ gia đình nào có con trai đang theo học trung học phổ thông đều mong muốn con mình vào được trường Cáo Thắng học bậc trung học để có tương lai.
Những lợi thế mà cha mẹ của các Anh Em học bậc trung học cũng đều nhận thức và thấy rằng :
Lỡ một mai còn mình không đỗ vào được Đai Học, nếu có đi lính thì cũng trở thành một ông Sĩ Quan của quân đội, chăm lo và đặc trách về vấn đề kỹ thuật, đây là dành cho các Anh học ban toán, còn các Anh học ban chuyên nghiệp cũng như sinh công nếu co đi lính thì cũng trở thành một chuyên viên trong các cơ xưởng sửa chữa và bảo trì quân trang, quân dụng của quân đội thời bây giờ.
Bậc Cha Mẹ có con trai trưởng thành trong thời chiến tranh, nếu mà có con được tham gia quân đội mà ở thành phố làm việc trong những bộ tư lệnh vẫn tốt hơn và đỡ phải lo lắng nhiều nếu con mình ra chiến trường để chiến đấu.
Cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc ngày càng leo thang và khốc liệt hơn, biết bao nhiêu những chàng trai trẻ từ giả gia đình thân nhân để làm nghĩa vụ quân dịch. Ngày đi thì có, còn hẹn ngày về thì không. Nếu có về thì thân thể sẽ có thể không còn nguyên vẹn như ngày ra đi, hoặc là bằng chiếc xe nhà binh của quân đội chở về nhà thân nhân với cái hòm phũ lá quốc kỳ. Dù sau vẫn còn mày mắn hơn là có một vị sĩ quan quân đội và vài người lính đến nhà thông báo đã tử trận và trao cho thân nhân những kỷ vật của người thân còn lại, và sau đó hẹn ngày đến văn phòng của quân đội để làm giấy khai tử để lãnh tiền tử trận và một số khoản ưu tiên của chính quyền dành cho.Thật là ngang trái và đau khổ cho những bậc Cha Mẹ đã chín tháng cưu mang và 18 năm lo dạy dỗ, ăn no,mặc đẹp và học hành tử tế, những cảnh tang thương này chúng ta thường thấy xảy ra ở các xóm lao động nghèo trong thành phố.
Sau này vào năm 74 nếu mình nhớ không nhầm, ví nhu cầu đổi mới của trường kỹ thuật, trường chuyển tất cả các học sinh ban chuyên nghiệp qua ban toán và bắt đầu từ đó có sự hiện diện của ban Cải tiến. Học sinh học trường CT lúc đó rất dễ phân biệt, ban toán trên ngực có bản tên màu trắng chử đen (tên và lớp), chuyên nghiệp thi bảng vàng và ban cải tiến thi bảng đỏ.
Cuộc chiến vào những năm 73, 74 ngày càng trở nên ác liệt hơn, lệnh tổng động viên hạ tuổi còn 17 được bang hành. Ôi tình huấn nữa khóc nữa cười cho các Anh đang học lớp 11 bấy giờ, giai đoạn này các Anh nhà mình đều mang tâm trạng buồn và chán cho cuộc đời trại trẻ, thôi thì mạnh ai người nấy lo, hồn ai người ấy giữ.Thời điểm này một số anh đang học lớp 11 ở trường và đồng thời đang học lớp 12 vào ban đêm ở trường phổ thông bên ngoài, rất căng thẳng và lo chuẩn bị ráo riết để luyện thi cố gắng đạt cho bằng được bằng tú tài đôi, để phòng hộ nếu có đi lính thì cũng không leo lên bàn thờ ngồi trước Ông Bà và Cha Mẹ! Một số anh may mắn được sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả và quyền thế, thì với giá trị đồng tiền và quyền lực của gia đình không khó khăn để lo được tờ giấy lộn lưng được gọi là giấy chứng nhận “Động viên tại chỗ” để tránh trường hợp bị khó dễ khi đi đường, được tờ giấy động viên tại chỗ này thì xem như rất an toàn và nó như đã có lá bùa hộ mệnh trong người, số còn lại thấp cổ bé mồn thì đành giao cho định mệnh, họ sống trong những ngày tháng bất cần đời, đôi khi họ nhập bè phái làm những chuyện không ra gì ngoài đường phố để trả thù đời.
