Đã lâu lắm rồi, có một khoảng thời gian mình học ở trường Cao Thắng. Đoạn đường đời giống như một chuyến xe lửa ghé qua nhiều trạm, và Cao Thắng là một trạm ghé, mà mình dừng bước trong 3 năm liền để cố gắng tạo cho mình một ít học vấn hành trang vào đời. Cao Thắnh là nơi tạo cho mình nhiều kỷ niệm êm đềm nhất trong quãng đường đời vì mình bắt đầu bước vào cái tuổi mộng mơ khi bước vào trường: 15 trăng tròn,16 trăng treo,17 xỏ giường chiếu.
Tuổi thần tiên 15, cái tuổi tràn đầy nhựa sống và mơ ước, mình đang thêu dệt một tương lai và đây cũng là lý do chính để mình chọn trường Cao Thắng, một trong những trường Công lập mình được chọn vào học trong cuộc thi tuyển học sinh lớp 10 năm đó. Cao Thắng cái tên lừng lẫy trong giới học đường đương thời, với thành tích của các bậc đàn anh, mình ngưỡng mộ từ lâu. Mình rất hãnh diện và nôn nóng chờ ngày nhập học.
Tuần lễ đầu tiên khi Thầy Hiệu Trưởng đến giới thiệu lớp và cho biết nguyên do chánh tại sao lớp Cải Tiến CT5 hình thành. Đến lúc này thì mình mới biết là mình được vào CaoThắng theo hệ cải tiến, học nghề, không phải như mình đã dệt tưởng. Mình thất vọng và thẫn thờ không biết phải làm gì và không biết đi về đâu vì học bạ đã rút ra khỏi trường cũ. Mình cũng không phải là một đứa trẻ dạn dĩ, chai mặt để xin quay về trường cũ. Thế rồi một năm trôi qua với ý định sẽ rời trường Cao Thắng năm lên lớp 11. Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên, tình hình đất nước thay đổi và lúc này việc học nghề trở nên hữu ích nên mình ở lại trường Cao Thắng. Ôi âu cũng là cái duyên!.
Nếu như Tô Hoài hay nhân vật hoá những động vật Dế Mèn hoặc Bọ Ngựa trong những tập truyện của Ông, mình lại xin tình nguyện làm “Dế Nhũi” từ ngày nhập học CT. Cái trường chi mà toàn màu xanh, đám áo dài trắng của mình trở nên lạc lõng trong vùng cấm địa. Cái đầu của mình bỗng dưng chúi nhũi khi đi vào trong sân trường. Không dám nhìn dọc, cũng chẳng dám nhìn ngang, chỉ có con mắt láo liên dưới đất sợ đụng phải cái cột nào đó. Bao nhiêu năm học ở trường, nhưng mình không biết được nhiều về những phần đất khác của trường ngoài những lớp của mình được chỉ định phải đến. Sợ ơi là sợ nếu phải vượt qua sân trường để đến lớp học khác. Vô hình trung các bạn áo trắng của mình tự động kiếm bạn đồng hành, luôn cặp kè song song đi với nhau. Tuy vậy cũng có nhiều lúc phải độc hành, chân tay cuống quít, thừa thãi, mình ngâm thơ “Đi Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp, “mình không dám đi mau, sợ “mấy anh” chê hấp tấp, số gian nan không giàu”. Cái giác quan thứ sáu của mình phải làm việc tối đa để biết rằng khi không có ai chung quanh là ba chân, bốn cẳng mình chạy nước rút, vọt thiệt lẹ đến lớp học.
Giờ nghỉ trưa ở CT thật là lâu, không nhớ là bao lâu nhưng đủ giờ cho nhóm 6 đứa áo trắng thỉnh thoảng đạp xe đến thư viện Quốc Gia để trú ngụ nắng trưa và đọc truyện miễn phí. Tụi mình chỉ ghé vào khu vực dành cho trẻ em thôi, tha hồ mà đọc. Thư viện ban trưa thật yên lặng, vắng vẻ quyện với sự thanh thoát, lao xao nhẹ nhàng của đám cỏ cây bên ngoài tạo cho mình liên tưởng tới những ngôi Chùa vắng vẻ có đám trẻ nhỏ 6 đứa đến đánh tan sự tĩnh mịch.
