Đã lâu lắm rồi, có một khoảng thời gian mình học ở trường Cao Thắng. Đoạn đường đời giống như một chuyến xe lửa ghé qua nhiều trạm, và Cao Thắng là một trạm ghé, mà mình dừng bước trong 3 năm liền để cố gắng tạo cho mình một ít học vấn hành trang vào đời. Cao Thắnh là nơi tạo cho mình nhiều kỷ niệm êm đềm nhất trong quãng đường đời vì mình bắt đầu bước vào cái tuổi mộng mơ khi bước vào trường: 15 trăng tròn,16 trăng treo,17 xỏ giường chiếu.
Tuổi thần tiên 15, cái tuổi tràn đầy nhựa sống và mơ ước, mình đang thêu dệt một tương lai và đây cũng là lý do chính để mình chọn trường Cao Thắng, một trong những trường Công lập mình được chọn vào học trong cuộc thi tuyển học sinh lớp 10 năm đó. Cao Thắng cái tên lừng lẫy trong giới học đường đương thời, với thành tích của các bậc đàn anh, mình ngưỡng mộ từ lâu. Mình rất hãnh diện và nôn nóng chờ ngày nhập học.
Tuần lễ đầu tiên khi Thầy Hiệu Trưởng đến giới thiệu lớp và cho biết nguyên do chánh tại sao lớp Cải Tiến CT5 hình thành. Đến lúc này thì mình mới biết là mình được vào CaoThắng theo hệ cải tiến, học nghề, không phải như mình đã dệt tưởng. Mình thất vọng và thẫn thờ không biết phải làm gì và không biết đi về đâu vì học bạ đã rút ra khỏi trường cũ. Mình cũng không phải là một đứa trẻ dạn dĩ, chai mặt để xin quay về trường cũ. Thế rồi một năm trôi qua với ý định sẽ rời trường Cao Thắng năm lên lớp 11. Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên, tình hình đất nước thay đổi và lúc này việc học nghề trở nên hữu ích nên mình ở lại trường Cao Thắng. Ôi âu cũng là cái duyên!.
Nếu như Tô Hoài hay nhân vật hoá những động vật Dế Mèn hoặc Bọ Ngựa trong những tập truyện của Ông, mình lại xin tình nguyện làm “Dế Nhũi” từ ngày nhập học CT. Cái trường chi mà toàn màu xanh, đám áo dài trắng của mình trở nên lạc lõng trong vùng cấm địa. Cái đầu của mình bỗng dưng chúi nhũi khi đi vào trong sân trường. Không dám nhìn dọc, cũng chẳng dám nhìn ngang, chỉ có con mắt láo liên dưới đất sợ đụng phải cái cột nào đó. Bao nhiêu năm học ở trường, nhưng mình không biết được nhiều về những phần đất khác của trường ngoài những lớp của mình được chỉ định phải đến. Sợ ơi là sợ nếu phải vượt qua sân trường để đến lớp học khác. Vô hình trung các bạn áo trắng của mình tự động kiếm bạn đồng hành, luôn cặp kè song song đi với nhau. Tuy vậy cũng có nhiều lúc phải độc hành, chân tay cuống quít, thừa thãi, mình ngâm thơ “Đi Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp, “mình không dám đi mau, sợ “mấy anh” chê hấp tấp, số gian nan không giàu”. Cái giác quan thứ sáu của mình phải làm việc tối đa để biết rằng khi không có ai chung quanh là ba chân, bốn cẳng mình chạy nước rút, vọt thiệt lẹ đến lớp học.
Giờ nghỉ trưa ở CT thật là lâu, không nhớ là bao lâu nhưng đủ giờ cho nhóm 6 đứa áo trắng thỉnh thoảng đạp xe đến thư viện Quốc Gia để trú ngụ nắng trưa và đọc truyện miễn phí. Tụi mình chỉ ghé vào khu vực dành cho trẻ em thôi, tha hồ mà đọc. Thư viện ban trưa thật yên lặng, vắng vẻ quyện với sự thanh thoát, lao xao nhẹ nhàng của đám cỏ cây bên ngoài tạo cho mình liên tưởng tới những ngôi Chùa vắng vẻ có đám trẻ nhỏ 6 đứa đến đánh tan sự tĩnh mịch.
