Kỷ nguyên 21 đã làm thay đổi đời sống, quan niệm, cũng như suy nghĩ của hơn 7 tỷ người sống trên hành tinh này. Phong tục tập quán cuả một vài quốc gia vẫn còn trói buộc mọi thành viên sống trong quốc gia và xã hội đó phải tuân theo một cách triệt để. Sự thiệt thòi phần lớn vẫn ngắm vào những người phụ nữ, với lối sống bảo thủ, định kiến và gia trưởng hiện nay vẫn còn khá phổ biến ở con người VN sống trong nước cũng như ngoại quốc.
Người phụ nữ VN sống trong nước vẫn mang nặng quan niệm “Chồng chúa vợ tôi” nên cuối cùng cuộc sống của các phụ nữ ở VN, khá phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng và xem người chồng là một “Gia trưởng” có đủ quyền hạn điều khiển mọi thành viên trong mái gia đình đó. Riêng phụ nữ VN đang sống ở các nước phương tây, họ có cơ hội tiếp thu nền văn hóa Tây Phương và đang có cuộc sống mà xã hội luôn ưu tiên cho giới chân yếu tay mền. Từ đó tư tưởng gia trưởng của người chồng trong gia đình đã bị lu mờ dần theo thời gian và cuộc sống.
Sự đối nghịch giữa hai nền văn hóa Đông và Tây đó là một trận chiến ác liệt, đã đưa đẩy nhiều gia đình VN sống ở ngoại quốc bị đổ vỡ, hoặc là nhiều thảm trạng đã xảy ra thật là thương tâm.
Người phụ nữ VN sống và lớn lên trên đất nước VN được cha mẹ bên chồng lựa chọn và cưới mang về, thì xem như từ ngày đó đến cuối cuộc đời họ chỉ biết làm nhiệm vụ người vợ và người mẹ cho con của mình, nặng hơn thế nữa là mang kiếp làm dâu trăm họ cho bên chồng. May mắn thì gặp cha mẹ chồng, chị em chồng thương như người trong gia đình, còn ngược lại thì họ xem như một đầy tớ không công cho gia đình.
Cái tập tục của những gia đình bảo thủ đã ức chế, khinh rẻ và chê bai nàng dâu, đơn giản nếu như nàng dâu đó không sanh được cho bên chồng một em bé thì sẽ bị dèm pha to nhỏ là “Cây độc không trái, gái độc không con”. Trường hợp nếu như không có được một bé trai nhằm mục đích nối dõi tông đường, thế là bên gia đình chồng buộc nàng dâu cho quyền người chồng có vợ hai, vợ ba để tìm cho ra một bé trai v.v. Biết bao nhiêu vở kịch và cải lương đã viết lên nhiều câu chuyện có thật trong xã hội VN từ ngàn xưa thật thương tâm và chua chát cho người phụ nữ VN khi về làm dâu bên chồng.
Tư tưởng “trọng nam kinh nữ” đã ăn sâu vào tiềm thức, cũng như trong máu huyết của người đàn ông VN. Vai trò gia trưởng luôn được tôn vinh, nên những người sống trong xã hội đó buộc mình cũng phải theo vòng xoáy của quỹ đạo đã định sẵn. Giả sử nếu mình đi ngược lại thì đương nhiên sẽ bị nhiều lời dèm pha, chê bai và thách thức của những người chung quanh. Tiếc rằng đàn ông VN mình được sanh ra và lớn lên trên mảnh đất đã biết bao năm chiến tranh, dù muốn dù không thì bản chất và cá tính của người đàn ông VN đều là những người có bản tính khá nóng. Ngược lại những người đàn ông được sanh ra và lớn lên ở những đất nước có nền văn hóa cao và cuộc sống vật chất khá đầy đủ và họ không biết chiến tranh là gì, thì có lẽ máu anh hùng rơm của họ không cao bằng người đàn ông VN.
Nói về người phụ nữ, luôn luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong mái gia dinh. Sự thành công hay không thành công của người đàn ông đều có liên quan rất nhiều đến vai trò của người bạn đường, nhưng tiếc thay công lao ấy không bao giờ được xã hội “phong kiến, bảo thủ” thừa nhận.
Đối với xã hội phương tây họ có cuộc sống khá cởi mở, nên họ rất tôn trọng người phụ nữ, họ luôn thừa nhận ưu điểm của người phụ nữ là người rất đắc lực, đã giúp rất nhiều cho người đàn ông thành đạt trong sự nghiệp hoặc bất cứ một lãnh vực nào đó. Hẳn chúng ta cũng đều biết trong tất cả các bài diễn văn, từ các nhà lãnh đạo tối cao, cho đến những nhà khoa bảng đều bắt đầu bằng: Thưa Quý Bà, thưa Quý Ông. Ngược lại ở VN thì bắt đầu bằng: Thưa Quý Ông, Thưa Quý Bà.