Việc học năm lớp 10 không gây ấn tượng nhiều cho mình bằng những buổi ăn trưa, trong giờ học mình chỉ nghĩ trưa nay sẽ ăn cái gì? Chu choa, cái trường chi mà nằm ngay giữa phố phường ăn uống. Mình là khách hàng thân quen của gánh hàng cóc, ổi ngay cửa trường (dĩ nhiên chỉ dám mua sau khi đi giám sát một vòng, có khi mấy vòng và khi không thấy bóng áo xanh). Có chi là lạ “Nắng mưa là chuyện của Trời, ăn hàng là chuyện cuả thời nữ sinh”. Mình không biết các bạn cùng phái nghĩ sao, nhưng riêng mình bí quyết để giữ cái eo bận áo dài là ăn vặt nhiều hơn ăn thiệt, bảo đảm không lên kí lô.
Năm 16, ánh trăng sáng ngời và treo cao hơn. Cái tuổi này còn mơ mộng nhiều hơn trước. Với tình hình kinh tế lúc bấy giờ, bụng thì đói, mơ vẫn cứ mơ. Chỉ có mơ dệt, tưởng tượng thôi, chứ nhát như thỏ đế, chẳng dám làm gì hết. Bao nhiêu bài hát của Thái Hiền ca, Tuổi Mộng Mơ, Tuổi thần Tiên, Tuổi biết buồn, Tuổi vu vơ… mình thuộc nằm lòng. Bao nhiêu thơ văn lãng mạng học trò của Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu mình đều tươm tất chép xuống. Chưa đủ, mình sưu tầm luôn thơ của Lưu Trọng Lư, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyên Sa… Đọc hết Tuổi Hoa Xanh, Hoa Đỏ chuyển sang Hoa Tím, và hết nguyệt san Tuổi Hoa chuyển sang tạp chí Tuổi Ngọc, không những đọc một lần mà nhiều lần, đến độ chữ viết trong truyện trở nên mực in trong khối óc, thuộc nằm lòng từng lời thơ, khúc truyện.
Có lần, một cô bạn dễ thương trong lớp cho mình mượn cuốn truyện của Nhã Ca “Ngày Thơ, Tình Thơ”, một câu truyện tình cảm nhẹ nhàng viết dựa trên bài thơ “Mùa Ngô Vàng” , “Thuở làm thơ yêu em” của Trần Dạ Từ. Mình đọc đêm, đọc ngày, đọc nhàu cả cuốn sách trước khi đem trả lại cho bạn. Mình cảm ơn bạn đã giới thiệu mình đến với Nhã Ca, đến với tủ sách trăng 16 cuả Bà. Mình rất thích những cuốn truyện, những bản nhạc, hay những băng cassette với những bài hát nhẹ nhàng của thập niên 70 được chuyền tay trong lớp. Văng vẳng bên tai, mình còn nghe âm thanh của bản nhạc dịch sang lời Việt “ thôi chia tay anh người bạn thân ơi, ta quen nhau khi mới lên năm hoặc mười …”. Thời gian này có được một tuyệt tác nào, sách vở, hay thơ văn đều là những thành tích đáng kể, mình nâng niu, chép xuống, giữ gìn như báu vật.
Năm xưa thì mình ráng nhớ hết thơ văn, bây giờ thì chữ nghĩa trả lại hết cho tủ sách, cho khổ chủ. Ngay cả những kỷ niệm đẹp trong trường mình cũng không nhớ được hết. Loáng thoáng một vài hình ảnh thâu lượm được, không trọn vẹn thành một câu truyện để có thể ghi lại . Mình thầm phục các bạn đồng lứa, người có những trí nhớ phi thường, các bạn đã lưu trữ và ghi lại được tình tiết biết bao nhiêu hình ảnh trong lớp học, ngoài sân trường. Cám ơn các bạn đã chia sẻ để cho mình được dịp ôn tưởng lại những hình ảnh xưa.
Vài hình ảnh mà riêng mình còn ghi lại được là những trái me chín lủng lẳng, khêu gợi trên cây mà mình có thể thấy được qua cưả sổ lớp học cạnh đường Pasteur. Lớp học Thêu May cuả mình ngay trên lầu, vừa tầm nhìn để thấy được những trái me không chủ nhân được trồng bên lề đường. Me vàng chín ngọt trên cây, nếu ăn được thì tuyệt cú mèo, chấm thêm một chút muối ớt thì phê khỏi biết. Mình bị phân tán tư tưởng rất nhiều trong những giờ học xưởng may, mình muốn thử một lần cho biết hương vị me chín trên câỵ. Nhìn thì dễ, nhưng không cách nào hái được vì ngoài tầm tay với. Cho tới giờ phút này mình không biết có bạn nào trong lớp hái được trái me nào không? Vì mình cũng nghe nhiều bạn trầm trồ, chiêm ngưỡng người đẹp chín cây này lắm.