Việc học năm lớp 10 không gây ấn tượng nhiều cho mình bằng những buổi ăn trưa, trong giờ học mình chỉ nghĩ trưa nay sẽ ăn cái gì? Chu choa, cái trường chi mà nằm ngay giữa phố phường ăn uống. Mình là khách hàng thân quen của gánh hàng cóc, ổi ngay cửa trường (dĩ nhiên chỉ dám mua sau khi đi giám sát một vòng, có khi mấy vòng và khi không thấy bóng áo xanh). Có chi là lạ “Nắng mưa là chuyện của Trời, ăn hàng là chuyện cuả thời nữ sinh”. Mình không biết các bạn cùng phái nghĩ sao, nhưng riêng mình bí quyết để giữ cái eo bận áo dài là ăn vặt nhiều hơn ăn thiệt, bảo đảm không lên kí lô.
Năm 16, ánh trăng sáng ngời và treo cao hơn. Cái tuổi này còn mơ mộng nhiều hơn trước. Với tình hình kinh tế lúc bấy giờ, bụng thì đói, mơ vẫn cứ mơ. Chỉ có mơ dệt, tưởng tượng thôi, chứ nhát như thỏ đế, chẳng dám làm gì hết. Bao nhiêu bài hát của Thái Hiền ca, Tuổi Mộng Mơ, Tuổi thần Tiên, Tuổi biết buồn, Tuổi vu vơ… mình thuộc nằm lòng. Bao nhiêu thơ văn lãng mạng học trò của Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu mình đều tươm tất chép xuống. Chưa đủ, mình sưu tầm luôn thơ của Lưu Trọng Lư, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyên Sa… Đọc hết Tuổi Hoa Xanh, Hoa Đỏ chuyển sang Hoa Tím, và hết nguyệt san Tuổi Hoa chuyển sang tạp chí Tuổi Ngọc, không những đọc một lần mà nhiều lần, đến độ chữ viết trong truyện trở nên mực in trong khối óc, thuộc nằm lòng từng lời thơ, khúc truyện.
Có lần, một cô bạn dễ thương trong lớp cho mình mượn cuốn truyện của Nhã Ca “Ngày Thơ, Tình Thơ”, một câu truyện tình cảm nhẹ nhàng viết dựa trên bài thơ “Mùa Ngô Vàng” , “Thuở làm thơ yêu em” của Trần Dạ Từ. Mình đọc đêm, đọc ngày, đọc nhàu cả cuốn sách trước khi đem trả lại cho bạn. Mình cảm ơn bạn đã giới thiệu mình đến với Nhã Ca, đến với tủ sách trăng 16 cuả Bà. Mình rất thích những cuốn truyện, những bản nhạc, hay những băng cassette với những bài hát nhẹ nhàng của thập niên 70 được chuyền tay trong lớp. Văng vẳng bên tai, mình còn nghe âm thanh của bản nhạc dịch sang lời Việt “ thôi chia tay anh người bạn thân ơi, ta quen nhau khi mới lên năm hoặc mười …”. Thời gian này có được một tuyệt tác nào, sách vở, hay thơ văn đều là những thành tích đáng kể, mình nâng niu, chép xuống, giữ gìn như báu vật.
Năm xưa thì mình ráng nhớ hết thơ văn, bây giờ thì chữ nghĩa trả lại hết cho tủ sách, cho khổ chủ. Ngay cả những kỷ niệm đẹp trong trường mình cũng không nhớ được hết. Loáng thoáng một vài hình ảnh thâu lượm được, không trọn vẹn thành một câu truyện để có thể ghi lại . Mình thầm phục các bạn đồng lứa, người có những trí nhớ phi thường, các bạn đã lưu trữ và ghi lại được tình tiết biết bao nhiêu hình ảnh trong lớp học, ngoài sân trường. Cám ơn các bạn đã chia sẻ để cho mình được dịp ôn tưởng lại những hình ảnh xưa.
Vài hình ảnh mà riêng mình còn ghi lại được là những trái me chín lủng lẳng, khêu gợi trên cây mà mình có thể thấy được qua cưả sổ lớp học cạnh đường Pasteur. Lớp học Thêu May cuả mình ngay trên lầu, vừa tầm nhìn để thấy được những trái me không chủ nhân được trồng bên lề đường. Me vàng chín ngọt trên cây, nếu ăn được thì tuyệt cú mèo, chấm thêm một chút muối ớt thì phê khỏi biết. Mình bị phân tán tư tưởng rất nhiều trong những giờ học xưởng may, mình muốn thử một lần cho biết hương vị me chín trên câỵ. Nhìn thì dễ, nhưng không cách nào hái được vì ngoài tầm tay với. Cho tới giờ phút này mình không biết có bạn nào trong lớp hái được trái me nào không? Vì mình cũng nghe nhiều bạn trầm trồ, chiêm ngưỡng người đẹp chín cây này lắm.