Nhưng trời không phụ những người con ưu tú bận áo màu xanh của các trường kỷ thuật, cuộc biểu tình chống đối lệnh hạ tuổi động viên được tiến hành do ban đại diện học sinh trường Cao Thắng tổ chức với sự hậu thuẫn của tất cả các học sinh (phải nói học sinh mang màu áo xanh luôn đoàn kết và quyết tâm). Bên ngoài trước cổng trường và bao quanh khu vực trường có rất nhiều cảnh sát mặc quần áo thường phục và cũng không ít cảnh sát được trang bị đầy đủ dụng cụ để chống biểu tình. Oh, một cuộc đối đầu rất căng thẳng, lúc đó cảnh trường học và sự va chạm giữa hai bên trong giống như một bãi chiến trường không bom đạn, một số anh em học ở trường bị bắt và mang về đồn cảnh sát. Sau nhiều tiếng giằng co và đòi yêu sách nâng tuổi cho học sinh đang theo học trường kỹ thuật. Mọi việc bắt đầu tương đối ổn dinh dần, yêu sách của học sinh kỹ thuật đòi tăng tuổi vi lý do học vấn được cứu xét. Mình nhớ lại chiều đó tình hình bắt đầu lắng dịu dần và các học sinh lần lượt được ban giám hiệu khuyến khích giải tán và trở về nhà nghĩ chờ thông báo, một số Anh bị bắt giam trong cuộc va chạm với cảnh sát được đại diện ban giám hiệu trường đến mang về.
Sau một khoản thời gian không lâu, kết quả không ai ngờ được, học sinh đang theo học trường kỹ thuật được tăng thêm một tuổi vì lý do học vấn. Đôi khi ngẫm nghĩ lại, mình cảm thấy khiếp thật và đầy may mắn cho các Anh Em đang học lớp 11 bấy giờ, trong đó có mình. Nếu không nhờ màu áo xanh trên người mặc đi học hằng ngày của trường kỹ thuật Cao Thắng, thì chắc hẳn có lẽ bây giờ mình không có dịp để viết đôi dòng tâm tình trên trang web này.
Thôi thì mình xin tạm ngưng nhé, nếu các bạn quan tâm và khuyến khích để tiếp nối đề tài Áo Xanh và Kỹ Thuật Cao Thắng, thì lần tới mình sẽ cố gắng tìm lại một số hình ảnh và ký ức vui buồn một thời theo học tại trường Cao Thắng mà hình như nó đã ngủ quên hơn 40 năm nay.
Cảm ơn Ái Liên đã tạo cho mình có có cơ hội để suy nghĩ về màu áo xanh và hai chử Cao Thắng. Cảm ơn các bạn đã đọc, nếu có vài sự ghi nhận không đúng xin mời các bạn hãy nêu lên nhé. Chân thành cảm ơn.
DucHieu (Niên khoá 71-77)
Lời trước tiên là một lời xin lỗi của tớ, vì quá chậm trễ viết tiếp những thăng trầm của trường Cao Thắng trong thời gian mình theo học tại trường. Có lẽ thế hệ Anh Em mình ai cũng đang chuẩn bị cho mình một mảnh vườn nho nhỏ, với vài con thú nuôi vui trong sân vườn và kế hoạch thời gian hưởng thụ thú vui thanh nhàn còn lại của cuộc đời.
Thời gian sau 40 năm không gọi là dài và cũng không phải là ngắn, nhất là một số anh em rời khỏi mái trường thân thương và đi vào ngành nghề không liên quan những gì đã hấp thụ được tại trường suốt thời gian theo học bậc trung học và ngành nghề đã chọn.
Như đoạn trên mình có nói, thế hệ bậc cha mẹ của chúng ta đều mong muốn cho con mình có được một cái bằng Bác Sĩ, Kỹ Sư v.v. Nếu có con gái gã lấy chồng thì cũng mong muốn con rể mình phải là thành phần trên.