Dưới lầu cuả xưởng may là nơi đậu xe đạp cuả riêng CT5, có cửa khoá đàng hoàng. Khi lớp học bắt đầu là cửa được khoá lại. Một buổi sáng, sau khi tan học, mình bước vào sân để lấy xe và thâý được trong rổ xe của mình, nơi mình hay để cặp táp, có một cành Phượng Vĩ mới hái. Cành cây còn lắng đọng nước cuả trận mưa mới vừa ào qua. Cành lá có nhiều hoa Phượng đỏ rực, lấm tấm những nụ chớm nở làm mình liên tưởng ngay tới những trưa hè lúc thiếu thời, mình trốn ngủ cùng với đứa bạn gái láng giềng đi lượm hoa Phượng dưới đất, lấy nhụy hoa chơi đá gà. Mình rất ngạc nhiên khi nhận được cành hoa này vì cửa chỗ đậu xe khoá kín, ai có thể vào đây mà bỏ vào. Cũng có thể, có người bạn gái muốn chọc ghẹo mình? Điều làm cho mình cảm kích và ghi nhớ là cành Phượng Vĩ đỏ, cái mà mình vẫn chiêm ngắm từ một khoảng cách từ dưới nhìn lên thực sự đang ở trong rổ xe cuả mình. Rất cám ơn người bạn nào đó đã tặng hoa. Học trò, phượng vĩ, ve sầu và muà hè liên kết với nhau trong thế giới học đường. Mình là học trò, có cành phượng vĩ nhưng chưa bao giờ nghe ve sầu ca. Sân trường Cao Thắng có phượng vĩ, sao thiếu vắng ve kêu? Hay tại mình đăm chiêu, mãi làm dế nhũi trong sân trường nên quên mất sự hiện diện của đám ve sầu?
Kỷ niệm thì nhiều, không đong hết được, có kỷ niệm vui, có kỷ niệm buồn, có kỷ niệm khi nhớ lại vẫn còn muốn độn thổ. Hôm đó như bình thường, mình mặc áo dài đạp xe hết tốc độ để đến trường cho kịp giờ (Mình thuộc loại canh đúng giờ rồi mới rời khỏi nhà). Đồng phục của lớp CT5 là áo dài, hoặc bộ đồ KaKi xanh như các anh trai khi xuống xưởng thực tập. Chiếc áo dài phải đi đôi với cái quần ống rộng là phong trào lúc bấy giờ. Tới gần trường thì mình tháo cái kẹp nơi ống quần ra, đạp xe thêm vài vòng nữa là một ống quần vướng chặt vào sợi dây xích. Ngay khi đó thì mình đã ở ngay cửa trường. Học trò đã đi vào sân gần hết và cổng trường chuẩn bị đóng lại . Mình không cách gì tự tháo ống quần cho mình được. Một chân trên bàn đạp, một chân ở dưới đất. Nếu muốn để cả hai chân xuống đất để tháo cho dễ hơn, thì ống quần bị nghẹt trên sợi dây xích sẽ bị vén lên rất cao . Nếu có cái thúng để che mặt thì mình cũng sẽ che vì bao nhiêu máu huyết dồn hết lên trên mặt. Ngay khi đó có một giọng nam sinh nhẹ nhàng bên tai cuả mình ngỏ ý giúp đỡ . Quê ghê lắm, nhưng phải đồng ý ngay, bởi nếu anh đi rồi thì mình sẽ đứng đó cả ngàỵ. Anh nhẹ nhàng giúp cho mình, không nói thêm tiếng nào và bỏ đi vào trường. Mình cũng lúng túng, vụng về, vội vàng bỏ đi, không nhớ là đã có cám ơn chưa .
Ngày tháng trôi qua, 17 chợt đến. Tục ngữ có câu “Gái 17 bẻ gẫy sừng trâu”, nghe cơm gạo quá chăng?, chẳng mỹ miều tí nào, câu này chắc để dành cho những bậc nữ nhi anh hào, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu. Con cháu Bà Trưng lo đánh giặc không có thời giờ mộng mơ. Riêng mình, mình chỉ xin được làm vầng trăng 17. Trăng biết rung cảm, trăng biết buồn, trăng bị bụi vướng vào mắt để làm mắt long lanh. Đó là tâm trạng cuả mình ở năm 17, cũng là năm cuối cùng ở trường. Ngoài giờ học, năm nay mình có nhiều sinh hoạt với lớp, với trường hơn. Tuy vậy, năm học sao đi nhanh chi lạ, mình đếm từng ngày một đến trường. Cái cảm giác buồn ruời ruợi chợt đến mỗi khi nhớ rằng đây là năm cuối cùng ở trường Cao Thắng. Mình chưa muốn rời trường, mình muốn níu kéo thời gian để được ở lại thêm một khoảng khắc nữa. Những tháng gần kề ngày ra trường, thời gian lại trôi nhanh gấp đôi. Cái gì níu kéo mình vậy? Không biết nữa, chỉ biết là muốn ở lại trường, đến lớp học, có Thầy, có bạn, có sách vở cầm tay ….Cao Thắng ơi.
