
Có người hỏi tôi. Tại sao chúng tôi có nhiều kỷ niệm như vậy? Tại vì có nhiều dịp cùng sống với nhau, chứ nếu chỉ học chung thì không gắn bó như vậy. Chúng tôi đã cùng sống chung khi đi học ngoài Bắc, cùng chung những ngày lao khổ ở Đồng Tháp Mười, cùng sống chung ở lầu đồng hồ trường Cao Thắng để ban ngày thì đi dạy và ban đêm thì thay phiên nhau làm bảo vệ canh giữ trường với tất cả lòng nhiệt tình và hoài bão cống hiến cũa tuổi trẻ mà không đòi hỏi chút thù lao nào cho bản thân mình.
Trải qua những ngày tháng đó với nhau đã làm nên sự gắn bó chặt chẽ, dù có những bất đồng như thế nào và trong bất cứ vấn đề gì thì chúng tôi vẫn cứ vui vẻ là bạn bè của nhau, dù 5 -7 năm hay 10 năm không gặp thì khi gặp lại vẫn cảm thấy thân thiết như ngày nào.
Đôi khi ngồi uống cà phê với nhau hàng giờ mà chẳng cần nói chuyện gì với nhau, mặc tình thả hồn theo những suy nghĩ riêng tư cũa mình, sau đó thì đường ai nấy bước, để rồi lần gặp nhau kế tiếp vẫn như vậy.
Dường như khi đã thân nhau ở mức độ nào đó thì người ta chẳng cần nói chuyện mà vẫn có thể cảm thông nhau, vẫn cảm thấy ấm áp tình bằng hữu.
Sau khi học xong giáo viên dạy nghề chúng tôi được phân công về các trường dạy nghề trong thành phố. Về trường Cao Thắng, nghề Kỹ nghệ sắt gồm Lành, Trung Dũng, Trong. Nghề Tiện gồm Hiệp, Tấn Dũng, Dục, Tài, Vĩnh Ba. Nghề Phay Bào gồm Ngọc & tôi. Nghề Nguội chỉ có mình Tân mập nhưng khi về lại làm trong ban đời sống chứ không làm xưởng Nguội.
Ban Kỹ nghệ sắt có việc làm ngay cho giáo viên mới nhưng ban Máy dụng cụ thì chưa, thế là cả đám giáo viên nghề tiện phay bào được điều đi lao động ở Đồng Tháp Mười.
Thời gian cuối 1979 đầu năm 1980 tình hình lương thực trở nên khó khăn vô cùng, nếu chỉ trông chờ vào sự phân phối của nhà nước thì khó mà tồn tại nỗi. Thế là khắp nơi nơi, các cơ quan, đoàn thể, trường học, nhà máy, bệnh viện đều tự bươn chải kiếm thêm cho nhân viên mình.
Ban Đời Sống một biến thể lạ lùng của phòng ban thời bao cấp được thành lập khắp nơi và trở thành ban có quyền lực rất lớn so với các ban bệ khác vì vậy nhân viên của nó cũng phình lên nhanh chóng. Ban đời sống trường Cao Thắng khi đó đang hợp tác với một vài nông gia ở đồng Tháp để làm hàng trăm mẫu ruộng, thời điểm gần tết đúng vào lúc chuẩn bị thu hoạch vụ lúa mùa. Vậy là một lần nữa 7 đứa chúng tôi lại lên đường với vai trò chủ điền, có thể gọi là Sài Gòn Thất Ngáo cũng có lý vì cả đám có ai biết gì về nông nghiệp đâu?
Theo tôi hiểu thì Đồng tháp mười là vùng trũng nằm giáp ba tỉnh An Giang, Long An và Kiến Phong cũ (nay là tỉnh Đồng Tháp). Ở đó thì giới trung nông cũng có trong tay vài chục mẫu ruộng, đất trống còn mênh mông, người ta có thể tự khai phá để trồng lúa nước và còn những nguồn lợi đánh bắt cá.
Nhưng ở đâu cũng có dân nghèo, tuy rằng có thể tự khai phá nhưng chí ít cũng phải có chút đỉnh vốn để thuê mướn nhân công mà họ thì chẳng có gì ngoài chiếc xuồng rách nát, thế là cả gia đình đều sống trên ghe xuồng rày đây mai đó để kiếm sống, khi thì làm thuê làm mướn, khi thì đánh bắt cá bằng những phương tiện thô sơ để đổi lấy gạo qua ngày. Từ đời này sang đời khác nhiều người chỉ ao ước có một mảnh đất nhỏ để cắm dùi, có một chổ để dựng chòi lá cho con họ có chỗ đi học nhưng nhiều người cho tới chết cũng không thoả được nguyện vọng.
Tôi đã hỏi chuyện một người như vậy, họ nói rằng tới đời họ là đời thứ ba vẫn còn lênh đênh trên sông nước, ông ta nói rằng ở lại một chổ cũng được vì xung quanh đất trống mênh mông nhưng ở đó rồi lấy gì mà sống, đâu có ai thuê mướn gì đâu, cho nên cứ phải sống cả đời trên xuồng ghe thôi.