Dưới lầu cuả xưởng may là nơi đậu xe đạp cuả riêng CT5, có cửa khoá đàng hoàng. Khi lớp học bắt đầu là cửa được khoá lại. Một buổi sáng, sau khi tan học, mình bước vào sân để lấy xe và thâý được trong rổ xe của mình, nơi mình hay để cặp táp, có một cành Phượng Vĩ mới hái. Cành cây còn lắng đọng nước cuả trận mưa mới vừa ào qua. Cành lá có nhiều hoa Phượng đỏ rực, lấm tấm những nụ chớm nở làm mình liên tưởng ngay tới những trưa hè lúc thiếu thời, mình trốn ngủ cùng với đứa bạn gái láng giềng đi lượm hoa Phượng dưới đất, lấy nhụy hoa chơi đá gà. Mình rất ngạc nhiên khi nhận được cành hoa này vì cửa chỗ đậu xe khoá kín, ai có thể vào đây mà bỏ vào. Cũng có thể, có người bạn gái muốn chọc ghẹo mình? Điều làm cho mình cảm kích và ghi nhớ là cành Phượng Vĩ đỏ, cái mà mình vẫn chiêm ngắm từ một khoảng cách từ dưới nhìn lên thực sự đang ở trong rổ xe cuả mình. Rất cám ơn người bạn nào đó đã tặng hoa. Học trò, phượng vĩ, ve sầu và muà hè liên kết với nhau trong thế giới học đường. Mình là học trò, có cành phượng vĩ nhưng chưa bao giờ nghe ve sầu ca. Sân trường Cao Thắng có phượng vĩ, sao thiếu vắng ve kêu? Hay tại mình đăm chiêu, mãi làm dế nhũi trong sân trường nên quên mất sự hiện diện của đám ve sầu?
Kỷ niệm thì nhiều, không đong hết được, có kỷ niệm vui, có kỷ niệm buồn, có kỷ niệm khi nhớ lại vẫn còn muốn độn thổ. Hôm đó như bình thường, mình mặc áo dài đạp xe hết tốc độ để đến trường cho kịp giờ (Mình thuộc loại canh đúng giờ rồi mới rời khỏi nhà). Đồng phục của lớp CT5 là áo dài, hoặc bộ đồ KaKi xanh như các anh trai khi xuống xưởng thực tập. Chiếc áo dài phải đi đôi với cái quần ống rộng là phong trào lúc bấy giờ. Tới gần trường thì mình tháo cái kẹp nơi ống quần ra, đạp xe thêm vài vòng nữa là một ống quần vướng chặt vào sợi dây xích. Ngay khi đó thì mình đã ở ngay cửa trường. Học trò đã đi vào sân gần hết và cổng trường chuẩn bị đóng lại . Mình không cách gì tự tháo ống quần cho mình được. Một chân trên bàn đạp, một chân ở dưới đất. Nếu muốn để cả hai chân xuống đất để tháo cho dễ hơn, thì ống quần bị nghẹt trên sợi dây xích sẽ bị vén lên rất cao . Nếu có cái thúng để che mặt thì mình cũng sẽ che vì bao nhiêu máu huyết dồn hết lên trên mặt. Ngay khi đó có một giọng nam sinh nhẹ nhàng bên tai cuả mình ngỏ ý giúp đỡ . Quê ghê lắm, nhưng phải đồng ý ngay, bởi nếu anh đi rồi thì mình sẽ đứng đó cả ngàỵ. Anh nhẹ nhàng giúp cho mình, không nói thêm tiếng nào và bỏ đi vào trường. Mình cũng lúng túng, vụng về, vội vàng bỏ đi, không nhớ là đã có cám ơn chưa .
Ngày tháng trôi qua, 17 chợt đến. Tục ngữ có câu “Gái 17 bẻ gẫy sừng trâu”, nghe cơm gạo quá chăng?, chẳng mỹ miều tí nào, câu này chắc để dành cho những bậc nữ nhi anh hào, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu. Con cháu Bà Trưng lo đánh giặc không có thời giờ mộng mơ. Riêng mình, mình chỉ xin được làm vầng trăng 17. Trăng biết rung cảm, trăng biết buồn, trăng bị bụi vướng vào mắt để làm mắt long lanh. Đó là tâm trạng cuả mình ở năm 17, cũng là năm cuối cùng ở trường. Ngoài giờ học, năm nay mình có nhiều sinh hoạt với lớp, với trường hơn. Tuy vậy, năm học sao đi nhanh chi lạ, mình đếm từng ngày một đến trường. Cái cảm giác buồn ruời ruợi chợt đến mỗi khi nhớ rằng đây là năm cuối cùng ở trường Cao Thắng. Mình chưa muốn rời trường, mình muốn níu kéo thời gian để được ở lại thêm một khoảng khắc nữa. Những tháng gần kề ngày ra trường, thời gian lại trôi nhanh gấp đôi. Cái gì níu kéo mình vậy? Không biết nữa, chỉ biết là muốn ở lại trường, đến lớp học, có Thầy, có bạn, có sách vở cầm tay ….Cao Thắng ơi.