Đôi khi mình suy nghĩ ví lý đó gì mà lại như vậy??? Chính vì đây là một khẽ hở của cuộc sống đời thường, nên một số Anh chàng có ý mong lấy được các cô gái quyền quý, đẹp và giàu có thì lại phải chuẩn bị khoác lên mình một cái danh xưng cho oai như là Kỹ Sư. Đây là danh xưng tương đối thông dụng nhất, để rồi một khi bị lộ tẩy là kỹ sư drzom thì bị xóm làng tặng thêm danh xưng cho oai nữa là Kỹ Sư Đào Mỏ (mỏ đây là mỏ vàng của gia đình bên đàn gái, chứ không phải là quặng mỏ). Nên từ đó nhiều gia đình thật sự muốn khoe khoang con mình hoặc rể nhà mình là một ông Kỹ Sư thì đều khá thận trọng hơn.
Mình nhớ cách này cũng gần 30 năm có quen một ông Anh qua một việc thật tình cờ: Anh ấy nhìn được chữ viết của mình qua ông Anh, thì ông ấy đoán là mình là một học sinh xuất thân từ trường kỹ thuật , thi ông Anh nhà mình đã xác định đúng như vậy, ông ấy để lại số phone và nhắn với ông anh : mình hãy nên liên lạc và phone cho ông ấy. Đúng thế mỗi lần phone vào nhà ông ấy, khi không có người nhận thì ông đều nhắn lại trong mấy phone và giới thiệu là: Tôi là KỸ SƯ……………., xin vui lòng để lại số phone và lời nhắn tôi sẽ gọi lại sớm nhất nếu có thể được, cảm ơn. Ngay cả bây giờ thỉnh thoảng mình vào xem một số vlog trên you tube thì một số Anh Chi người mình cũng phải lót thêm một vài danh xưng đọc cho oai ví dụ như: Kỹ Sư……., Kiến Trúc Sư…… Hình như chữ « Sư » nầy có một cái gì đó sao mà quan trọng quá, việc thường nhật thì có gì là quan trọng mà phải kèm thêm như vậy??? Đây là câu hỏi mà mình chưa tìm được câu trả lời thích đáng, giá như trong công việc làm nơi công sở vì sự liên hệ trong công việc thì danh xưng này không gì đáng thắc mắc.
Thôi thì đôi dòng về hai chữ KỸ SƯ để các bạn đọc cho vui. Một tiết lộ nho nhỏ để Anh Chi Em nhà mình đã từng khoác lên người màu áo xanh Kỹ Thuật đáng tự hào với danh xưng : Đa số Anh Em nhà mình lưu lạc xứ người cũng bỏ công miệt mài nơi trường lớp xứ người cũng vì hai chữ « Kỹ Sư » rồi kết quả cũng có bằng Kỹ Sư như ai, nhưng họ ra đường và sống với cuộc song trông rất bình thường và thật là bình thường , họ là những người chẳng cần phải xưng danh cho oai là : KỸ SƯ……….. Hết.
Chào anh bạn già Đức Hiếu ! Thế là anh ấy đã trỡ lại và mạnh mẻ hơn xưa he.he.he…..
Mấy hôm nay tui đã thữ viết trỡ lại nhưng mà khó khăn quá.
Tui đang thữ sáng tác chút chút chứ kể chuyện cũ hoài rồi cũng cạn nguồn không biết kể cái gì bây giờ nhưng sáng tác khó quá. Viết vài câu rồi ngưng không viết tiếp được. Có khi cặm cụi viết một hồi sau đó đọc lại thấy khô khan và nhạt nhẽo quá thế là đành xoá bỏ mà lòng đau như cắt he.he…
Mấy bữa nay mỗi ngày ráng viết mà viết không được nữa trang. Nếu cái đà này chắc đến năm sau mới trình làng “tác phẩm” của mình được.
Trong khi chờ đợi thì tui sẽ tham gia comment và đối thoại với bà con mình cho vui và cũng cho trang web có chút sinh khí chứ im lìm quá cũng buồn.
Anh em bà con mình cùng nhau quậy lên cho thêm sinh khí nghen ! Nào các chiến hữu hãy cùng tui tham gia !