Trường hợp về những chương trình phụ trách làm việc đã đạt đến sự thành công, đoạn cuối của bài phát biểu cuả họ, đều luôn nói lời cảm ơn người Vợ đã giúp cho họ rất nhiều để có được ngay vinh quan và thành công ngày hôm nay. Trong trường hợp này mà áp dụng với các ông VN, thì đây là một đều sỉ nhục, nhất là Cha Mẹ và Anh Em các ông ấy sẽ rất lấy làm khó chịu với nàng dâu.
Xã hội bảo thủ cũng là một vũ khí rất lợi hại, đã làm cho người phụ nữ sống trong xã hội đó không có nhiều sự tự tin cho bản thân mình, nhất là người phụ nữ VN đã có sẵn trong bản tính “Nhẫn nhục và chịu đựng”. Riêng nói đến các phụ nữ sống ở các quốc gia Tây Phương luôn coi trong người phụ nữ thì hoàn toàn trái ngược, họ sẵn sàng tham gia mọi hoạt động và trong gia đình họ sẵn sàng nói lên những bất bình và chỉnh sửa khi thấy những việc làm của người bạn đời không đúng!
Người phụ nữ VN luôn là những người hoà nhập vào cuộc sống mới một cách rất dễ dàng nếu đem so với người đàn ông VN. Bất cứ hoàn cảnh thay đổi, hoặc khó khăn nào, người phụ nữ luôn là đầu tàu để thích hợp cho mọi tình huống với mục đích mang lại cơm no áo ấm cho mái gia đình. Đến ngoại quốc làm lại cuộc sống người đàn bà vẫn phải tích cực đi làm, nhằm mục đích giúp chồng lo cho mái gia đình no ấm. Nếu như cứ ở nhà chỉ biết làm nhiệm vụ người nội trợ và người vợ thì có lẽ cuộc sống của họ sẽ phải đối đầu với biết bao là khó khăn về mặt tài chánh. Ở Tây Phương đồng lương không mấy chênh lệch giữa phụ nữ và đàn ông, các bà làm việc cũng ngang ngửa như các ông. Chính sự trực tiếp giúp sức lo cho mái gia đình, làm việc và tiếp xúc với xã hội, sự ưu đãi của chính phủ đối với những phụ nữ cần giúp đỡ, đã làm cho người phụ nữ có sự tự tin nhiều hơn và có tư tưởng phóng khoáng hơn. Đó cũng là những yếu tố dẫn đến vai trò “gia trưởng” của người Chồng cũng lần lần bị lu mờ theo thời gian của cuộc sống chung trong mái gia đình.
Vai trò gia trưởng, hét ra lửa, điều khiển, chê bai và xem thường người bạn đường của nhiều người đàn ông VN sống ở xứ người của thập niên 80-90, đã làm nhiều ông trả một giá khá đắt. Đàn ông VN khi máu anh hùng rơm nổi lên, có thể đánh vợ, đánh con một cách không nương tay theo kiểu ở VN. Đến xứ người nhiều ông vẫn áp dụng chiến thuật này, mặc dù không bị người thân trong nhà báo cảnh sát nhưng hàng xóm họ đã gọi điện cho cảnh sát đến can thiệp. Nhẹ nhàng và đơn giản được giải quyết nhanh gọn là: Được mời về đồn cảnh sát, tùy theo mức đó nặng nhẹ của người phụ nữ đã bị hành hung. Thế là phải đối diện với tòa án để được phán xét, vài tháng vài năm xem như là hết cuộc đời trai trẻ của anh hùng rơm. Vào ngồi gỡ lịch mặc dù biện pháp an toàn cũng khá cao, nhưng rất tiếc người Tây Phương ở đây họ rất ghét đàn ông đánh vợ, hoặc là làm những chuyện tổn thương đến phụ nữ và trẻ em. Nhuyễn nhuyễn thì cũng bị các băng đảng, bạn tù dạy cho vài bài học vỡ lòng, thậm chí còn bị một số người tù bệnh hoạn dở trò bề hội đồng hằng ngày. Sau một thời gian suy gẫm về lỗi lầm và sự lỡ dại, nhiều người khi được thả ra ngoài xem như không còn cơ hội trở thành bình thường được nữa. Nhiều ông khi ra ngoài đời thì tính tình đã bị thay đổi giới tính lúc nào cũng không biết, thậm chí khùng khùng, hoặc là ba trợn và có ông trở thành người rất là hiền và ngoan ngoãn.