Mỗi vùng đất có những đặc điểm khác nhau, nếu ai hỏi tôi “đặc sản” của Đồng Tháp là gì thì tôi xin thưa rằng đó là Đỉa, Muỗi và Cá.
Người ta nói rằng vùng Đồng Tháp thì muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh.
Đỉa thì cũng rất nhiều nhưng nó ít có ở nơi nước chảy mà thường ở vùng nước tù đọng, biết vậy nên có thể tránh được, nếu có đi nữa thỉ không có cảm giác khó chịu nhiều, chỉ việc gỡ ra và giết nó là xong.
Tuy vậy nhưng nếu bị chui vào đường sinh dục hoặc đường tiết niệu thì cực kỳ nguy hiểm, ngay cả đàn ông vẫn bị chứ không chỉ phụ nữ vì hồi đó ở vùng quê thì đàn ông đâu có mặc quần lót. Nguy hiểm là vì người ta không hề có cảm giác bị nó chui vào mà khi thấy bị ra máu hoặc đau đớn mới nghi ngờ là bị đỉa chui vào chứ cũng không xác định được, lúc này muốn cứu chỉ còn cách đưa vào bệnh viện để giải phẩu vì lúc đó do hút nhiều máu nên nó rất lớn. Nghe nói rằng đỉa nếu mình chặt nó ra làm hai thì sẽ thành hai con, nếu chặt làm bốn thì sẽ thành bốn con, tôi nghĩ điều này hơi vô lý nhưng nhiều người khẳng định như vậy nên tôi không dám chắc.
Vì lòng căm thù lũ hút máu người một cách trắng trợn này, anh em chúng tôi đã nghĩ ra phương pháp xử lý một cách lịch sự không cần phải chặt chém gì cả, đơn giản là dùng đũa lộn ngược nó lại giống như các bà nội trợ làm sạch ruột gà vậy, tôi cũng không có dịp quan sát là nó có sống được với hình thức “ruột để ngoài da” như vậy hay không? Nếu nó sống được thì tới đời con nó chắc cũng trở thành cái dạng “ruột để ngoài da” như vậy chăng? Giống như lý thuyết về trứng gà thì nở ra con gà còn trứng vịt muối thì nở ra con vịt muối vậy, nếu heo quay rồi mà vẫn còn sống chắc dám đẻ ra heo sữa quay lắm chớ chẳng chơi .
Muỗi thì đích thị là vấn đề nan giải của Đồng Tháp, nó nhiều đến độ mà cứ trời vừa tắt nắng là hầu như tất cả sinh hoạt đều phải diễn ra trong mùng.
Da dày như trâu bò heo cũng không thể chịu nổi, tất cả đều được ngủ trong mùng, nếu không làm vậy thì heo không thể lớn, còn trâu bò thì không còn sức để cày cấy gì cả.
Cũng may, vào ban ngày thì rất ít muỗi, có một lần chúng tôi bơi xuồng sâu vào trong ruộng lúa mà quên giờ về, mãi đến khi thấy sao nhiều muỗi quá thì mới chợt nhớ. Vội vàng chèo chống thật nhanh để trở về nhưng đã muộn. Lúc đó tôi và Tài, đứa chèo lái đứa chèo mủi thật vô cùng khổ sở vì cứ chèo 1 – 2 nhát thì phải ngừng tay để đập muỗi khắp người rồi lại cứ lập đi lập lại mà như vậy thì xuồng đi càng chậm hơn bình thường, nắng dần tắt thì muỗi càng dữ dội hơn. Vừa chèo chống vừa bàn cách đối phó, Tài đề nghị rằng để nó đập muỗi cho tôi chèo một mình nhưng tôi phản đối vì nó làm sao biết tôi bị muỗi cắn chổ nào mà đập, trời thì tối dần mà mắt nó thì cận, tôi đòi đổi ngược lại thì nó phản đối vì tôi chỉ có thể đập muỗi hoặc phía trước hoặc phía sau cũa nó thôi chứ trên xuồng nhỏ và hẹp như vậy thì làm sao chạy vòng quanh nó được (có thể nó sợ tôi láu cá chỉ lo xua muỗi cho bản thân mình mà không xua cho nó ?) Thế là vô kế khả thi, chỉ còn cách duy nhất là hy sinh xương máu. Sau lần đó về đếm lại chỉ sơ sơ vài trăm vết thôi chứ cũng không nhiều.
Thời điểm đó do thiếu thốn về nguyên vật liệu nên mọi hàng hoá sản xuất ra đều kém về chất lượng vậy mà kim của mấy con muỗi này không biết nhập ở đâu lại cực kỳ tốt, mặc quần jean vẫn bị nó cho một phát là nhảy nhỏm. Hôm nào lỡ nấu cơm trễ thì đành chui vô mùng mà ăn, sau đó thì cứ thế mà đi ngủ sớm.