Ngày ra trường đã đến, hầu hết các bạn cùng lớp của mình được phân công về làm chung một cơ quan, rất may mắn vì mình biết dẫu gì mình vẫn còn bạn. Nhưng mình vẫn cảm giác một sự trống vắng, mất mát nào đó. Nhớ trường da diết…… Những tháng đầu tiên sau khi đi làm, thỉnh thoảng chiều về mình đạp xe một mình về thăm trường Cao Thắng. Mình đã hết là thành viên của CT, nên chỉ đứng bên đường nhìn cổng trường khi giờ học chưa tan. Rồi giờ tan học, hoc sinh úa ra. Mới những tháng trước mình còn là một trong những bạn đó, bây giờ đứng bên kia đường ngóng qua, ôi sao đơn độc. Chỉ thoáng thấy vài khuôn mặt quen thuộc, còn lại là học sinh mới. Mình không còn mặc đồng phục, không ai biết mình là ai, mình cũng không biết bạn là ai, thật xa lạ giữa phố đông người qua lại. Có cái gì lưu luyến, kêu mời mình quay về trường cũ vậy? Lại có vài hạt bụi bay vào mắt mình.
Nếu có ai hỏi mình có “tương tư” CT không? Có lẽ không, nhưng là một cái gì đó không giải thích được. Tất cả những gì chứa đựng của ngày hôm nay, đó là sự kết tinh, chồng chất, kết tụ cuả tất cả những gì trong 3 năm tại CT. Có một cái gì đó thấm dần vào trong da thịt, vào trong máu huyết từng ngày, từng ngày một. Ngay khi còn ở trường, mình chưa cảm nhận được nhiều, cho đến khi rời trường mình mới nhận thức được nhiều hơn. Mình muốn dùng 2 câu thơ cuả Xuân Diệu “..Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu..”. Có lẽ vậy, cảm giác của từng ngọn gió chiều khi đạp xe về học, từng cơn mưa nặng hạt, kíu néo bánh xe mòn trên đường đến trường, hoặc ngại ngùng đi vào những con hẻm lạ lẩn lánh khi có ai đó đi theo. Ngay cả những bài học khô khan trong những lúc để hồn đi hoang, hay trưa đến kiếm cái ghế gỗ nằm ngủ trưa nếu không đi dạo cùng đám bạn trên những viả hè chung quanh trường. Tất cả những gì xảy ra trong thời gian đó, …một thời để nhớ … Cao Thắng có biết không?
Như trong cuốn truyện Hoa Tím ” Bên kia chiếc cầu”, Nguyễn thị Mỹ Thanh có viết một tình cảm bàng bạc của Sơn đối với Thảo Giang, một cô bé cuối cùng đã hy sinh vì lòng yêu nước. Sơn không định rõ được tình cảm của mình dành cho cô bạn láng giềng bé nhỏ cho đến khi Thảo Giang gục ngã, một cái tình cảm bàng bạc nào đó, len lén dâng cao. Cái chữ bàng bạc này ăn sâu trong tâm khảm cuả mình. Mình cũng dùng chữ bàng bạc này để dành cho Cao Thắng…, một cái tình cảm nhẹ nhàng, lưu luyến khi nhớ đến trường, đến Thầy Cô, đến bạn hữu. Cám ơn các bạn áo trắng đã đồng hành, chia sẻ với mình trong những năm tại CT. Xin cám ơn những bậc Thầy đã dìu dắt đám con trẻ khi tập tững bước chân vào trường và trưởng thành hơn khi bước ra đời. Cám ơn tất cả những ai đã cho mình có cơ duyên gặp một lần, gặp nhiều lần, có cơ duyên nói chuyện, dẫu chỉ là vài câu ngắn ngủi, để mình có được những kỷ niệm đẹp. Cám ơn các bạn đã giúp mình vun sới những hình ảnh, câu chuyện, vun sới một chút này, một chút kia, một chút gì để nhớ, để mình làm hành trang vào đời, và để biết rằng đời còn dễ thương.