Một xã hội có sự tôn trọng nhân quyền cao, người phụ nữ cũng như trẻ em đều hưởng những ưu đãi của xã hội như mọi người. Họ sống lối sống của một người cóquyền nói lên tiếng nói của mình, họ có một vị trí khá quan trọng những gia đình thuần túy v à ngay cả trong xã hội.
Nói đến người chồng ở các xứ phương tây, hẳn quan niệm của người đàn ông Á châu hay nói riêng đàn ông VN thì hoàn toàn khác biệt. Chuyện người phối ngẫu có mang thai chờ đến khi sanh nở, hầu như họ đã phó thác cho người bạn đời của họ. Thậm chí họ sẽ viện nhiều lý do để tránh sự chăm sóc hoặc là lo lắng cho bà xã lúc mang thai. Ngược lại với văn hóa của Phương Tây, khi người phụ nữ có mang thai, chắc chắn người chồng cũng phải chia sẻ trách nhiệm và bổn phận với vợ và em bé. Những chuyện thật là nhỏ nhất, nhưng rất quan trọng đối với người phụ nữ khi mang thai. Khi người phụ nữ mang thai, thì người chồng sẽ được mời tham dự một khoá huấn luyện do bệnh viện Sản Khoa tổ chức, giúp cho bà xã lúc mang thai và khi sanh nở. Kế tiếp là việc chia sẻ với vợ vấn đề thay tả, cho con bú, chăm sóc căn bản cho em bé. Còn một việc nữa mà thế giới phương Tây dạy cho các đấng mày râu, hình ảnh thật sự khi bà xã sanh nở. Đối với họ đây là một quan niệm đánh động tâm lý với mục đích để cho người chồng chứng kiến và thấy tận mắt để suy gẫm về chuyện sanh nở, cùng chia sẻ sự đau đớn của người phụ nữ khi sanh em bé.
Hẳn tất cả các đấng đàn ông sống ở ngoài quốc, đã từng có bà xã vào phòng sanh, lập tức các ông được các cô y tá giao cho áo khoác, giầy, nón và trang phục đầy đủ để vào đứng kế cận với bà xã, mục đích hỗ trợ và khuyến khích tinh thần cho bà xã trong lúc sanh nở. Trong giờ phút này, dù các ông hằng ngày uy thị vợ, chê bai, đã kích và xem thường vợ, hoặc máu anh hùng rơm lớn cỡ nào đi chăng lúc đó sắc mặt cũng tái xanh, tay chân run cằm cặp, miệng thì luôn cầu nguyện cho mọi việc tốt lành, mồ hôi thì thấm ướt cả áo khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng thật và mọi thứ chung quanh đang xảy ra đều thật cho đến khi tiếng em bé khóc và mở mắt chào đời.
Môi trường xã hội công bằng, cộng với nhận thức của con người đã được giáo dục từ khi cắp sách đến trường và luật pháp nghiêm trị rõ ràng. Đó cũng là những yếu tố bắt buộc mọi thành viên trong xã hội phải tuân theo. Chúng ta không thể nào vượt qua khỏi cái quỹ đạo đã định sẵn trong xã hội mà chúng ta đang sống.
Mọi người chúng ta được sanh ra và lớn lên đều có một quyền hạn bất khả xâm phạm, đó là quyền làm chủ của tinh thần và thể xác chính mình. Đừng vì bất cứ một lý do gì, để biện hộ rằng mình là người sở hữu từ tinh thần lẫn thể xác của người phối ngẫu hay là người bạn đời của chúng ta, nói đúng hơn là người bạn, người tình, người yêu, người vợ và là người Mẹ. Cha mẹ nuôi chúng ta 20 năm, nhưng người bạn đời cùng đồng hành, chia sẻ ngọt bùi và đau khổ của cuộc sống có thể là 20 năm, 40 năm hoặc là 60 năm, hoặc suốt cuộc đời của họ v.v. Chính người bạn đời của chúng ta đã cho chúng ta có cơ hội được làm Cha của những đứa con dễ thương và đáng yêu. Có thể chúng ta thành đạt tột đỉnh từ tiền tài, công danh đến địa vị hoặc là người thất bại về mọi mặt, người luôn luôn bên cạnh ta trong mọi hoàn cảnh, an ủi và lo lắng, vẫn là bà xã của chúng ta. Hãy tỏ lòng biết ơn và vài lời cảm ơn bà xã, đã cho chúng ta có được diễm phúc đến ngày hôm nay. Không nên chờ đến ngày mai, có thể ta sẽ không còn cơ hội nữa.
Đừng quên suy nghĩ và quan niệm:
Bình đẳng, tôn trọng, thương yêu, tha thứ và chân thật.
* Trang này được xem 2223 lần