Chắc vì vậy nên vùng này dân cư khá đông đảo? Có thể đề nghị bổ sung cho lý thuyết về sinh sản của nhân loại rằng “Muỗi tỷ lệ thuận với con người, hễ muỗi càng nhiều thì người càng lắm.”
Nếu ta cho muỗi ăn loại thức ăn gì đó để tiết ra phẩm màu xanh đỏ tím vàng thì chỉ cần vẽ lên người bằng loại mực hấp dẫn chúng thì chỉ trong vòng 10 phút ta sẽ có hình xăm đủ màu xanh đỏ tím vàng đẹp cực kỳ, lúc đó ngành xâm hình thẩm mỹ trên thế giới sẽ phá sản, Đồng Tháp Mười cũa chúng ta sẽ giàu lên nhanh chóng, khách sạn Đồng Tháp chẳng cần đầu tư phòng ốc cho tốn kém ngân sách mà chỉ cần một manh chiếu cũng đắt như tôm tươi.
Nếu khách du lịch nào bị bí tiểu thì càng đơn giản hơn, cứ nhảy xuống nước đứng im chừng vài phút là có lũ đỉa đói giải quyết ngay bệnh tật mà không cần đi bệnh viện, không sợ phản ứng phụ vì dùng thuốc tây. Ý tưỡng này có thể được nghiên cứu thêm một chút thành luận án tiến sĩ trình bày tại đại học Harvard Hoa Kỳ với tựa đề là Du Lịch Kết Hợp Trị Bệnh & Thẫm Mỹ Với Mức Đầu Tư Gần Bằng Zero.
Cá là “đặc sản” nổi tiếng của vùng này từ thời xa xưa, nếu có ai đọc truyện của Sơn Nam thì biết rõ, tôi cũng nghe nhiều người kể lại nhiều điều thú vị về nó. Đến thời chúng tôi về Đồng Tháp thì không còn cảnh chỉ bơi xuồng qua vùng nuớc nào đó mà cá nhảy lên đầy xuồng hoặc tuỳ tiện đập mái chèo xuống nước cũng trúng một con cá to ….nhưng thật sự khi đó cũng có rất nhiều cá.
Năm 1978, miền tây bị lũ lụt lớn, vùng Đồng Tháp cũng vậy, tuy mất mùa lúa nhưng được mùa cá, cá nhiều đến nỗi các gia đình ở đó không còn biết bán cá cho ai, chỉ còn tìm cách chứa lại để làm nước mắm hoặc nếu có chỗ thì phơi làm khô nhưng rồi vì quá nhiều nên đành ngưng hẳn việc đánh bắt cá. Họ cất vó bắt cá (Vó có thể diễn tả như chiếc lồng bàn bằng lưới quay ngược lên, được nối với cái cần bằng tre dài, được dở lên và hạ xuống bởi một điểm tựa làm đòn bẩy). Khi ta về miền tây thường thấy họ cất vó bắt cá nhưng vó ở các tỉnh khác thường lớn cỡ như cái mùng là nhiều, còn ở sâu trong Đồng Tháp thì to bằng cái nhà nên cái cần để kéo lên hạ xuống phải dài đến 5 – 7 mét.
Năm 1978 họ nói cá vô nhiều đến nỗi đầy nghẹt muốn rách lưới, phải xả ra cho nó đi bớt mới kéo lên nổi. Để đong đếm số lượng cá họ không thể cân ký được vì quá nhiều và tốn công sức, họ dùng đơn vị là Giạ để đong.
Người ta dùng thùng chứa có dung tích là 20 lít để đong lúa, một thùng là nửa giạ, hai thùng là một giạ, thường một giạ lúa nặng khoảng 18 đến 22 kg tuỳ thuộc vào lúa lép hay chắc, ngoài ra còn có loại thúng đan bằng tre cũng có dung tích là nửa giạ, nhưng vì đó là sản phẩm làm thủ công nên khó được tin tưởng về độ chính xác của dung tích nên thường chỉ dùng để hốt lúa đổ vào thùng rồi mới đong. Giạ là đơn vị đo lường bình thường dùng để đong lúa nhưng có lẽ chỉ có ở Đồng Tháp mới dùng để đong cá mà thôi (có vẻ nó tiện sử dụng để đong cá làm nước mắm vì bồn chứa và muối cũng dùng đơn vị lít để tính toán).
Chúng tôi từ trước giờ chưa biết bắt cá ra sao, chỉ biết câu vớ vẩn thôi, tuy vậy mà không cần lưỡi câu, chỉ cột hạt cơm vào dây câu cũng câu được cá, rất thú vị ….cho đến khi có người chỉ cách bắt cá bằng tay và sau một vài hôm thì tay nghề của chúng tôi đã thành thần, hai đứa chỉ cần khoảng 30 phút là có thể bắt được 1/2 xô cá. Nói 1/2 xô cá nghe có vẻ không nhiều nhưng thực ra cá rô biển chỉ lớn nhất la 2 ngón tay thôi nên 1/2 xô là hàng trăm con cá chứ không ít.