Tui mới cóp được bài thơ này , giờ viết lại cho bà con đọc, đễ cùng nhau suy ngẩm tình bạn của chúng ta
NÓI VỚI BẠN BÈ
Rồi chúng ta cũng sẽ về với đất
Tranh giành chi chuyện tốt xấu hơn thua
Hồn lưu lạc cốt xương rồi sẽ mất
Nhựa còn đâu khi lá đã sang mùa
Rồi có lúc chúng ta cùng ngồi lại
Nhìn rõ nhau đễ nhớ buổi thiếu thời
Hãy làm sao ánh nhìn không e ngại
Cầm tay nhau mà lòng rất thảnh thơi
Rồi có lúc chúng ta buồn vái lạy
Đốt nhang trầm khóc bạn hữu ra đi
Rơi nước mắt lúc xe tang sắp chạy
Sao giờ đây đối xử chẳng ra gì
Rồi có lúc ta trỡ về cát bụi
Nắm tro tàn cô lẻ giữa trần gian
Sao lại vẫn hao tâm ngồi cặm cụi
Viết những lời khiến bằng hữu tan hoang
Rồi tất cả chỉ vòng quay trống rổng
Đến rồi đi quy luật của muôn đời
Sao không sống với những lời thơ mộng
Đễ cuối đời không tiếc cuộc rong chơi
Lâu lắm rồi mới thấy trang nhà mình có lại một chút không khí quay quần bên nhau, nhất là nhìn thấy anh Mão, nhưng mà anh nào cũng nói mình già, yếu, tóc bạc sao lại thế các anh trên này có em nào trẻ đâu mà cứ nhận mình già. Cám ơn bài thơ của anh Trúc đọc mà cứ thấy buồn buồn tiếc nuối… Mà sao anh Trúc cũng có cùng tâm trạng với Xlan vậy cũng viết nhiều lần , nhưng được một đoạn đọc lại cũng thấy khô khan rồi bỏ…hỏng ấy mấy anh em mình trộn chung lại viết mỗi đứa một đoạn ngắn rồi ráp lại lấy ý của nhau chứ bây giờ anh Trúc đã hút thuốc lại cũng chưa lấy được cảm hứng còn anh Hiếu thì sao? Nghe nói anh Hiếu cũng bỏ thuốc lá chắc vậy mà nguồn văn chương cũng trốn luôn hả anh Hiếu, em biết khi xin được bài của AL và đoán chắc được anh Hiếu sẽ có comment vì anh Hiếu và Al từng làm chung ban báo chí ở trường. Em thật sự thường xuyên nhớ bạn bè vào đây khg thấy ai lại buồn, ở trên facebook đọc nhiều thứ cứ bị nhiễm thông tin rồi sợ đủ thứ, mong là trên này anh em mình có vào đây đọc chúng ta cùng viết vài hàng dù chỉ là thăm hỏi nhau được nhìn thấy mọi người em cũng thấy vui lắm.
Cám ơn các anh đã trở lại mạnh mẽ hơn xưa.
Đơn giản tự nhận mình già trước để khỏi bị chê. Còn mạnh mẽ hơn xưa chắc là Đức Hiếu!
Chào bạn Đức Hiếu,
Trí nhớ của bạn còn tốt lắm! Bài viết của bạn rất rõ theo từng thời gian và sự việc gợi lại cho Mão nhiều kỷ niệm xưa. Cảm ơn bạn thật nhiều.
Chào bạn Việt Trúc,
Bài thơ bạn gởi rất hay. Cảm ơn bạn, mến chúc các bạn nhiều sức khoẻ.
Rồi có lúc… Rồi sẽ tới!
Anh Mão ơi, anh có biết tin tức anh Nguyễn Hồng Sơn khg anh? Em thấy từ sau khi mẹ anh Sơn mất Facebook ảnh cũng khg chơi, email em gởi cũng khg thấy trả lời, khg biết anh có xảy ra chuyện gì khg? Anh Mão thử liên lạc xem anh Sơn khỏe khg anh?
Thỉnh thoảng Mão có liên lạc với anh Sơn. Sau khi Mẹ anh Sơn mất ảnh cũng buồn và lười nhiều hơn chứ sức khoẻ vẫn tốt, biết đâu chừng nghe X-Lan nhắc ảnh xuất hiện lại nay mai.