CT 5,
Tháng 5, 2013
* Trang này được xem 3246 lần
Bài này trong đặc san Cao Thắng hội ngộ 2013 mình đã đọc rồi nhưng nói thiệt là trong vô vàn bài như vậy nên mình chỉ đọc lướt qua mau. Hôm nay post lên đây mới có dịp đọc kỷ hơn nhiều.
Người ta nói “văn là người” chắc là đúng rồi. Kim Loan viết rất cẩn thận và chăm chút từng chi tiết, diễn tả một cách chân thật những cãm xúc của mình.
Chắc là tốn không ít thời gian phải không ? Có thể nói Kim Loan đã có trách nhiệm với tác phẩm của mình, qua đó thể hiện sự tôn trọng đối với người đọc.
Mình cũng muốn viết comment cho nghiêm túc nhưng mà sao không thể nghiêm túc lâu được. Thôi thì là bạn bè thì cứ viết cho vui nhộn một chút vậy .
Hồi nhỏ mình rất thích chơi đá dế nên rất khoái dế trống, các loại dế khác mình chã bao giờ đễ ý đến….thật đúng là thưở ấy tôi còn ngây ngô lắm, chỉ biết….ăn thôi chã biết gì . Mình có ngờ đâu trên đời này lại có con dế nhủi dễ thương như vậy chứ ? Sau khi đọc bài này rồi mình hứa là không thích các loại dế nào khác mà chuyển qua thích dế nhủi….mà sao lạ thiệt càng lúc mình càng thấy dế nhủi dễ thương ác liệt mà hồi đó mình không biết. Đúng là trẻ con ấu trỉ thiệt !
Cũng chuyện hồi nhỏ, lúc đó hình như là 4 – 5 tuổi gì đó, có lần mình tình nguyện bò xuống đất làm ngựa cho con nhỏ hàng xóm cỡi . Chờ thấy hơi lâu mà sao nó không leo lên. Trong bụng đinh ninh là nó chê lưng trần của mình mồ hôi mồ kê nhể nhại. Đúng lúc đó mình nghe nó la lên ” trời ơi quần lủng đáy “. Hỡi ôi kiểm tra lại thì mới hay do mải chơi mà chiếc quần cụt đã bị bung chỉ cả gang tay. Mà nó từ đằng sau nhìn tới thì thôi rồi ! ! ! Toàn bộ trung tâm hành quân đã bị lộ tẩy !
Chuyện xảy ra quê ơi là quê nhưng rồi cũng quên đi vì còn quá nhỏ cũng không mắc cở lâu được . Đến năm học lớp 1. May mắn ngồi cùng bàn với cô bạn gái dễ thương ơi là dễ thương. Dù già hay trẻ, dù lớn hay nhỏ thì yêu vẻ đẹp là chuyện tự nhiên của con người. Mình cũng chẳng phải là kẻ khác nguời ….cho nên cũng khoái .
Có một lần cố gắng nhịn thèm, mình đã dũng cãm móc cục kẹo đang ngậm trong miệng đưa cho nàng liếm một miếng nhưng hỡi ơi nàng đã bỉu môi quay mặt chổ khác . Tưỡng nàng chê vì cục kẹo dính nước bọt, mình lại cho vô miệng mút sạch sẽ rồi đưa lần nữa. Lần này nàng hất tay làm rớt luôn cục kẹo yêu quý xuống đất .
Lần tỏ tình đầu tiên trong đời của mình đã thất bại thảm hại như vậy đó. Mình đâu có lổi gì đâu ? Mình đã hy sinh cho tình yêu như vậy mà nàng vẫn không hài lòng. Ánh mắt khinh bỉ của nàng đã theo mình suốt thời gian dài sau đó .
Sỡ dỉ phải kể chuyện dài dòng như vậy là mình muốn xác định một điều rằng với 2 kinh nghiệm đau thương với phụ nữ trong quá khứ đã làm mình trỡ nên rụt rè trước các cô gái . Như vậy anh chàng bõ hoa phượng vào giỏ xe của Kim Loan và anh chàng gỡ giúp ống quần cho Kim Loan không phải là mình . Nếu mình có làm điều đó thì chỉ làm vì tiền mà thôi, mà theo như câu chuyện thì anh chàng đó đâu có đòi tiền ?