Cá rô biển, không hiểu vì sao dân vùng đó gọi như vậy, bởi vì nó hoàn toàn sống trong nước ngọt, hình thức thì y như cá rô đồng mà ta thường thấy nhưng mình nó không đầy đặn mà dẹp hơn. Muốn bắt nó thì nếu ở vùng nước lặng thì cần quấy động để nó chui vào hang rãnh rồi thò tay mò bắt nhưng như vậy lại khó vả lại nơi nước lặng thì có nhiều đỉa, tốt nhất là tìm khúc quanh nào đó có nước chảy xiết một chút, các con cá nhỏ như cá rô biển có khuynh hướng trốn tránh dòng chảy bằng cách nấp ngay dưới dấu chân mình để lại, cho nên cứ đi qua lại vùng nước đó mà bắt hoài không hết, thông thường khi mình vừa rút chân lên để bước kế tiếp thì cứ thò tay ngay nơi đó là y như rằng có cá, có nhiều khi tóm được một lúc hai con.
Chúng tôi cũng đi mua câu cắm để cắm câu bắt cá lóc, ta thường hay nghe từ ngữ đi cắm câu hoăc đi thăm câu là như thế. Mỗi một khu vực thì cắm khoảng 10 đến 15 cần câu .Tôi không hiểu các vùng khác thì dùng mồi gì để câu cá lóc nhưng vùng này lại có loại mồi cực kỳ đơn giản và hiệu nghiệm là cá rô biển. Đúng là cá lớn nuốt cá bé, cá lóc thì thích ăn mồi động chứ không phải mồi chết và nó thích ở những nơi nước tĩnh lặng . Chỉ cần bắt cá rô biển sống và móc lưỡi câu ngang qua lưng nó rồi cắm cần câu xuống nước là xong, cá rô biển vẫn cứ sống và bơi vòng quanh cần câu gây chú ý cho cá lóc.
Dân vùng này thường đi cắm câu lúc trời chạng vạng tối và đến lúc gần sáng thì đi thăm câu để gở cá lóc mắc câu kịp đem ra chợ bán vào sáng sớm.
Cá lóc, nhất là cá lóc con, nó có thể sống trên cạn rất lâu, đôi khi nước rút thì nó vẫn còn nằm trong hang không còn chút nước nào cả ngày trời, nhìn vào nếu không quen cứ tưởng là con rắn, nó cũng ngáp ngáp miệng để thở, ở Mỹ người ta gọi là cá đầu rắn, họ cho rằng đây là loài cá cần phải diệt trừ vì nó rất dữ, chuyên xơi tái những con cá nhỏ bất kể loại nào. Thời gian gần đây nó xuất hiện tại Mỹ do các tàu sông biển khi cho nước và xả nước vào hầm tàu đả mang theo chúng đến Mỹ.
Giăng câu thì thực chất cũng giống như cắm câu nhưng chỉ cần hai cọc lớn cách xa nhau, được nối với nhau bằng dây nhợ dài căng thẳng, sau đó từng đoạn thì cột các dây nhợ ngắn mang lưỡi câu, giống như ta phơi quần áo cách quãng nhau như vậy.
Ngoài ra còn dùng các loại lưới và các loại công cụ khác để đánh bắt mà nếu kể ra đây chắc người đọc có thể đọc hết nhưng người đánh máy như gà mổ là tôi thì không kham nổi . Tôi chỉ muốn kể thêm về một loại lưới mà người ta gọi là ”Lưới Bén”.
Đó là một loại lưới có tiết diện cực nhỏ, nó gọi là bén có lẽ là vì vậy, bởi với loại lưới này thì loài cá nhỏ nào đi ngang đều bị dính, nó nhỏ và bền đến nỗi móc vào vẩy cá khiến cho con cá không thể thoát đi được và các loại rắn nước cũng cùng chung số phận, rắn là loài có vẩy rất nhỏ và mịn vẫn không thoát nổi lưới bén này . Vì vậy khi dở lưới bén cũng đề phòng có rắn độc nào vướng vào hay không .
Tuy nhiên tôi cũng chỉ được đi cắm câu có một lần vì sau đó trở ra ” nơi chốn cũ” thì cá và cần câu đã ra đi không bao giờ trở lại, không hiểu vì có ai đó cầm nhầm hay vì chúng tôi cắm câu không đủ chặt nên cá lóc nó lôi cả cần câu đi mất, tôi nghĩ có lẽ rơi vào trường hợp thứ hai thì đúng hơn, vì khi thăm câu lần đầu và cũng là lần chót đó thì chỉ còn lại một cần câu với con cá lóc đã chết – Một thương vụ lổ vốn đầu tiên trong cuộc đời cũa tôi .