Còn các cô nàng như: cho mượn tiền, làm Thơ, rãi Đinh…v.v. cũng đi đâu mất dạng hay đang phải đang đi lo đòi nợ, tìm Nhẫn Ốc, lo sản xuất Đinh… ???
Biết anh Sơn vẫn khỏe là em vui rồi, sợ Điệp buồn vô chùa tu bỏ Lan thôi hihi…anh Mão nhắn anh Sơn thôi đừng buồn nữa ai rồi cũng sẽ ra đi thôi, buồn thì đừng có lười vì em mà buồn thì cũng lười mà ăn thì khí thế lắm nên thường em buồn hay tăng trọng, sợ anh Sơn cùng bệnh như em thì nguy.
Mọi người từ biệt hết rồi chắc khg vô đây nữa đâu còn có vài anh em mình vào rồi lại ra lắm lúc khg biết viết gì cứ thấy hình mọi người lên là em lại vui mà còn thương nữa mới ghê chứ! Cao Thắng ơi sao các Ngài cứ ở mãi trong tim em vậy trời!
Trường xưa còn đó, bạn cũ bây giờ chắc cũng đã mệt mỏi nhiều.
Thôi thì ở đây còn lưu giữ nhiều kỷ niệm để khi nào cần lại tìm về. Sau này nếu có thêm những kỷ niệm mới lại tiếp tục vui.
Cám ơn anh DucMao đã hồi âm. Những dòng tin mình gỡi đi mà biệt âm vô tín thì buồn lắm. Bạn bè ơi ! Hãy cùng nhau tán chuyện cho vui đi. Chúng ta không còn nhiều thời gian đễ chờ đợi đâu.
Những Xuân Lan Thu cúc Hồng Đào Mai Huệ đâu rồi ? Những Dũng Kiệt Phước Hùng Tuấn Mạnh Đức đâu rồi ?……. đễ cuối đời không tiếc cuộc rong chơi chứ !
Cảm ơn Anh Việt Trúc và Anh Đức Mão đã khuyến khích mình. Thú thật mà nói lúc này Anh Em mình đã bước vào hàng thứ sáu rồi, như bài viết lần trước mình viết về đề tài “Tầng Lầu Thứ 60″.
Thôi thì: Tóc đã nhuộm màu trắng, răng bắt đầu rung rinh, mắt thì nhìn không còn rõ lắm (khổ nỗi ra đường nhìn thấy mấy em khoảng tuổi đôi mươi thì rõ ràng và không trật), tay thì rung, đầu óc thì để đâu quên đó, lưng thì khòm và tướng đi thì chậm chạp) xem như chuẩn bị bước vào hàng quá thời hạn không còn xử dụng được nữa…. Nên khi đọc bài viết của Ái Liên có nhắc đến tên mình, thì người nó làm sao đó, nay thì được Việt Trúc và Anh thăm hỏi, có lẽ mình vẫn còn mang nợ mầu áo xanh Cao Thắng.
Có những việc trong rất bình thường nhưng đôi khi lỡ mất rồi mới cảm thấy hối tiếc, trường hợp mình cảm thấy vắng thiếu một cái gì đó. Điển hình là hai ông Anh có trong người một màu Áo Xanh và hai chử Cao Thắng, một trái tim rộng lớn bao la và luôn đoàn kết tất cả bạn bè học chung, cũng như không chung lớp, dưới mái trường Cao Thắng. Mình luôn nghĩ: Nếu có dịp nào đó thuận tiện thì sẽ gặp hai Anh, nhưng không còn cơ hội được nữa! Thôi thì xin thấp nén nhang dâng lên hai Anh, xin chân thành thán phục trái tim của các Anh.
Để rồi khi nào thông thả, thì mình sẽ viết tiếp những khoảng khắc đỗi thay của trường, các nhóm sinh hoạt trước và thời gian sau biến cố đỗi đời. Có lẽ mình cũng quá nhiệt huyết và tham gia với các sinh hoạt nên cũng khá hiểu tường tận bản chất phải trái của những sinh hoạt đó.
Gởi đến tất cả các bạn một thời bận áo xanh của trường Cao Thắng lời chúc sức khỏe chân thành nhất.