Lại còn anh chàng nào tệ hại theo đuổi quá quắt đến độ Kim Loan phải đạp xe lẫn vào các con hẻm vậy chứ ? Thiệt là không lịch sự chút nào cả ! Nếu đó là mình thì bây giờ Việt Nam đã lưu hành bài hát ” Ngày xưa Vũ Thị ” rồi. Dù cho hôm đó trời có nắng chang chang đi nữa thì mình cũng chế biến thành trời mưa cho thêm phần lảng mạn . Anh chàng này chắc cũng họ Phạm nhưng không phải Phạm Duy mà là Phạm Pháp đây mà .
Lại còn …..mà thôi đủ rồi không viết nữa !
Chao ban
Minh la Tran Ngoc Hung lop CT2 .
Ban cho minh nick tren facebook de ket noi voi anh em o Uc duoc khong ? Minh vua moi hop mat cuu hoc sinh Cao Thang hom nay .
Cam on nhieu
Tran Ngoc Hung
Hello anh Hùng,
Trang nhà Úc Châu là trang mạng , nhà của anh chị em mình mà, vô quậy tưới tung cho vui đi anh. KTUC không có trang cá nhân Facebook anh à . Cho Ktctuc xin tấm hình anh để bỏ lên cho các anh chị em CT năm châu nhận diện đi anh . Anh gởi về Mail ‘ ktctuc2012@gmail.com‘ .
Cám ơn Anh nhiều
Đúng như anh Trúc nói văn là người, đọc bài viết này của Vũ Loan em rất thích nàng nắn nót từng câu chữ đọc lên nó làm cho em nhớ lại thời học trò và nhớ nhiều về Vũ Loan ngày ấy, hiền lành, trầm lặng ít nói…Vũ Loan xinh xắn và kiêu sa làm biết bao nhiêu trái tim xao xuyến điều này khg có gì phải ngạc nhiên…
Bây giờ gặp lại Vũ Loan nàng chân tình lắm, hai lần Xuân Lan qua Mỹ mặc dù bận bịu nhưng Vũ Loan cũng cố thu xếp thời gian để gặp Xuân Lan động viên chia sẻ em có năn nỉ nàng tham gia web Vũ Loan luôn nói ” Thôi Loan khg dám đâu! Nhưng Loan cũng hay vào web đọc lắm, Xuân Lan cố gắng viết bài đi! Coi như vẫn còn là dế nhủi rồi!
Có một điều hơi nghịch lý nhưng buồn cười thường bọn nữ Cao Thắng tụi em lấy chồng bên ngoài khg phải học sinh Cao Thắng nếu mà đi họp mặt các đức ông chồng thường hay ngại và sợ cả bạn gái và bạn trai của vợ mấy ổng. Bởi vì nghe danh Cao THắng ai cũng sợ, riêng anh Ẩn chồng Vũ Loan kỳ đại hội rồi đến tham dự em hơi giật mình ảnh tên Ẩn mà lại hiện ra vì khó có ai biết được mặt các ông chồng tụi em trong ngày họp mặt lắm, khổ thân anh hết đứng lên rồi ngồi xuống cho anh Duy chụp hình mấy nàng Ct5.
Chơi dế thì người ta thích dế trống thậm chí dế trống có đôi cánh đẹp mà còn gáy rất hay…Con dế mái bắt nhầm người ta lại quăn đi, anh Trúc bây giờ chuyển qua thích dế nhủi là phải rồi bởi vì bây giờ đâu còn sức để đá dế hehe…
Cũng may ông VT bây giờ đã lớn không còn thích chơi …dế nữa, nếu như không kiểu mà nằm xuống đưa lưng cho người ta cưỡi với cái quần lủng đáy cả gang tay là chỉ cần 1 ngày thôi có lẽ sẽ có nhiều nàng sồn sồn sắp hàng chờ. Tính ra mới 4,5 tuổi đã biết yêu rồi thì cũng thuộc hàng võ lâm cao thủ đó.Thảo nào đi tới đâu luôn có người gọi là thầy , người thì tôn là đại ca .Nếu là tôi thì tôi sẽ “phát” sướng cả lên mấy từng mây.Nhưng khổ nỗi bà nhà lại gọi tôi là “tổ kiến ngủ”nên không tài nào có tiếng “kiêu” như vậy. Nói theo phim bộ là “chúc mừng chúc mừng”.
Mấy hôm nay đọc phản hồi của ông dường như lời văn không thấy hưng phấn lắm nhưng lần này lại sống động hơn . Tại sao dzậy…!
Kim Đinh hỡi,cô em châm chích mọi người ,bi giờ cô em lại có thêm cậu em cùng họ Đinh mà tên Thăng nữa tiếp tay nữa thì chắc cũng có người “thăng” luôn đó Kim Đinh .