Đồng Tháp và một lũ chúng tôi, những đứa sinh ra và lớn lên từ Sài Gòn, tuy có nhiều bỡ ngỡ nhưng vì yêu cầu công tác phải nhập cuộc thật mau .
Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chớ …..
Sướng cái gì ? chẳng qua là hát lên cho đỡ tủi vậy thôi, nhìn người ta cỡi trâu thấy dể dàng, chúng tôi cũng bắt chước . Nhân một dịp cần di chuyển qua một vùng khác, người dẫn đường cưỡi trâu đi trước, chúng tôi cũng đành cưỡi trâu theo sau, mặc dù chưa từng có kinh nghiệm này, chúng tôi không thể đi bộ được vì phải vượt qua vài con rạch vũng lầy và băng đồng vượt suối thì việc đi bộ trở nên khó khăn vô cùng, chưa kể là mình chẳng biết nó ở đâu và có vượt qua sông hay không mà đi bộ theo thế là đành nhắm mắt đưa chân .
Chẳng biết Thuý Kiều ngày xưa khi đem thân vào chốn lầu xanh có tâm trạng nhắm mắt đưa chân như thế nào chứ chúng tôi cực kỳ bối rối . Nhớ trước đây nhìn hình ảnh mục đồng cưỡi trâu mà còn thổi sáo vi vu, hai mắt lim dim có vẽ sung sướng lắm . Có ngồi trên lưng trâu mới biết không đơn giản như vậy, mổi khi nó bước đi thì các khối thịt trên lưng nó lồi lên thụt xuống làm cho mình cứ phải nghiêng ngã qua lại, sợ té muốn chết mà không biết vịn vào đâu . Nếu là ngựa thì ít ra còn có dây cương để nắm và thân mình cũa nó dẹp hơn nên mình có thể kẹp hai chân vào hông cũa nó sẽ cho cãm giác yên tâm hơn, còn con trâu này thì không hề có một sợi dây gì cã còn bụng nó thì to đùng và tròn vo, lúc đó hai chân mình bị quác ra hai bên thì làm sao mà kẹp chân được, nếu ngồi lâu dám đi hai hàng lắm chứ chẳng chơi hoặc có thể đi đến nơi rồi không biết làm sao để khép chân lại cho bình thường được .
Tình thế có vẽ không ổn nên chúng tôi gọi ông Ba Sơn là người dẩn đường và hỏi cách nào để không bị té thì ông ta trã lời rằng ” dễ quá mà cũng không biết, cứ thò tay ra sau lưng mắm đuôi trâu để vịn là xong” Đó là kinh nghiệm truyền đời của nông dân cho nên ngay lập tức chúng tôi áp dụng ngay .
Do chưa quen vị trí và khoảng cách đuôi trâu so với trên lưng nơi mình ngồi nên tôi buộc lòng phải ngoái lại nhìn để định vị nó mà hành động, đến khi nhìn rồi thì lại ngần ngừ không biết có nên nắm lấy nó không . Bởi vì đuôi trâu thì nằm bên sát bên trên và phủ qua “chổ đó” mà chổ đó thì toàn là “ấy ” dính tèm lem đầy đuôi trâu …..thôi thì thà mất vệ sinh còn hơn mất mạng . Hình như sau lần thử thách này chúng tôi trở nên thông cãm hơn cho hoàn cảnh nhắm mắt đưa chân cũa Thuý Kiều.
Cuối cùng thì cũng đến được nơi cần đến nhưng sau đó vài hôm thì hầu hết chúng tôi lảnh hậu quả của việc cưỡi trâu là bị nổi mục ngứa đỏ khắp “nơi tiếp xúc” với thân trâu ….thật là thử thách bi ai cho kẽ anh hùng . Sau này mỗi lần nghe bài hát ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ”, là tôi lại muốn đâm đơn kiện ông tác giả nọ .
Sau đó thì tôi và Dũng, Dục, Tài lại chuyển sâu vào trong Đồng Tháp Mười mênh mông chi địa . Có một việc bắt buộc phải làm quen, đó là bơi xuồng, chỉ có biết bơi xuồng thì mới mong tiếp xúc với thế giới bên ngoài, từ nơi chúng tôi ở (chỉ là chòi lá trên mặt đất lồi lỏm cứng còng ) đến chợ làng thì phải mất hơn 1.5 giờ bơi xuồng . Dỉ nhiên là mới đầu thì xuồng cứ quay vòng vòng nhưng chỉ một giờ sau là chúng tôi bắt đầu làm chủ được nó nhưng muốn điều khiển thành thạo thì phải lâu hơn nhiều .
Chỉ 2 tuần sau là tôi nếm mùi khác nhau giữa thành thạo và không thành thạo . Khi đó bác Tám hiệu trưỡng trường Cao Thắng đến tận nơi chúng tôi ở và bác cần đi ra chợ, trong khi chờ người để đưa đi thì Tài và tôi xung phong nhận lảnh nhiệm vụ này .