Ngày ra trường đã đến, hầu hết các bạn cùng lớp của mình được phân công về làm chung một cơ quan, rất may mắn vì mình biết dẫu gì mình vẫn còn bạn. Nhưng mình vẫn cảm giác một sự trống vắng, mất mát nào đó. Nhớ trường da diết…… Những tháng đầu tiên sau khi đi làm, thỉnh thoảng chiều về mình đạp xe một mình về thăm trường Cao Thắng. Mình đã hết là thành viên của CT, nên chỉ đứng bên đường nhìn cổng trường khi giờ học chưa tan. Rồi giờ tan học, hoc sinh úa ra. Mới những tháng trước mình còn là một trong những bạn đó, bây giờ đứng bên kia đường ngóng qua, ôi sao đơn độc. Chỉ thoáng thấy vài khuôn mặt quen thuộc, còn lại là học sinh mới. Mình không còn mặc đồng phục, không ai biết mình là ai, mình cũng không biết bạn là ai, thật xa lạ giữa phố đông người qua lại. Có cái gì lưu luyến, kêu mời mình quay về trường cũ vậy? Lại có vài hạt bụi bay vào mắt mình.
Nếu có ai hỏi mình có “tương tư” CT không? Có lẽ không, nhưng là một cái gì đó không giải thích được. Tất cả những gì chứa đựng của ngày hôm nay, đó là sự kết tinh, chồng chất, kết tụ cuả tất cả những gì trong 3 năm tại CT. Có một cái gì đó thấm dần vào trong da thịt, vào trong máu huyết từng ngày, từng ngày một. Ngay khi còn ở trường, mình chưa cảm nhận được nhiều, cho đến khi rời trường mình mới nhận thức được nhiều hơn. Mình muốn dùng 2 câu thơ cuả Xuân Diệu “..Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu..”. Có lẽ vậy, cảm giác của từng ngọn gió chiều khi đạp xe về học, từng cơn mưa nặng hạt, kíu néo bánh xe mòn trên đường đến trường, hoặc ngại ngùng đi vào những con hẻm lạ lẩn lánh khi có ai đó đi theo. Ngay cả những bài học khô khan trong những lúc để hồn đi hoang, hay trưa đến kiếm cái ghế gỗ nằm ngủ trưa nếu không đi dạo cùng đám bạn trên những viả hè chung quanh trường. Tất cả những gì xảy ra trong thời gian đó, …một thời để nhớ … Cao Thắng có biết không?
Như trong cuốn truyện Hoa Tím ” Bên kia chiếc cầu”, Nguyễn thị Mỹ Thanh có viết một tình cảm bàng bạc của Sơn đối với Thảo Giang, một cô bé cuối cùng đã hy sinh vì lòng yêu nước. Sơn không định rõ được tình cảm của mình dành cho cô bạn láng giềng bé nhỏ cho đến khi Thảo Giang gục ngã, một cái tình cảm bàng bạc nào đó, len lén dâng cao. Cái chữ bàng bạc này ăn sâu trong tâm khảm cuả mình. Mình cũng dùng chữ bàng bạc này để dành cho Cao Thắng…, một cái tình cảm nhẹ nhàng, lưu luyến khi nhớ đến trường, đến Thầy Cô, đến bạn hữu. Cám ơn các bạn áo trắng đã đồng hành, chia sẻ với mình trong những năm tại CT. Xin cám ơn những bậc Thầy đã dìu dắt đám con trẻ khi tập tững bước chân vào trường và trưởng thành hơn khi bước ra đời. Cám ơn tất cả những ai đã cho mình có cơ duyên gặp một lần, gặp nhiều lần, có cơ duyên nói chuyện, dẫu chỉ là vài câu ngắn ngủi, để mình có được những kỷ niệm đẹp. Cám ơn các bạn đã giúp mình vun sới những hình ảnh, câu chuyện, vun sới một chút này, một chút kia, một chút gì để nhớ, để mình làm hành trang vào đời, và để biết rằng đời còn dễ thương.
CT 5,
Tháng 5, 2013
* Trang này được xem 3244 lần