Thời gian thấm thoát hơn 32 năm, ngày tình cờ mình gặp được KLoan tại trại tỵ nạm Malaysia cũng như gặp được HHuong. Sau đó đến nay mình không có cơ hội được gặp lại các bạn. Có lẽ vì lúc đó Anh Em mình đang ở trong trạng thái giao động rất mạnh trong tư tưởng khi chuẩn bị và bắt đầu thay đổi cuộc sống mới, gặp nhau chỉ biết khẽ gật đầu mà không hỏi thăm cũng như làm thân thiện mặc dù chúng ta cùng nhau học chung một mái trường.
Khi anh em mình rời khỏi mái trường, vì điều kiện cuộc sống và sự thay đổi của xã hội nên khung trường Cao Thắng đã biến mất trong tâm thức theo cách riêng của từng người. Hôm nay đọc được bài viết của KLoan với cách hành văn thật đơn giản, nhẹ nhàng, cộng với những từ ngữ thật dí dỏm và những câu thành ngữ trong dân gian VN. Cũng rất dể dàng gây một cảm xúc cho người đọc đang tìm về một cái gì đã mất của ngày xưa đó. Bài viết của KLoan đã đưa người đọc không thể nào bỏ xót từng hàng chữ, sự diễn đạt và những cảm xúc của KLoan thời học tại trường Cao Thắng thể hiện một cách khá rõ ràng khiến người đọc có cảm tưởng đang được đứng trước cổng trường ngày nào, cùng với những tà áo dài trắng tha thướt của những cánh hoa hồng lạc vào giữa sa mạc. Sự hiện diện bắt đầu của lớp 10CT5 ngày nào, đã làm biến đổi bộ mặt của Cao Thắng. Từ trạng thái của môi trường giống như những sa mạc hoang vu, thiếu nước uống, cộng với những cây hoa tươi thấm trong vườn hoa quý hiếm.
Với phong cách và thái đó ngượng ngùng của KLoan thời bây giờ, mỗi khi ra vào và sinh hoạt trong trường CT, trước bao nhiêu đôi mắt luôn nhìn chăm chú vào các cô 10CT5! Chính vì như thế, nên vô tình đã gián tiếp tạo cho KL một vị trí chuẩn mực của một người con gái VN: Duyên dáng, đoan trang, thuỳ mỵ và thật kín đáo. Từ ưu điểm trên đã gián tiếp đưa vào sự chú ý của biết bao nhiêu chàng trai thanh niên đang học lớp 10, 11 và 12 của niên khoá 74-75. Trong đó có một Anh của lớp 11T6 của lớp mình đang học, phải lòng và say mê một cách mãnh liệt. Nếu KLoan nhìn vào tấm ảnh đã được kèm với bài viết, các Anh của lớp 11T6 chụp nhân ngày Hội CT, KLoan sẽ nhận diện ra được người bạn mình đề cặp. Nơi dãy lầu đồng hồ mà các Anh lớp 11 ban toán thường học trên các phòng, có thể không thể nào không nhắc đến vào những giờ ra chơi hoặc nghỉ trưa biết bao chàng trai ngớ ngẩn luôn để mắt nhìn về hướng cây phượng, phía trái của cây phượng, nơi đó có phòng học của lớp 10CT5.
Nhưng có lẽ duyên nợ không đến với những người bạn học chung lớp. Cũng có những cuộc tình một thời đang thương và đang yêu của lứa tuổi học trò với các cô 10CT5, nhưng cuối cùng vì hoàn cảnh thay đổi nên đành phải không đi đến đoạn cuối, riêng chỉ có Anh HS và TV đã nên duyên chồng vợ và họ có cuộc sống thật là hạnh phúc đến ngày hôm nay.
Thời gian trôi qua và đã trôi đi một cách không ngừng nghĩ, quá khứ chúng ta không thể nào tìm lại được nữa. Anh Em mình bây giờ trên vài đã gánh trách nhiệm làm Ông, Bà, Cha Mẹ của những đứa con và những đứa châu thân thương. Nhờ trang web KTCTUC đã đưa Anh Em chúng mình lưu lạc khắp phương để đến gần nhau hơn, trong tình cảm thân thương của những người con học chung mái trường Cao Thắng.
Có lần mình đã nói trong vài bài viết “ Trường CT là nơi quy tu những trai tài, gái thông minh”. Bằng chứng đã chứng minh cho thấy học sinh suất thân từ trường CT luôn là những người hữu dụng cho đất nước VN, lẫn những quốc gia khác mà nơi đó có học sinh CT đang sinh sống.