Bơi xuồng chơi là một chuyện nhưng khi thật sự cần phải dùng nó làm phương tiện di chuyển thì lại khác, chúng tôi phải sử dụng quá nhiều sức lực vì những đường chèo không chuyên nghiệp của mình đã gây nhiều phân lực không cần thiết, mủi xuồng thì cứ theo hình zích zắc mà tiến, thế là chúng tôi mất đến hơn 2 giờ đồng hồ mới ra đến chợ . Dường như lúc này bác Tám già hơn lúc mới đi hay do chúng tôi đã bở hơi tai và hoa cả đôi mắt ….và chúng tôi suýt tí nữa thì xỉu khi bác Tám quyết định quay về ngay . Sau biến cố này thì tôi và Tài là hai tên bơi xuồng giỏi nhất trong đám .
Đến khi vào sâu trong đồng thì chỉ còn 4 đứa tôi, phương tiện giải trí chỉ có bộ cờ tướng và máy hát đĩa đã nhão nhẹt của ông hàng xóm . Nơi chúng tôi ở chỉ có một nhà dân duy nhất bên cạnh có máy hát đĩa đã mòn kim với duy nhất một tuồng cải lương là Tâm Sự Loài Chim Biển, ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng đến chiều cũng chỉ duy nhất một tuồng đó, chúng tôi bị tra tấn ngày này qua ngày khác dần dà rồi cũng quen dần và nhớ từng lời một, kể cả lúc nào đĩa nhảo hát ngọng, có khi gặp lúc nó cà lăm thì mới thực sự khốn khổ.
Có lần ông chủ nhà bỏ đi đâu đó mà không tắt máy, đến đoạn nó bị cà lăm thì trời ạ ! chúng tôi phải nghe một câu hát lập đi lập lại từ sáng tới xế chiều, giống như là có ai đó lôi dây thần kinh cãm giác của mình mà nhai đi nhai lại như bò nhai cỏ vậy, thật may là đến khoảng gần 4 giờ chiều thì hết bình sạc chúng tôi đã thoát nạn .
Còn bạn Dục của tôi thì ghiền chơi cờ tướng nhưng rủ chẳng ai chơi cã, vì hắn chơi dở quá, thà mình nằm ngũ còn sướng hơn chơi với hắn, nhưng cuối cùng thì có cách giải quyết đôi bên cùng có lợi là : ai đánh cờ thua người đó nấu cơm . Thế là từ đó Dục nhà ta được nâng cao tay nghề cờ tướng đều đặn và …tay nghề nấu cơm cũng khá hẳn lên . Anh chàng không dám nấu cơm dở vì nếu tỏ ra nấu dở hơn bình thường thì chúng tôi không chơi cờ với hắn .
Nói đến nấu cơm mới nhớ đến nước dùng để nấu ăn và uống,Đồng Tháp có thể thiếu nhiều thứ nhưng nước thì không bao giờ thiếu, tắm rữa, ăn uống ,giặt giủ, rữa rái và trút bầu tâm sự đều cùng một khúc sông ấy….thật là vô cùng tiện lợi. Lúc đầu quả thật là có hơi ớn ớn nhưng vài lần rồi quen vả lại đâu còn đường nào để lựa chọn,khi đã quen chúng tôi còn hát bài hát ” anh ở đầu sông em cuối sông, uống chung dòng nước vừa ## xong…”
Chúng tôi không có phương tiện chứa nước, nếu có thì cũng sẽ làm như người dân là chứa trong lu hay khạp rồi dùng cục phèn chua quơ quào trong đó một hồi để phèn chua sẽ kết tủa các chất bẩn làm cho nước trong hơn, nhìn đỡ ớn hơn một chút. Động tác đó gọi là ” lóng phèn “. Họ chỉ cầm cục phèn chua quơ vài cái thôi vì nếu quơ lâu sẽ mau mòn xót của lắm.
Gần hai tháng sau thì tất cả chúng tôi lần đầu được ra chợ vì đã có người đem tiền lương đến, chúng tôi ra tới chợ nhìn giống như tướng cướp vì ai nấy không còn nho nhã như khi mới đến nữa, quần áo sốc xếch và vàng khè vì thiếu xà phòng và vì nước phèn, tóc dài phủ lổ tai và đặc biệt là không đứa nào còn dép để đi vì sau vài lần nhậu nhẹt giao lưu với vài thanh niên trong vùng, có lẽ khi xỉn họ đã ra về với đôi dép trong chân mà quên là lúc đến họ đi chân không, còn một số anh em thì vì lở dại mang nó đi xuống bùn, rồi sau đó chân rút lên còn dép vẩy tay chào ở lại .
Tôi không còn nhớ đó là chợ gì, chỉ nhớ nó mang đầy đủ dáng dấp cũa một ngôi chợ vùng quê với các loại hàng hóa cũng rất quê mùa mộc mạc.
Khi đó tiền lương thê thảm đến độ tôi nhớ chỉ mua được đôi dép và ăn tô cháo lòng( dân miền tây hay cho bún vô ăn chung với cháo ) và một vài thứ lặt vặt là gần hết tiền
Như Hiệp và Ngọc đã kể, khi mới đến, chúng tôi cắm lều trên con kênh lớn, nằm gần ngã ba, đây là loại lều trung đội nên khá rộng, nếu bạn nào có đi trại hè Nha Trang thì sẽ nhớ, đó là lều thiệt to cũa ban chỉ huy trại hè Nha Trang.
Vì đi lâu ngày và xa thị xã và đường giao thông nên chúng tôi đem theo khá nhiều thuốc tây và thuốc đỏ, bông băng, băng keo v.v…. có điều ở thời điểm đó nói thuốc tây nghe cho oai vậy thôi chứ chủ yếu là Xuyên Tâm Liên.
Đó là loại thuốc độc đáo cũa thời bao cấp, độc đáo là vì người ta dùng nó để trị bá bệnh nhưng….hình như chẳng trị hết bệnh nào cã, nếu uống nhiều loại này chỉ có một tác dụng tốt là no bụng mà thôi, nó được chiết xuất từ cây xuyên tâm liên mà nghe nói là có tác dụng tương tự như trụ sinh. Nói cho vui nhưng có lẽ nó cũng có chút tác dụng nào đó với dạng cãm cúm thông thường.
Người dân lúc đầu cứ tưởng chúng tôi lập trạm thu thuế nhưng sau đó biết là không phải nên dần dần họ làm quen và thình thoảng ghé qua cho chúng tôi mắm cá.
Có một lần, thấy một người đàn ông bị bệnh, chúng tôi hỏi thăm và cho thuốc uống, cũng là Xuyên Tâm Liên nhưng lại trị hết bệnh cho ông ta, thế là tiếng lành đồn xa……
Lều cũa chúng tôi trở thành trạm y tế tiền phương, chúng tôi trị đủ thứ bệnh kiêm luôn băng bó xức thuốc đỏ…..lúc đầu thì chính người đàn ông đầu tiên dẩn người đến giới thiệu trị bệnh, sau đó thì dân xung quanh cứ lủ lượt kéo đến , chúng tôi chẳng có chút kiến thức y khoa nào nhưng so với dân nghèo ít học, những người mà khi bí quá phải bơi xuồng vài tiếng đồng hồ để đến tiệm chạp phô mua vài viên aspirin thì xem ra nhìn có vẽ đáng tin hơn chú chệt chủ tiệm chạp phô và mặc nhiên chúng tôi trở thành bác “sỉ” vì cã 7 đứa không thể là lẻ được.
Thuốc đem rất nhiều nhưng người cũng không ít, một thời gian sau là hết nhẳn, tuy vậy lúc này chúng tôi cũng đã nổi tiếng trong vùng rồi, bơi xuồng đi đâu cũng có người chào í ới, thỉnh thoảng lại rủ nhậu nhẹt nữa.
Chúng tôi lại chuyễn chổ ở, lần này thì ở bên hiên nhà cũa một người điền chủ, chỉ là ở tạm buổi tối chứ ban ngày thì đến một điểm khác để giử lúa, đập lúa và đong lúa trã công cho dân gặt, chờ thu hoạch lúa xong là lên đường trở về Sài Gòn .
Ở đây, tôi quyết định thử nhậu một lần xem cãm giác ra sao và phát hiện là mình có khả năng uống rượu rất tốt, mặc dù cho đến giờ này tôi chưa bao giờ cãm thấy vị ngon cũa bia rượu nhưng tôi không còn sợ chúng như trước nữa .
Cũng ở đây chúng tôi đã gặp lại hình thức thương mại cổ xưa là hàng đổi hàng, các ghe bán đồ lặt vặt kim chỉ, vải vóc , và các món ăn vặt cũa miền quê thỉnh thoảng cũng ghé ngang chổ chúng tôi, một vài lần thì chẳng ai còn tiền thế là chị chủ ghe ra giá 3 thau lúa đổi một thau xương sáo hoặc 4 miếng kẹo đậu phọng.
Chúng tôi ai nấy nhìn nhau và Tấn Dũng lên tiếng ” dù gì đi nữa thì đây là cũa tập thể, chúng ta không thể làm vậy ” chúng tôi cũng gật gù hưởng ứng vì lúc này mọi người còn trong trắng và răng cũa lương tâm còn rất bén.
Rồi có một lần Tạ ngân Hiệp rủ cã đám ăn sương sáo thiệt là quá đã, ăn xong hắn thản nhiên khai báo hồi nảy tao đổi vài thau lúa, cũng có hơi ngần ngừ một chút nhưng các em còn lại đều lẳng lặng thông qua vì mùi vị xương sáo vẫn còn chưa kịp tan trong cổ họng.