Đức Hiếu 11T6 niên khoá 74-75.
PS: Lời phản hồi trên nếu KLoan cảm thấy không hài lòng xin cho ban quản trị trang web biết, để được xoá bỏ.
Lâu quá anh Hiếu không xuất hiện. Hôm nay hiện diện với commment nhiều cảm xúc nhỉ. Tôi rất hiểu những cảm xúc của anh trong thời gian tỵ nạn trên đão.
Tôi cũng ái ngại cho tình cảnh đó, khi mà là bạn bè đáng lẻ bất ngờ gặp nhau nơi đất khách quê người sẽ vui mừng , xúc động và kết chặt thêm tình bằng hữu thì lại gượng gạo gật đầu chào nhau rồi lãng đi vì vô hình dung lúc đó mổi người được xem như có tư tưỡng đối nghịch nhau ở hai bên chiến tuyến . Cũng may tất cả đều trỡ thành quá khứ và là quá khứ thật xa rồi.
Ngày nay sẽ là buồn cười và ấu trỉ biết bao khi chỉ vì khác biệt nhau về tư tưỡng nên thù ghét nhau bất chấp tình cảm giữa người và người. Thế giới ngày càng rộng mỡ, thông tin ngày càng đầy đủ. Con người ngày càng hiểu biết, người ta biết chấp nhận sự khác biệt về tư tưỡng về văn hoá để có thể từ trái tim đến trái tim .
Hãy nhìn xem các chính khách của hai đãng Cộng Hoà và Dân Chủ. Trên chính trường họ đấu tranh với nhau mảnh liệt nhưng ngoài đời họ lại là bạn bè của nhau. Bỡi vì hơn ai hết họ hiểu rằng chính trị chỉ là chính trị và con người thì phải đúng là con người.
Các nhân vật lớn trên thế giới hiện nay đều có cách hành xữ tương tự, họ là bạn bè của nhau mặc dù về chính kiến khác biệt thậm chí đối nghịch nhau. Có lẽ họ làm được điều đó vì họ là nhân vật lớn và chúng ta vì lẽ cứ đễ tư tưỡng chính trị chi phối cuộc sống đời thường nên chúng ta mải mải là nhân vật nhỏ mà thôi….
Hoan nghênh sự trở lại cũa anh Đức Hiếu sau thời gian vắng bóng, chắc là 2 ông bà mới vừa hưởng tuần trăng mật xong phaỉ không? Anh em trong nhóm tính là sẽ gửi ngừơi đi tìm nếu như trong tuần nầy anh không trình diện ha ha ha… Cãm nghĩ cũa ĐH về bài viết KL một lần nưã đã gợi lại cho anh em chúng tôi chút kỷ niệm cuã một thời hơi bị ngu vì Yêu mà không dám Nói. Bây giờ nhắc laị chuyện cũ mà đau đớn lòng ĐH ơi! Xin lỗi cho tôi tò mò hoỉ anh có người bạn cùng lớp phaỉ lòng người ấy, còn anh DH có chút naò chút naò không hén!….
Hôm nay tình cờ tìm thấy trang web nầy… Hồi đó tan học mình thường đạp xe thẳng về nhà, nếu có đi cùng đường với một cô CT5 nào là vì nhà 2 đứa ở cùng hướng….
VT 12T 75-76
Hi anh VT ơi.
Thấy anh vào bài viết này đánh comment lại có đi cùng với cô Ct5 nào? Sao mà giống tâm trạng anh Việt Trúc quá hihi…nhưng mà nữa đường ảnh cũng bị mất bóng nàng.
Em rất vui khi có anh tham gia web dạo này mấy anh em xách cà lê mỏ lếch đi tháo giàn khoan hết rồi nên web bị ế, chắc là tháo khg xong nên mới đẫy đi được một tẹo thôi! Hic.
Anh VT có thể cho em biết tên được nha nếu khg em lẫn với anh Việt Trúc mất anh ơi! Còn nữa em phải xin ảnh của anh nữa đó trên này có hình nhìn cho nó thân thiện anh à! Chỉ có Cao Thắng mình có kiểu này khg ai đụng hàng.
Hy vọng là anh sẽ vào đây thường xuyên tham gia với tụi em cho vui. Có bài vỡ hay thơ anh đã làm trong thời đi học cho cô nàng nào mà chưa dám gởi cứ mạnh dạng gởi lên tụi em đăng cho! Cám ơn anh. Chúc anh nhiều sức khỏe.