Thật sự lúc đó chúng tôi có ý thức bảo vệ của công rất tốt, việc đổi chác này không biết sau đó có diễn ra với ai nữa không nhưng tôi nhớ chỉ có lần đó và một lần nữa có cã chú Phổ là Trưỡng Phòng Hành Chánh( Phạm nhựt quốc Phổ ) đồng ý vì thấy anh em quả thật là khát nước và mệt mỏi.
Tôi còn nhớ năm đó lúa cũa trường Cao Thắng là loại lúa giống từ Kampuchia có tên là Sạo Ma Tức, đây là loại sống rất mạnh, nước lên đến đâu thì cây lúa cao đến đó cho nên có khi thân lúa dài đến 3 mét , nhưng xay thành gạo thì ăn rất dở.
Đến mùa thu hoạch thì nước đã rút nhưng còn lại là cã bãi bùn sình, muốn chuyển lúa cắt được đưa đến nơi suốt lúa thì phải dùng một loại phương tiện gọi là Cộ. Họ dùng trâu để kéo, cộ được đan bằng tre chẻ phân nữa giống như vạt giường nhưng đáy thì bằng cây dọc theo chiều dài và hơi cong lên giống như xe trượt tuyết, cứ đặt trực tiếp xuống bùn và sau đó chất lúa lên cho trâu kéo về bãi.
Chất lúa cũng phải biết, chất xung quanh thành hình tròn mà ngọn lúa châu đầu vào trong còn thân thì ngoài, như vậy sẽ không bị tuột rớt lại và có thể chất được cao.
Thời gian đầu chúng tôi chưa biết cách xếp nên mổi lần cộ không được nhiều nhưng sau đó chúng tôi có thể chất lúa nhiều đến độ mà con trâu kéo hết nổi luôn.
Nhắc đến chú Phổ tôi mới nhớ, chú Phổ là người có đạo đức rất mực và phong cách thực giản dị, có thể nói chú Phổ là người tôi tôn trọng nhất trong trường Cao Thắng từ trước đến giờ.
Khi đong lúa, ông Ba Sơn chỉ cho chúng tôi cách đong thế nào mà nhà chủ đở hao tốn nhất, dùng thúng đổ ụp lúa vào thùng thật nhanh và gạt nhẹ ngang mặt là đầy thùng nhưng nếu chỉ cần đá nhẹ vào thùng thì mức lúa sẽ thụt xuống gần nữa tấc.( dân trong nghề gọi là đong sao cho lúa nó đứng ! )
Lạ lùng với kiểu này, lũ chúng tôi cứ tập luyện thật nhuyển, khi đong lúa trã công cho dân thợ gặt chúng tôi vẫn cứ thản nhiên mà làm như vậy cho đến khi chú Phổ thấy, chú chỉ cần hỏi “tụi cháu có biết là mình đong lúa trã công cho dân nghèo không? ” chỉ câu hỏi đó thôi mà làm cã lũ chúng tôi phải hổ thẹn vì sự vô tình đến tàn nhẩn cũa mình
Sau này có lần gặp dịp, chính tôi đã đi Long An để cắt lúa mướn giống như nông dân. Khi bắt tay làm thực sự mới biết nông dân cực khổ như thế nào.
Khi đó tôi chỉ mới 22 tuổi, sức dài vai rộng vậy, tôi cắt cũng khá điệu nghệ vậy mà vừa cắt vừa đập lúa chỉ được 1/2 công ( 1 công là 1000m2 ). công cắt được tính là cứ thu hoạch 12 giạ thì tôi được một giạ, tôi là người nhà nên cứ 10 giạ thì được một.
Sau một ngày vật lộn giữa trời nắng thì tôi thu hoạch khoảng 5.5 giạ lúa, tính ra công cã ngày chỉ có 1/2 giạ lúa( 20 lít lúa có thể xay ra được khoảng 6 kg gạo ). Cắt đến ngày thứ 4 thì ngón tay tôi bị lúa rơm làm mòn chẳng còn chút chỉ tay nào cã và bắt đầu chảy máu, thế là ráng thêm một ngày nữa tôi đành bỏ cuộc, đem công sức 5 ngày cắt lúa đổi thành một bửa nhậu thế là xong .
Chúng tôi trở về Sài Gòn gần ngày tết đầu năm 1980 sau khi đem gạo thu hoạch từ Đồng Tháp về phát cho giáo viên công nhân viên toàn trường, mổi người được 15 kg riêng chúng tôi thì được ……9kg vì bị trừ vào số gạo mà chúng tôi đã ăn khi đi công tác . Bài học chua chát đầu tiên cũa chúng tôi trong những bước đường công tác sau này .
Đối với mọi người thì đó là lần đầu và cũng là lần cuối, riêng bản thân tôi thì và Tạ ngân Hiệp thì tạm thời phân công công tác ở phòng Vật Tư nên chúng tôi lại có dịp đi Đồng Tháp Mười vài lần nữa mà lần sau cùng là một mình tôi làm chủ điền cũa vài trăm hécta lúa cần thu hoạch, tôi sẽ kể vào dịp khác . * Trang này được xem 2294 lần